Thứ Năm, 15/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gốm sứ Bình Dương

Bình Dương là thủ phủ của những làng nghề thủ công truyền thống: Sơn mài, gốm, chạm khắc, đúc đồng... Trong đó, làng nghề gốm sứ Bình Dương là thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Trong thời kỳ hội nhập, để ngành gốm sứ Bình Dương tiếp tục phát triển, cần có sự thay đổi từ phía các doanh nghiệp sản xuất trong việc đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng với đó, sự hỗ trợ từ phía tỉnh trong công tác quảng bá sản phẩm cũng sẽ góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gốm sứ...

Bình Dương là thủ phủ của những làng nghề thủ công truyền thống: Sơn mài, gốm, chạm khắc, đúc đồng... Trong đó, làng nghề gốm sứ Bình Dương là thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước.

Làng Lái Thiêu, Tân Phước Khánh, Chánh Nghĩa... là các “cứ địa” của vùng gốm sứ Bình Dương.

Bình Dương hiện có gần 300 cơ sở sản xuất gốm, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 130 - 150 triệu sản phẩm các loại, với giá trị xuất khẩu từ 130-150 triệu USD/năm và thị trường tiêu thụ nội địa tương đương 70 triệu USD/năm. Ngành gốm sứ không chỉ phát triển ổn định, mà còn liên tục được kế thừa và phát triển dựa trên các yếu tố về điều kiện tự nhiên, công nghệ sản xuất, nguồn lao động… Với đặc thù là sản phẩm kết tinh bởi trình độ tay nghề của người thợ và trình độ công nghệ sản xuất, nên sản phẩm gốm sứ đạt giá trị rất cao và đây cũng là ngành tạo được giá trị gia tăng cao nhất trong số 20 ngành xuất khẩu chủ lực của địa phương.

Trong vài năm gần đây, làng gốm ở Bình Dương đã được chú trọng. Các làng nghề gốm truyền thống dần được thay thế bởi những trang thiết bị hiện đại. Lò nung truyền thống được thay thế bằng lò nung điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn cố gắng và nỗ lực duy trì nghề gốm truyền thống, để lưu truyền cho con cháu về sau, đồng thời thu hút được rất nhiều lượt khách trong và ngoài nước tham quan và chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm sứ.

Nét đẹp của sản phẩm gốm sứ Bình Dương

Gốm sứ Bình Dương đa dạng về mẫu mã, chủng loại, màu sắc, giàu tính nghệ thuật. Từ các sản phẩm gia dụng như lu, khạp, chén, dĩa, bình hoa, bình trà… đến các loại gốm sứ mỹ nghệ như hình các loại thú dùng trang trí trong nhà, các loại trang sức dùng làm quà lưu niệm đều được khách hàng đánh giá cao về mẫu mã, chủng loại, chất lượng. Những năm qua, gốm sứ đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, với những thương hiệu nổi tiếng như Minh Long, Cường Phát, Phước Dũ Long… Đây là lợi thế rất lớn của ngành gốm sứ Bình Dương. Hiện nay, việc cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm đang được các doanh nghiệp gốm sứ trong tỉnh chú trọng thực hiện, điển hình là công ty TNHH Cường Phát và Công ty Phước Dũ Long.

Nhờ đó mà tình hình tiêu thụ gốm sứ của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt được kết quả rất tốt. Theo Công ty TNHH Cường Phát, sản phẩm của công ty chủ yếu cung cấp ra thị trường xuất khẩu với tỷ trọng hơn 80%. Năm 2018, doanh thu từ sản phẩm gốm sứ xuất khẩu của công ty đạt khoảng 10 triệu USD, tăng 20% so với năm trước. Hiện công ty đã ký kết xuất khẩu với các đối tác tại 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu khó tính như châu Âu, Mỹ… Năm 2019 dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có một năm “bội thu” bởi hiện nay công ty đã có đơn hàng xuất khẩu cho đến gần cuối năm 2019.

Bên cạnh đó, Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long, Minh Long I cũng đã có đủ đơn hàng sản xuất đến giữa năm 2019. Trong đó, các đơn hàng ở thị trường xuất khẩu tăng từ 15-20% và đơn hàng nội địa tăng từ 20-30% so với năm 2018.

Năm 2019, ngành gốm sứ Bình Dương vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng là 15% như năm 2018, và mục tiêu này có thể đạt được khi cả thị trường xuất khẩu và nội địa đều có những diễn biến tích cực.

Trong hoạt động xuất khẩu, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt 64,4 triệu USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu gốm sứ sang các thị trường chủ lực như Mỹ, EU vẫn tăng từ 7-8% so với cùng kỳ năm 2018, ngoài ra, sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam cũng đang được nhiều thị trường ưa chuộng như Australia, Canada, New Zealand, Indonesia... Đây là cơ hội để ngành gốm sứ Việt Nam nói chung, ngành gốm sứ Bình Dương nói riêng phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp gốm sứ của Bình Dương đang chú trọng nhiều hơn vào thị trường nội địa. Những năm gần đây, các công ty tên tuổi như Cường Phát, Minh Long, Minh Phát... liên tục tăng trưởng khá một phần quan trọng cũng nhờ khai thác tốt thị trường trong nước. Chẳng hạn như Minh Long đã hình thành chuỗi cửa hàng, gian hàng giới thiệu và trưng bày sản phẩm chuyên cung cấp gốm sứ gia dụng trong phạm vi cả nước. Thị trường trong nước đang là kênh phân phối hàng gốm sứ quan trọng. Trong tương lai sẽ có nhiều doanh nghiệp gốm sứ “quay lại” khai thác thị trường nội địa.

Giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gốm sứ Bình Dương

Là một trong số những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương, tuy vậy, hiện nay sản phẩm gốm sứ ngoài chịu sự cạnh tranh trên thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu mặt hàng này cũng đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ doanh nghiệp gốm sứ các nước Trung Quốc, Thái Lan…

Do đó, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gốm sứ, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gốm sứ Bình Dương cần tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, thay đổi công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh hoạt động marketing, xúc tiến thương mại... giúp tăng tính cạnh tranh sản phẩm gốm sứ trên thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh việc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm gốm sứ của các làng nghề, tỉnh Bình Dương cũng rất tích cực trong công tác quảng bá sản phẩm gốm sứ của tỉnh.

Trong 2 năm trở lại đây, công tác quảng bá sản phẩm làng nghề được tỉnh Bình Dương tổ chức thường xuyên hơn thông qua các Hội chợ, triển lãm, điểm hình như Hội chợ Thương mại Thủ công mỹ nghệ đặc trưng tỉnh Bình Dương trong đầu tháng 9/2018 do Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Dương và AEON MALL Bình Dương Canary tổ chức nhằm quảng bá, phát triển những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của tỉnh như: gốm sứ, tranh sơn mài, đan lát… Từ ngày 22/5 đến 22/6/2019, tại Bảo tàng tỉnh đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Gốm sứ Bình Dương- truyền thống và hiện đại”, nhằm tôn vinh giá trị gốm sứ truyền thống và hiện đại, tạo điều kiện cho công chúng hiểu rõ hơn về nguồn gốc quá trình phát triển của gốm sứ Bình Dương qua các thời kỳ. Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Bình Dương sẽ tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hiệp hội Gốm sứ tỉnh tiếp tục xây dựng hồ sơ khoa học bảo tồn nghề Gốm sứ tỉnh Bình Dương để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản cấp quốc gia vào năm 2020...

Theo chủ trương của tỉnh, trong tương lai, tỉnh Bình Dương sẽ thường xuyên mở những hội chợ triển lãm tập trung vào từng ngành nghề để có thể phân loại nhu cầu khách hàng và đưa ra hướng phát triển cụ thể cho từng sản phẩm.

Một số giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành nghề truyền thống bao gồm: tăng cường hỗ trợ quảng bá sản phẩm làng nghề thông qua các hội chợ, triển lãm lớn, có uy tín trong và ngoài nước. Các sự kiện kết nối cung cầu ngành hàng thủ công mỹ nghệ, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm trên internet, hỗ trợ tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh (dự kiến ra mắt hoạt động trong năm 2019) nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung hỗ trợ phát triển ngành nghề truyền thống thông qua các chương trình khuyến công như đào tạo nghề, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... Qua đó, ngày càng củng cố và phát triển sản xuất ngành hàng thủ công mỹ nghệ theo hướng hiện đại hóa công nghệ trong các làng nghề, vừa bảo đảm tính nguyên tắc nhưng sản phẩm làm ra không mất đi tính truyền thống, tính độc đáo, độ tinh xảo, vừa đẩy mạnh được việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề vốn đã và đang trở thành đòi hỏi cấp bách đối với hầu hết các làng nghề truyền thống.

Ngoài ra, nhận thức được tầm quan trọng của du lịch làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, ngành du lịch Bình Dương đã có nhiều nỗ lực nhằm gìn giữ, bảo tồn và khai thác các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong đó chú trọng xây dựng, chỉnh trang và phát triển làng nghề đáp ứng nhu cầu khép kín của du khách. Vì vậy, việc khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống ở Bình Dương như sơn mài, gốm sứ, gỗ điêu khắc để gắn với phát triển du lịch trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website