Thứ Năm, 01/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Ninh Thuận - tích cực cải tiến gốm Bàu Trúc cho giá trị kinh tế cao

Để mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững cho sản phẩm gốm Bàu Trúc, các nghệ nhân làm gốm của huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, có hoa văn đẹp mắt, nhất là hoa văn cổ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Giới thiệu sản phẩm làng gốm Bàu Trúc

Làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận khác hẳn với các làng gốm như Bát Tràng - Hà Nội, Chu Đậu - Hải Dương, Biên Hòa - Đồng Nai, Gốm Phước Tích - Thừa Thiên Huế, Thanh Hà - Quảng Nam… Trong khi những làng gốm này đã áp dụng rất nhiều các công nghệ vào sản xuất như dùng bàn xoay để nặn sản phẩm, sử dụng men để trang trí hay dùng công nghệ nung trong lò sử dụng điện, gas… thì những người thợ của làng gốm làng Bàu Trúc vẫn duy trì cách làm gốm truyền thống. Những sản phẩm được tạo ra bằng kỹ thuật độc đáo, đó là “Làm bằng tay, xoay bằng mông”. Người thợ gốm Bàu Trúc đã biến những sản phẩm vô tri, vô giác thành sản phẩm gốm độc đáo mang đậm nét văn hóa Chăm. Trong đó với cách nung vẫn làm lộ thiên bằng củi, rơm, trấu…

Đặc điểm của làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận

Làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận với nét đặc trưng đó chính là những sản phẩm được làm hoàn toàn bằng thủ công với cách nung độc đáo, nguyên liệu sử dụng của gốm Bàu Trúc được khai thác tại vùng bờ sông Quao, nơi có đất sét dẻo, mịn và nhiều đặc tính đặc biệt khác chỉ mảnh đất nơi đây mới có.

Điểm đặc biệt khi du khách tới làng gốm Bàu Trúc là được thăm quan các hộ dân sản xuất các sản phẩm gốm thủ công, hầu như không có xưởng làm hay các cửa hàng trưng bày. Với hơn 400 hộ gia đình ở đây thì có tới 80% các gia đình đều tham gia làm gốm. Trong đó, mỗi hộ gia đình là một xưởng gốm riêng biệt, ngoài nhà trưng bày gốm được nhà nước đầu tư xây dựng, thì hầu hết nơi ở của các gia đình cũng chính là nơi chế tác, là lò nung gốm. Cùng với cải tiến dòng sản phẩm gốm dân dụng, làng gốm Bàu Trúc đã và đang phát triển thành một số dòng gốm trang trí, gốm mỹ nghệ có hàm lượng thẩm mỹ, cho giá trị kinh tế cao với các sản phẩm như đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà, lục bình, tháp nước… để phục vụ trang trí nội, ngoại thất cho các gia đình, khách sạn, khu resort trên toàn quốc…

Đáng chú ý, tại đây có những tháp Chăm, tượng mô phỏng các vị thần của tôn giáo Balamon như Brahma, Vinus, Shiva… hay tượng nữ thần Apsara độc đáo, với những kích thước từ nhỏ như ngón tay, tới các phù điêu lớn để trang trí trên các công trình kiến trúc ngoài trời.

Hướng phát triển của gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận

Sản phẩm gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận đã xuất khẩu được sang một số thị trường quốc tế và đã được trưng bày tại California, Texas và Arizona thu hút đông đảo khách đến tham quan, tìm hiểu và mua hàng.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững cho sản phẩm làng nghề gốm Bàu Trúc, các nghệ nhân làm gốm nơi đây không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, có hoa văn đẹp mắt, nhất là hoa văn cổ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Bên cạnh đó, các nghệ nhân có kĩ năng nhiều năm sẽ tập trung nâng cao kỹ thuật, tay nghề cho các thành viên trong làng. Cùng với đó đẩy mạnh thiết kế sản xuất dòng gốm mỹ nghệ với mẫu mã và hoa văn trang trí độc đáo, phong phú, đảm bảo chất lượng để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sản phẩm gốm lục bình độc đáo của Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận)

Sự kiện tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” năm 2022 là điều hết sức đáng mừng và tự hào. Do đó giai đoạn từ nay đến năm 2030, huyện Ninh Phước sẽ tập trung triển khai Đề án bảo tồn và phát triển làng gốm Chăm Bàu Trúc, tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, chú trọng phát triển du lịch để nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời, huyện cũng phối hợp các sở, ngành liên quan đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm gốm thông qua hoạt động phát triển du lịch cộng đồng như tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn, đào tạo đón tiếp khách du lịch, tiếp thị sản phẩm.

Bên cạnh đó, huyện Ninh Phước cũng hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh gốm ở làng Bàu Trúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu tiêu thụ, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, tiếp nhận đơn đặt hàng online và gửi các sản phẩm gốm đi khắp các tỉnh, thành phố trong nước và cả xuất khẩu, để vừa tạo thêm đầu ra cho sản phẩm, vừa tăng thu nhập cho các hộ làm nghề gốm, người Chăm có thêm động lực gắn bó, bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống một cách bền vững, hiệu quả.

Hữu Quang

Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây

Liên kết website