Thứ Năm, 25/04/2024
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Quýt hồng Lai Vung - sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao

Lai Vung có diện tích canh tác quýt hồng gần 2.000 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường Tết từ 35 đến 40 nghìn tấn quýt. Không chỉ nổi tiếng về chất lượng, màu sắc, giá trị sử dụng mà quýt hồng Lai Vung còn có giá trị và hiệu quả kinh tế rất lớn, bình quân mỗi ha nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng/năm. Trái quýt hồng Lai Vung có mặt ở nhiều tỉnh, thành và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. 

Đồng Tháp là một trong những tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng cây ăn trái lớn, có nhiều loại trái cây nức tiếng như bưởi da xanh, quýt, xoài… Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là quýt hồng, một thứ đặc sản quý hiếm của huyện Lai Vung.

Huyện Lai Vung là huyện nằm ven sông Hậu, được phù sa bồi đắp, đất đai màu mỡ cộng với khí hậu mưa thuận gió hòa. Qua đó, vùng đất thích hợp để chuyên canh quýt đường, quýt hồng, đặc biệt là giống quýt hồng trái vàng cam láng lẩy, mọng nước, thơm ngon. Quýt đường ra trái, thu hoạch quanh năm, riêng quýt hồng chỉ cho thu hoạch một mùa trong năm, mùa Tết. Quýt hồng được trồng tập trung nhiều nhất tại các xã Vĩnh Thới, Tân Phước, Tân Thành và Long Hậu.

Quýt hồng Lai Vung có thịt dầy, múi chứa nhiều nước, vị ngọt thanh và mùi thơm đặc trưng... Đặc biệt là vỏ quýt mỏng và có màu vàng rất đẹp rất được chuộng để trưng bày trên mâm ngũ quả ngày Tết.

Quýt hồng Lai Vung thơm, ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, màu sắc lại bắt mắt nên có thể chế biến thành nhiều món ngon, độc đáo, tốt cho sức khỏe. Từ Quýt hồng Lai Vung có thể làm được một số món ngon có thể kể đến như: Sinh tố quýt; Salad quýt gà..

Quýt Lai Vung còn có tên dân gian là quýt “tiêu son” do người dân địa phương dùng để gọi một loại quýt quả ngọt, vỏ căng bóng, khi chín màu cam đỏ, có thể bày biện cúng đẹp, để được lâu trong điều kiện tự nhiên. Sau này thương lái gọi thành quýt hồng và từ đó tên gọi này nhanh chóng trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Sở dĩ cây quýt hồng nổi tiếng ở vùng đất Lai Vung là nhờ khí hậu và thổ nhưỡng thích nghi đã giúp cho cây trái đạt năng suất cao, chất lượng thơm ngon.

Đặc biệt, ngoài những trái quýt hồng ngon ngọt, Lai Vung còn là một điểm tham quan thu hút du khách trong và ngoài nước. Những tuyến du lịch thăm vườn quýt hồng mang lại một nguồn thu không nhỏ cho các hộ gia đình nơi đây. Từ một vài nhà vườn đón khách tham quan trong năm 2016, đến nay toàn huyện Lai Vung có 7 điểm tham quan vườn quýt hồng như nhà vườn Lan Anh, Hai Kiệt ở xã Long Hậu; Út Tường, Hồng Vân ở xã Tân Thành; Tư Ràng xã Vĩnh Thới và Phương Nghi ở xã Tân Phước.

Quýt hồng  – sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân Lai Vung

Hiện Lai Vung có diện tích canh tác quýt hồng gần 2.000 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường Tết từ 35 đến 40 nghìn tấn quýt. Không chỉ nổi tiếng về chất lượng, màu sắc, giá trị sử dụng mà quýt hồng Lai Vung còn có giá trị và hiệu quả kinh tế rất lớn, bình quân mỗi ha nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng/năm. Trái quýt hồng Lai Vung có mặt ở nhiều tỉnh, thành và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Giá quýt hồng thường dao động từ 20 - 25 ngàn đồng/kg. Có những năm giá có thể lên đến 30.000 đồng/kg mà vẫn không đủ hàng để bán. Đặc biệt, cũng giống quýt hồng Lai Vung, cũng một kỹ thuật canh tác, nhưng khi đưa về trồng ở vùng khác, chủ yếu quanh khu vực châu thổ sông Cửu Long lại cho năng suất không cao, trái quýt cũng không ngon ngọt, đẹp, năng suất cao như ở Lai Vung. Chính vì vậy, vùng đất này được người dân Đồng bằng Sông Cửu Long mệnh danh là "Vương quốc quýt hồng".

Quýt hồng – sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Lai Vung

Diện tích và sản lượng quýt hồng Lai Vung giảm mạnh do dịch bệnh

Dù quýt hồng Lai Vung mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng gần đây hàng loạt nhà vườn lao đao bởi tình trạng cây chết tràn lan gây thiệt hại lớn.

Thống kê mới đây của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) cho thấy, diện tích quýt hồng bị nhiễm bệnh đến thời điểm hiện tại là gần 338/839ha (chiếm hơn 40%), trong đó khoảng 238 ha thiệt hại 20% - 40%, số còn lại thiệt hại 50% - 100%. Trong đó, tại xã Long Hậu nơi trồng quýt hồng lâu năm nhất trong huyện, hiện tỷ lệ nhiễm bệnh làm thiệt hại lên đến 70%; còn ở xã Tân Phước, diện tích quýt hồng thiệt hại dao động khá cao 50% - 60%; các xã khác dịch bệnh xuất hiện tràn lan khiến nhiều vườn cây bị vàng lá và chết dần. 

Diện tích trồng quýt giảm sẽ khiến sản lượng quýt hồng phục vụ Tết năm nay sẽ giảm. Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết năm nay dự kiến toàn huyện chỉ cung ứng ra thị trường Tết 25.000 tấn - 30.000 tấn, giảm khoảng 10.000 tấn so với mọi năm.

Thậm chí nguồn quýt cung ứng cho dịp Tết Nguyên Đán sắp tới có thể thiếu hụt mạnh.

Hiện nhiều diện tích quýt chín sớm đã được nông dân thu hoạch bán cho thương lái với giá chỉ 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Giải pháp khắc phục

Trước tình hình dịch bệnh tấn công cây có múi, UBND huyện Lai Vung đã phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, các chuyên gia ở Trường Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam… khảo sát quy trình canh tác, nghiên cứu tìm nguyên nhân và tác động giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế chết cây. Kết quả bước đầu cho thấy, hiện tượng chết vàng, chết xanh trên cây có múi do hư hại bộ rễ bởi các tác nhân vi sinh vật đất (nguyên nhân trực tiếp) và kỹ thuật canh tác không phù hợp (nguyên nhân gián tiếp) dẫn đến nước, các chất dinh dưỡng từ đất không được vận chuyển lên cây đầy đủ, kịp thời làm cây kém phát triển, còi cọc, suy yếu dần rồi chết.

Bên cạnh đó, nhà vườn sử dụng nhiều phân đạm, bón phân và thuốc hóa học chưa đúng cách, kích thích sinh trưởng với mục đích cho cây phát triển nhanh, ra trái nhiều… khiến cây bị bệnh. Ngoài ra, nhiều nông dân dùng đất ruộng để bồi gốc cho cây quýt hồng quá dày, không đúng kỹ thuật dễ phát sinh mầm bệnh.

Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, một trong những nguyên nhân cần quan tâm là một số hộ sử dụng giống quá lâu năm qua bầu chiết từ cây mẹ không đảm bảo nên dễ bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, tình trạng cây giống bán tràn lan nhưng khó kiểm soát chất lượng cũng là nguy cơ lây bệnh trên quýt hồng và các loại cây có múi khác.

Trước những nguy cơ trên, UBND tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp dập dịch hiệu quả không để lây lan. Song song đó, tuyên truyền để người dân thay đổi tập quán canh tác, tăng cường sử dụng phân hữu cơ nhằm cải thiện đất, nâng pH cho đất, thiết kế mô trồng cao ráo thoát nước tốt; xử lý tận gốc các cây bị nhiễm bệnh tránh lây lan…

Để khắc phục ảnh hưởng cũng như phục hồi lại các diện tích bị thiệt hại, UBND huyện Lai Vung cho biết, địa phương sẽ tiếp tục mời các nhà khoa học để nghiên cứu, các hộ nông dân sản xuất giỏi tại các vườn phát triển tốt để chia sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt, huyện sẽ phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam để tìm nguồn cây giống sạch bệnh để tái sản xuất. Huyện sẽ giao cho Hợp tác xã nông sản sạch Vĩnh Thới sản xuất thí điểm mô hình trồng quýt trong nhà lưới để hướng tới sản phẩm đạt theo chuẩn GAP.

Nguồn: VITIC

Liên kết website