Thốt nốt là một loại cây đặc trưng ở vùng Bảy Núi (An Giang) với hình dáng bên ngoài giống cây dừa và lá cọ. Người dân nơi đây đã khai thác được các sản phẩm độc đáo từ thốt nốt như: đường thốt nốt, nước thốt nốt, trái thốt nốt, bánh bò thốt nốt… Với lợi thế này, tỉnh An Giang đang hướng đến xây dựng thương hiệu đường thốt nốt truyền thống của người Khmer An Giang. Khi được gắn thương hiệu, đặc sản đường thốt nốt sẽ có điều kiện vươn xa, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer cũng như khuyến khích làng nghề đường thốt nốt phát triển.
Cây thốt nốt thuộc loại họ cau, sống rất nhiều tại các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Malaysia, New Guinea... Cây thốt nốt có thân to thẳng đứng, bẹ có gai ngắn hai bên, mọc ra từ thân, lá xòe tròn như lá cọ. Thốt nốt cho những chùm quả lớn hình hơi tròn màu nâu hoặc màu hạt dẻ. Quả thốt nốt khi bổ ra là những múi nhỏ, trắng phau, nhiều nhựa, có mùi thơm rất lạ và cũng là một món ăn chơi, giải khát rất bổ được nhiều người ưa thích. Thốt nốt được trồng nhiều nhất và nổi tiếng nhất là ở An Giang. Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang là một địa danh khá nổi tiếng với nghề làm đường thốt nốt. Tại đây, những viên đường thốt nốt thơm bùi đã trở thành biểu tượng quảng bá cho loài cây gắn liền với đời sống của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đường thốt nốt là sản phẩm đặc sản từ cây thốt nốt vùng Bảy Núi tỉnh An Giang
Cây thốt nốt của tỉnh An Giang, được trồng tập trung ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, do đồng bào Khmer thu hoạch nước và chế biến chủ yếu là sản phẩm đường thốt nốt.
Hiện nay, việc khai thác và chế biến đường thốt nốt không chỉ dừng lại là công việc truyền thống của bà con dân tộc Khmer, mà còn xây dựng sản phẩm thế mạnh và đặc trưng của vùng Bảy Núi.
Với đặc điểm nổi bật vị ngọt thanh của nước thốt nốt nên có thể chế biến thành các sản phẩm như đường, siro, mật đường, nước thốt nốt lạnh, nước thốt nốt có gaz, sản xuất giấm, rượu vang. Các sản phẩm được chế biến bằng phương pháp thủ công và kết hợp thiết bị máy móc phù hợp với quy trình sản xuất, an toàn thực phẩm. Ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản nhập khẩu đường thốt nốt của An Giang để chế biến các loại bánh, các loại siro,…
Mứt thốt nốt được làm từ cơm (thịt) của trái thốt nốt, sản phẩm có vị ngọt dịu mùi thơm tự nhiên từ nước và thịt trái thốt nốt hoà quyện với nhau. Có thể dùng mứt thốt nốt ăn với bánh mì, kết hợp với các loại trái cây làm cocktai, chế biến thành món ăn khác hoặc kết hợp với các loại nước trái cây sẽ rất thú vị. Mật thốt nốt nguyên chất có màu vàng đậm, vị ngọt và độ sền sệt gần giống như mật ong nên có thể dùng làm chất tạo ngọt, cocktai, làm bánh, tiện lợi trong việc ướp thịt, cá chế bến các món kho, không cần dùng caramel tạo màu. Các sản phẩm đường cát, đường thốt nốt viên cũng được người tiêu dùng ưa chuộng vì mùi thơm tự nhiên đặc trưng phù hợp để dùng chung với cà phê, các loại nước giải khát, nấu chè,...
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đang xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương cho sản phẩm đường thôt nốt An Giang. Thông qua đó, đảm bảo thống nhất các tiêu chuẩn trong sản xuất đường thốt nốt, nâng cao giá trị, giữ uy tín thương hiệu đường thốt nốt của tỉnh An Giang trên cả nước và đáp ứng yêu cầu thị trường của nước xuất khẩu.
Hỗ trợ chính sách và định hướng của tỉnh An Giang để xây dựng nhãn hiệu hàng hóa mang tính đặc trưng của địa phương.
Theo thống kê, huyện Tri Tôn và Tịnh Biên hiện có trên 100.000 hộ dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, thu nhập chính từ canh tác lúa ruộng trên và lấy nước thốt nốt. Trong đó, nấu đường thốt nốt là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer bao đời nay và chỉ có An Giang là có được sản phẩm đặc sản này. Tuy nhiên, do cách thức sản xuất theo kinh nghiệm, sản phẩm chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa có nhãn hiệu nên thường bị ép giá vào chính vụ. Từ đó, thu nhập của hộ Khmer còn bấp bênh.
Theo Hội Nông dân tỉnh An Giang, nhằm nâng cao thu nhập một cách ổn định cho người dân, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, khai thác và chế biến sản phẩm đường thốt nốt của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer An Giang, Hội Nông dân tỉnh đề xuất Hội Nông dân Trung ương và được Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn Châu Á (AsiaDHRRA) đồng ý tài trợ Dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer nghèo tỉnh An Giang”. Mục tiêu của dự án là tập hợp những hộ dân đang khai thác nước thốt nốt lại thành tổ hợp tác, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách khai thác và chế biến nước thốt nốt đạt năng suất cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa mang tính đặc trưng, độc đáo của người Khmer An Giang. Từ đó, nâng cao chất lượng và tăng giá trị sản phẩm, phát huy nghề truyền thống, kỳ vọng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 200 hộ tham gia với hơn 600 lao động người Khmer.
Nghề nấu đường thốt nốt mang lại nguồn thu và nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ cho đồng bào Khmer
Theo Hội nông dân tỉnh An Giang, dù là nghề truyền thống của người Khmer nhưng nấu đường thốt nốt chỉ mang lại nguồn thu cơ bản. Do đó, việc nâng cao thu nhập từ mặt hàng đặc sản này cần được quan tâm nhằm cải thiện đời sống của người Khmer. “Đường thốt nốt không bán được giá cao xuất phát từ tập quán sản xuất thủ công của đồng bào Khmer cũng như đầu ra không ổn định. Đa số các hộ nấu đường đều phải thuê cây thốt nốt để lấy nước nên chi phí bỏ ra cao, mặt khác giá sản phẩm lại phụ thuộc vào thương lái nên bà con hầu như “bị động” với thị trường, nên nguồn thu của các hộ nấu đường bị ảnh hưởng đáng kể”
Hiện nay, dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer tỉnh An Giang” đã thu được những kết quả khả quan. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh sẽ thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm truyền thống vùng Bảy Núi, hướng đến lợi ích lâu dài cho các hộ tham gia.
Theo Hội nông dân tỉnh An Giang: “Với nỗ lực của Ban Điều hành và Quản lý dự án cùng sự hỗ trợ tích cực của Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực Châu Á (AsiaDHRRA), dự án đã đạt được những mục tiêu quan trọng.
Trước tiên là thay đổi nhận thức của đồng bào Khmer về quy trình sản xuất đường thốt nốt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó là hỗ trợ vốn để người dân trang bị dụng cụ nấu đường và tiếp cận với đầu ra ổn định”.
Ban điều hành và quản lý dự án đã mở 3 lớp tập huấn về quy trình sản xuất và chế biến đường thốt nốt cho 60 nông dân thuộc 4 xã đang triển khai dự án là: Châu Lăng, Núi Tô (Tri Tôn), An Phú và Nhơn Hưng (Tịnh Biên). Theo đó, nông dân được tập huấn về kiến thức sản xuất, chế biến đường thốt nốt theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và kỹ thuật xử lý để cây thốt nốt cho nước tối đa.
Năm 2018, Ban điều hành và quản lý dự án thực hiện đăng ký nhãn hiệu “đường thốt nốt Bảy Núi” cho sản phẩm của người dân tham gia dự án. Hiện nay, sản phẩm đã có bao bì, nhãn mác và được giới thiệu, quảng bá tại nhiều hội chợ, sự kiện trong và ngoài tỉnh. Đây là hướng đi vững chắc để phát triển đặc sản của người Khmer vùng Bảy Núi.
Phương hướng đẩy mạnh hoạt động sản xuất tiêu thụ và quảng bá đường thốt nốt vùng Bảy Núi tỉnh An Giang
Đường thốt nốt được xem là đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi. Qua hàng trăm năm giữ gìn nghề truyền thống này, đường thốt nốt nguyên chất 100% được chứng minh giúp bổ sung năng lượng, tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ em, người lớn tuổi, ngăn ngừa táo bón, tạo hương vị độc đáo cho các món ăn… Dù không cần quảng cáo nhưng từ lâu, sản phẩm đường thốt nốt đã được nhiều người ưa chuộng, tiêu thụ rộng rãi thông qua các kênh phân phối nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trước nhu cầu sử dụng tăng cao, không ít cơ sở đã pha đường cát, đường phèn, một số thành phần khác vào sản phẩm đường thốt nốt nhằm tăng lợi nhuận (do giá đường cát chỉ bằng một nửa đường thốt nốt), gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng đường thốt nốt truyền thống. “Khi pha trộn đường cát vào, đường thốt nốt trở nên thô cứng hơn, mất vị ngọt nhẹ và mùi thơm đặc trưng, dùng nấu chè hoặc nêm vào các món ăn không ngon như đường thốt nốt nguyên chất”
Theo UBND tỉnh An Giang, khi nhiều làng nghề truyền thống khác bị mai một thì nghề nấu đường thốt nốt vẫn phát triển ổn định. Cùng với việc được công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, An Giang có nhiều chính sách hỗ trợ để những hộ theo nghề nấu đường thốt nốt ở hai huyện có đông đồng bào Khmer là Tri Tôn, Tịnh Biên phát triển sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Sản phẩm đường thốt nốt không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà ở nước ngoài cũng rất ưa chuộng, bởi đặc tính thơm ngon và đặc trưng vùng, miền của sản phẩm.
Theo Hội Nông dân tỉnh An Giang, qua hơn 2 năm triển khai Dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer nghèo tỉnh An Giang”, Ban điều hành và quản lý dự án (Hội Nông dân tỉnh) cùng các địa phương đã thành lập được 8 tổ hợp tác, đào tạo 160 hộ Khmer với 480 lao động tại 8/10 xã tham gia dự án. Các hộ đã từng bước nâng cao nhận thức, khai thác đạt mức cao hơn và sản xuất ra sản phẩm ngày càng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với hỗ trợ các hộ xây dựng lò, trang bị dụng cụ lấy nước, nấu đường, dự án đã trang bị 82 máy đánh đường thay cho đánh bằng tay, giảm bớt lao động nặng nhọc cho phụ nữ. Để đa dạng hóa sản phẩm, Ban điều hành và quản lý dự án đã nghiên cứu và thiết kế máy tách đường bột và đường mật. Đường bột dùng sản xuất đường thốt nốt, đường mật thì làm nước màu. Ban điều hành và quản lý dự án còn thiết kế và đăng ký nhãn hiệu đường thốt nốt của dự án với tên gọi đường thốt nốt Bảy Núi kèm ghi chú “Sản phẩm truyền thống người Khmer An Giang”. Nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận.
Đường thốt nốt mang nhãn hiệu Bảy Núi của dự án đã được giới thiệu rộng rãi đến khách hàng tại hội chợ do Hội Nông dân tỉnh tổ chức vào tháng 5-2018. Sản phẩm được giới thiệu, quảng bá đến Hội Nông dân các tỉnh, thành phố phía Nam, Hội Nông dân Trung ương và các tổ chức nông dân của Indonesia, Campuchia, Philippines, Đài Loan trong tháng 8-2018. “Các sản phẩm đường viên, đường bột mang nhãn hiệu, bao bì của đường thốt nốt Bảy Núi rất được quan tâm, khen ngợi”-
Để sản phẩm duy trì đầu ra ổn định, bên cạnh đưa sản phẩm vào các siêu thị, hệ thống bán hàng ở các tỉnh, giai đoạn 2019-2020, Ban điều hành và quản lý dự án sẽ chọn 5 xã để xây dựng điểm dừng chân nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến du khách. Trong đó, đã ra mắt điểm dừng chân đầu tiên tại xã Ô Lâm (Tri Tôn). “Với tổng kinh phí đầu tư hơn 50 triệu đồng, trong đó có phần đối ứng của hộ dân, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, điểm dừng chân Ô Lâm sẽ là đầu mối tiêu thụ sản phẩm của các thành viên dự án tại địa phương, đồng thời là nơi giới thiệu, cung cấp các sản phẩm đường thốt nốt và các sản phẩm từ thốt nốt như: nước thốt nốt, nước màu thốt nốt, bánh thốt nốt… cho du khách trong và ngoài tỉnh khi đến tham quan, du lịch tại địa phương”.
Nguồn: VITIC tổng hợp