Thứ Ba, 13/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Hồ tiêu Hà Tiên cần được đẩy mạnh quảng bá để mở rộng thị trường tiêu thụ

Thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) nói chung và xã Thuận Yên nói riêng có địa hình nhiều đồi núi, việc canh tác nông nghiệp hết sức khó khăn, chủ yếu là trồng hồ tiêu ven chân núi theo tập quán của người dân. Hồ tiêu được biết đến là cây trồng truyền thống trên vùng đất Hà Tiên và phát triển mạnh nhất từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Cây hồ tiêu phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất Hà Tiên, nhất là trên núi với đặc điểm là đất sỏi như ở xã Thuận Yên. Nhiều cây hồ tiêu ở Thuận Yên có tuổi đời từ 50 đến 70 năm. Hồ tiêu Hà Tiên có những đặc trưng về vị thơm, cay nồng mà các vùng khác không có.

Tiêu từ khi trồng đến khi cho hạt lần đầu khoảng 02 đến 03 năm, sau đó mỗi năm thu hoạch một lần. Thời gian thu hoạch vào khoảng tháng 11 âm lịch năm trước và kết thúc vào tháng giêng năm sau. Tiêu Hà Tiên được trồng trên trên các triền núi, trên những vùng đất sỏi đá nên mang lại năng suất không cao như ở Phú Quốc, Bình Phước, Đồng Nai hay Gò Quao…, khoảng từ 01 đến 02kg/bụi (tùy theo từng loại đất), bên cạnh đó, hồ tiêu Hà Tiên cũng bé hạt so với hồ tiêu trồng ở các vùng khác. Bù lại, do điều kiện canh tác trên núi cao, khí hậu phù hợp nên hồ tiêu Hà Tiên có hương vị đặc biệt, thơm, cay nồng đặc trưng. Tiêu sau khi thu hoạch từ trên núi về được phân ra làm hai loại: Tiêu đen và Tiêu đỏ. Muốn có được những hạt tiêu đỏ thơm ngon thì phải qua công đoạn lựa từng hột tiêu chín đỏ để riêng, ngày hôm sau đem rửa sạch trước khi phơi và phơi từ 2 nắng trở lên (còn phụ thuộc vào thời tiết).

Vườn trồng tiêu tại xã Thuận Yên

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, nông dân trồng hồ tiêu ở Hà Tiên gặp khó khăn trong canh tác. Sản lượng hàng năm bấp bênh, thiếu ổn định. Trước thực tế đó, từ năm 2016, Phòng Kinh tế thành phố Hà Tiên phối hợp với Trạm Khuyến nông và UBND xã Thuận Yên xây dựng kế hoạch, triển khai mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho các hộ nông dân trồng hồ tiêu. Mục tiêu của mô hình là ứng dụng kỹ thuật canh tác giảm chi phí, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt nhằm cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm; Chuyển giao kỹ thuật canh tác cây hồ tiêu tạo ra sản phẩm sạch, tăng lợi nhuận, từng bước ổn định cuộc sống góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Hướng tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng mô hình cho nông dân.

Kết quả thực hiện cho thấy, mô hình triển khai phù hợp với định hướng phát triển của thị xã Hà Tiên nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung, góp phần khắc phục được tình trạng thiếu nguồn nước ngọt trong canh tác và nhân rộng trên địa bàn thị xã. Nông dân tham gia mô hình và nông dân trong vùng đồng tình ủng hộ. Việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho hồ tiêu bước đầu đã mang lại thành công, hiệu quả sản xuất cao hơn và quy trình sản xuất phù hợp trong điều kiện khó khăn, khô hạn, biến đổi khí hậu.

Hệ thống tưới này được lắp đặt theo kiểu nước chảy từng giọt, quá trình tưới chậm nên không làm thất thoát nước và phân bón ra ngoài. Lúc đó cây sẽ hấp thụ được toàn bộ lượng phân bón và nước. Khi người nông dân sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ tiết kiệm được lượng nước tưới, giảm phân bón hóa học, giảm công lao động, tăng năng suất, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, có thể đảm bảo được quy trình sản xuất hồ tiêu sạch, an toàn theo tiêu chuẩn của VietGAP. Nhờ đó, sản lượng hồ tiêu Hà Tiên duy trì ổn định ở mức 150 tấn/năm cung cấp ra thị trường.

Hồ tiêu Hà Tiên hiện cung ứng sản phẩm qua các siêu thị trên địa bàn các thành phố Hà Tiên, Rạch Giá. Từ năm 2017, đã có 50 hộ nông dân tham gia xây dựng nhãn hiệu tập thể - thương hiệu hồ tiêu Hà Tiên. Trên địa bàn có không ít hộ gia đình mỗi năm thu khoảng 3 - 4 tấn hồ tiêu, lợi nhuận bình quân 150 đến 200 triệu đồng/năm. Hồ tiêu Hà Tiên hiện cung ứng sản phẩm qua các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Tiên, Rạch Giá, bước đầu đảm bảo đầu ra cho các hộ nông dân, mang thu nhập cao cho nông dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, hồ tiêu Hà Tiên tuy đã đăng ký thương hiệu nhưng bước đầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động tiêu thụ trước sự cạnh tranh từ nhiều loại sản phẩm hồ tiêu của nhiều địa phương khác nhau. Nguyên nhân là do mặc dù đã đăng ký nhãn hiệu tập thể nhưng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường cho tiêu Hà Tiên vẫn còn yếu, hầu như chỉ trông chờ vào sự tự tìm hiểu, biết đến của người tiêu dùng. Trong khi đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, người trồng phải áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư giống, học hỏi các mô hình hiệu quả…, tốn kém khá nhiều vốn nên khi đầu ra sản phẩm bấp bênh thì họ gặp khó về tài chính để tái đầu tư.

Với những ưu thế riêng biệt của mình, sản phẩm hồ tiêu Hà Tiên cần được quảng bá rộng rãi để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, thị trường được mở rộng nhiều hơn, giá cả luôn ổn định, nông dân trồng hồ tiêu Hà Tiên cải thiện đời sống và phát triển nghề truyền thống. Chính vì vậy, người trồng tiêu trên đất Hà Tiên rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ hơn nữa của chính quyền và cơ quan chức năng trong việc giới thiệu sản phẩm fđến người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ hồ tiêu trên phạm vi cả nước.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website