Tỉnh An Giang có nhiều dự án phát triển kinh tế như chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và du lịch sinh thái, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững của tỉnh.
Tỉnh An Giang hiện có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, từ ưu đãi tự nhiên nên các sản phẩm mang đặc thù riêng được người tiêu dùng trong và ngoài nước quan tâm. Trong đó, 11 huyện, thị xã, thành phố có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, có 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, 16 sản phẩm đạt 4 sao và 70 sản phẩm đạt 3 sao. Qua phân loại có 63 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm (chiếm 71,59%), 21 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống (chiếm 23,86%) và 4 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ-trang trí (chiếm 4,54%).
Mỗi sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng miền như tại thành phố Long Xuyên có cá linh kho mía và cá linh mắm chưng; thành phố Châu Đốc có mắm thái, khô cá tra phồng; thị xã Tân Châu có mắm cà mè vinh, khô bò và tung lò mò (lạp xưởng bò), thổ cẩm Châu Phong; huyện vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên có đường thốt nốt; huyện Châu Phú có nước mắm cá linh, nhãn xuồng cơm vàng; huyện Chợ Mới có khô cá lóc, bánh hạnh nhân; huyện Thoại Sơn có tranh lá thốt nốt…
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển kinh doanh và quảng bá sản phẩm OCOP, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đã tích cực tổ chức sự kiện sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh An Giang về các huyện thị thành trong tỉnh. Qua đó, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP và văn hóa ẩm thực đặc trưng An Giang đến với người dân, du khách trong, ngoài tỉnh. Ngoài ra, trong mục tiêu tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh ra thị trường nội địa, Trung tâm đã tích cực kết nối các địa phương thông qua hoạt động gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, sự kiện, hội chợ quảng bá hàng hóa đặc sản cả nước.
An Giang phấn đấu, đến năm 2025 có thêm 170 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu có thêm 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao Cấp Quốc gia; củng cố và nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; ưu tiên phát triển các Hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong đó, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Có ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất 20% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phấn đấu có 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử…); phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025 đã được tỉnh An Giang ban hành. Tỉnh khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trong làng nghề; huy động nguồn vốn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất; phấn đấu đến năm 2025, tỉnh công nhận ít nhất một làng nghề, thực hiện ít nhất 3 dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm làng nghề.
Một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh An Giang:
Sản phẩm từ cây thốt nốt
Cây thốt nốt là cây trồng đặc trưng ở khu vực bán sơn địa thuộc huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Theo kết quả thống kê, trên địa bàn huyện Tri Tôn có gần 11.000 cây thốt nốt được trồng rải rác khắp các xã.
Hai công ty tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm là Công ty Palmalia (huyện Tri Tôn) và Công ty Trần Gia (thị xã Tịnh Biên) cũng chia sẻ các thông tin liên quan đến sản phẩm từ thốt nốt đang sản xuất như đường, mật, rượu, siro và cung cấp tiêu chuẩn thu mua thốt nốt.
Việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với cây thốt nốt giúp bà con đồng bào Khmer phát huy nội lực và gia tăng giá trị từ chính những cây trồng, vật nuôi gắn bó hàng ngày. Đồng thời, khai thác tính đặc thù từ cây thốt nốt để tạo ra sản phẩm đặc trưng mang chỉ dẫn địa lý cho vùng đất Tri Tôn, An Giang nơi có nhiều đồng bào Khmer sinh sống.
Nhờ vị ngon lạ nên trái thốt nốt của vùng núi huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên hấp dẫn du khách với món bánh bò, nước thốt nốt, đường thốt nốt dạng viên tròn. Gần đây, các chủ cơ sở nghiên cứu, gia công chế biến thêm thành những mặt hàng độc đáo như: đường thốt nốt dạng bột, đường cô đặc, nước màu, mứt, đường thốt nốt Palmania…
Theo định hướng của tỉnh An Giang, đến năm 2030 tỉnh sẽ hình thành vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ tại 2 huyện biên giới Tri Tôn và Tịnh Biên; tập trung phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ phục vụ nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, số lượng cây thốt nốt tại An Giang được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt 500 cây; trong đó, huyện Tri Tôn 200 cây và Tịnh Biên 300 cây. Sẽ hình thành mới tối thiểu 1 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ được chứng nhận. Tỷ lệ sản phẩm thốt nốt hữu cơ đạt 3% trên tổng sản phẩm của toàn tỉnh. Lợi nhuận thu được từ thốt nốt, sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ bằng hoặc cao hơn so với tập quán thông thường từ 1,5 đến 2 lần.
Trong quá trình sản xuất thốt nốt hữu cơ, tỉnh An Giang sẽ hướng dẫn các nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở trồng và sơ chế thốt nốt… cách sản xuất, khai thác mật thốt nốt và chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ. Các vùng trồng sẽ được hỗ trợ cấp chứng nhận vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ, tạo vùng nguyên liệu để liên kết với doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ cho thị trường nội địa và xuất khẩu
Theo định hướng phát triển của UBND tỉnh An Giang, đến năm 2025, số lượng cây thốt nốt tại 2 huyện biên giới Tri Tôn và Tịnh Biên sẽ được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt 200 cây trên 40 năm tuổi; trong đó, huyện Tri Tôn 100 cây và Tịnh Biên 100 cây. Tỉnh dự kiến đến năm 2025 sẽ hình thành và phát triển tối thiểu 1 chuỗi sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ được chứng nhận. Tỷ lệ sản phẩm thốt nốt hữu cơ đạt 1- 2% trên tổng sản phẩm của toàn tỉnh. Lợi nhuận thu được từ thốt nốt, sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ bằng hoặc cao hơn so với tập quán thông thường từ 0,5 đến 1 lần.
An Giang cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sản phẩm từ các mô hình sản xuất thốt nốt hữu cơ sẽ được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ đến 80% và 100% vào năm 2030 để phục vụ cho sơ chế, chế biến các sản phẩm đường thốt nốt hữu cơ, các sản phẩm liên quan đến đường thốt nốt như: yến hũ chưng đường thốt nốt, nghệ, đông trùng hạ thảo...
Sầu riêng Long Kiến:
Những năm gần đây, xã Long Kiến đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển từ trồng lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc vườn, như: Tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tưới phun sử dụng béc định lượng trên vườn cây ăn trái… bước đầu đạt hiệu quả khả quan.
Sầu riêng Long Kiến
Nhằm giúp hội viên, nông dân phát triển mô hình trồng cây ăn trái, đặc biệt là cây sầu riêng, thời gian qua, Hội Nông dân xã Long Kiến đã chủ động phối hợp với các công ty, ngành chuyên môn tổ chức hội thảo, hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Từ đó, giúp hội viên nông dân nắm rõ và áp dụng trong quá trình sản xuất.
Hiện nay, 62 ha sầu riêng của xã đều áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun bằng béc có định lượng. Nông dân còn áp dụng phương pháp phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón lá sinh học bằng hệ thống tưới thông minh. Từ đó, giúp giảm chi phí nhân công, bảo vệ sức khỏe và vườn cây phát triển tốt hơn. Năm 2023, trên địa bàn xã Long Kiến có khoảng 25/62 ha sầu riêng cho thu hoạch chính vụ với giá bán cho thương lái tại vườn khoảng 78.000 đồng/kg. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí từ 300 - 350 triệu đồng/ha.
Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã và sự đồng tình của các hội viên nông dân, Chi hội Nông dân nghề nghiệp sầu riêng Long Kiến đã được thành lập với 36 thành viên, diện tích canh tác trên 23 ha. Một số thành viên trong Hội đã trồng sầu riêng theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học, sản phẩm sạch an toàn, nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi trái dao động từ 2 kg đến 6 kg, có mùi rất thơm, vị ngọt mặn, béo của cơm, múi to, vàng đều và không bị sượng hay nhẫn. Bắt đầu từ vụ trái thứ 2 năng suất sẽ tăng gấp đôi so với vụ đầu tiên, nên thu nhập từ cây sầu riêng sẽ rất cao so với các loại cây trồng khác.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, các thành viên trong chi hội luôn chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động trong sản xuất, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sau thu hoạch...
Hương Giang
Thông tin chi tiết xem file đính kèm “tại đây”