Ứng dụng công nghệ vào trồng dưa lưới ở Bình Dương đã đạt được chất lượng cao và được công nhận đạt chuẩn VietGAP, mở ra những cơ hội mới trong hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng quy trình chuỗi sản xuất và góp phần nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn.
Dưa lưới (còn gọi là dưa vàng) có hình tròn hoặc dài, da màu xanh, khi chín thì ngả vàng và có các đường gân trắng đan xen. Thịt quả dưa lưới màu vàng cam hoặc vàng đỏ, ăn giòn, mát và thơm ngọt.
Mô hình trồng dưa lưới ở Bình Dương
Dưa lưới là loại cây dễ mẫn cảm với thời tiết, côn trùng gây hại nên cần được chăm sóc tỷ mỷ, cẩn thận. Dưa lưới được trồng bằng cách áp dụng công nghệ cao, trong nhà màng theo công nghệ Israel. Sản lượng dưa mỗi vụ đạt 35 - 40 tấn/ha. Mỗi quả nặng trung bình 1,5 - 1,7 kg, quả to đạt đến 3,2 kg. Dưa lưới ở nhiệt độ thường có thể bảo quản được 10 ngày, bảo quản lạnh sẽ tăng gấp đôi thời gian.
Dưa được chăm sóc rất kỹ, đạt chất lượng cao nên được nhiều người tin dùng. Hiện tại, dưa lưới đang được trồng và quản lý theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, bảo đảm an toàn khi sử dụng.
Áp dụng kỹ thuật chăm sóc công nghệ cao nên dưa lưới đạt năng suất vượt trội, chất lượng tốt, có thể trồng 4 vụ/năm. Các đơn vị sản xuất dưa lưới cung ứng ra thị trường trên 200 tấn dưa lưới/năm.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới đã mở ra những cơ hội mới trong hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng các quy trình chuỗi sản xuất và góp phần nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn, từ đó đặt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của đối tác đã ký kết nhằm ổn định thị trường. Sản phẩm dưa lưới được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao
Bình Dương có 3.415,4 ha trồng cây có múi và cây ăn quả chủ lực. Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 2.754,4 ha với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh. Các loại cây trồng, trong đó có dưa lưới được người dân Bình Dương ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao nhất. Toàn tỉnh có 95 trang trại, cơ sở sản xuất nông nghiệp chứng nhận VietGAP.
Hướng đến xuất khẩu luôn là mục tiêu quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp Bình Dương phát triển, nên việc tìm đầu ra và nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây sản xuất theo hướng hữu cơ đối với cây ăn quả là rất cần thiết.
Để nâng cao năng suất sản phẩm hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lớn, cần tạo thành các tổ hợp tác, hợp tác xã tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết hợp tác trong sản xuất theo chuỗi liên kết ngang giữa các hộ sản xuất. Đây chính là điều kiện để đầu ra cho các sản phẩm dưa lưới ứng dụng công nghệ cao có tính ổn định. Để thúc đẩy kinh tế phát triển, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, đồng thời dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích các HTX, tổ hợp tác. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm dưa lưới.
Nguồn: VITIC tổng hợp