Thứ Ba, 29/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Đồng Tháp: Bảo tồn và phát triển làng nghề dệt chiếu Định Yên

Đồng tháp là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống được công nhận, trong đó làng chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp với hơn trăm năm lịch sử đã trở thành biểu tượng văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Nghề dệt chiếu thủ công nơi đây được gìn giữ qua bao thế hệ, từ cách nhuộm cói rực rỡ đến từng đường dệt tỉ mỉ đã tạo nên những sản phẩm vừa bền đẹp, vừa chứa đựng tinh hoa của người Việt Nam.

Các làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp ngoài làng chiếu Định Yên còn làng nghề đóng ghe xuồng rạch Bà Đài, Lai Vung, làng nghề làm nem Lai Vung, làng nghề làm bột gạo Sa Đéc, làng nghề hoa kiểng Sa Đéc, làng nghề bánh phồng tôm Sa Đéc, làng nghề dệt khăn choàng Hồng Ngự, làng nghề đan lát… là các làng nghề truyền thống khá đa dạng, gắn chặt với cuộc sống và nhu cầu của cư dân địa phương với các sản phẩm như: đan đát lục bình, đan lờ lọp, đan cần xé, đan bội, đan thúng, rổ, đóng xuồng, ghe, dệt chiếu, dệt choàng, trồng hoa kiểng, làm bột, làm nem. Đây được xem là nguồn tài nguyên văn hóa bản địa độc đáo có sức thu hút mạnh mẽ với du khách và là yếu tố có khả năng làm nổi bật hơn bức tranh du lịch của tỉnh.

Người dân xã Định Yên đang nhuộm cây cói, nguyên liệu đan chiếu

Làng nghề dệt chiếu Định Yên là nơi hồn cốt văn hóa được người dân lưu giữ qua nhiều thế hệ. Nghề dệt chiếu không quá phức tạp nhưng rất công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và dệt.

Những cây lác già (cây cói) dài đều là nguyên liệu để tạo nên một chiếc chiếu bền đẹp. Sau khi chọn những cây lác già phù hợp với khổ chiếu cần dệt sẽ đến công đoạn dệt. Để dệt một chiếc theo cách thức thủ công truyền thống cần có 2 người: người thợ chính ngồi trên khung dệt, người phụ luồn từng sợi lác qua khuôn, sau đó thợ chính dập mạnh để các sợi lác khít chặt vào nhau. Động tác dập phải đủ mạnh và dứt khoát để lác thẳng hàng, không bị gãy hay chồng lên nhau.

Làng chiếu Định Yên nổi tiếng đã làm ra những chiếc chiếu bền chắc. Với những chiếc chiếu được nhuộm mầu sắc nét, khó phai, người thợ dệt nấu phẩm màu, nhúng từng chùm lác nhỏ vào nhuộm, tùy theo độ đậm nhạt có thể nhúng 2 đến 3 lần trở lên. Sau đó, cỏ lác tiếp tục được mang phơi nắng thêm một buổi rồi bước vào công đoạn dệt.

Hiện nay làng chiếu Định Yên đang có những bước đi vững chắc, cố gắng sử dụng tối đa những tiềm năng: vốn, thị trường, chính sách, nguyên liệu... Làng chiếu Định Yên hiện có khoảng 620 máy dệt chiếu, 62 máy may bìa, 2 máy se chỉ và 2 máy lau bóng, với trên 400 hộ dân gắn bó với nghề.

Bên cạnh những hộ dệt chiếu thủ công, làng còn có hợp tác xã và 3 tổ hợp sản xuất lớn đảm bảo tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân Định Yên và các vùng lân cận có thu nhập ổn định, từ đó đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế địa phương.

Chiếu Định Yên nổi tiếng dày, bền, sản phẩm nhiều mầu sắc đa dạng, nằm vừa êm lại thoáng mát, giá phù hợp với người tiêu dùng nên hàng ngày thương lái các nơi đến mua rất đông. Một ngày làm chăm chỉ, thợ chiếu có thể dệt được từ 2 - 3 đôi, tùy theo loại chiếu, chiếu trắng hay chiếu màu và độ dày hay mỏng, giá bán từ 120.000 - 180.000 đồng/đôi.

So với dệt truyền thống, chiếu Định Yên được sản xuất bằng máy móc, công nghệ tiên tiến cho năng suất cao hơn, số lượng chiếu làm ra ngày một nhiều, sản phẩm mẫu mã đẹp, tuy nhiên các sản phẩm dệt thủ công bằng tay vẫn tinh xảo và mịn màng hơn.

Không chỉ tiêu thụ nhiều tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh, chiếu Định Yên còn có mặt tại thị trường Campuchia, Thái Lan, thị trường Đài Loan... Đây là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất của người dân trong làng nghề ngày càng phát triển.

Chiếu lác Định Yên cho đến nay vẫn là một thương hiệu uy tín, chất lượng, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống Nam Bộ nhờ sức sống bền bỉ vượt thời gian, không gian và cả những cạnh tranh của thị trường. Để bảo tồn, phát huy giá trị để làng nghề phát triển trong điều kiện mới, làng nghề dệt chiếu Định Yên tập trung xây dựng kế hoạch khôi phục phiên chợ chiếu đêm, gắn với xây dựng tuyến du lịch, đưa khách du lịch tham quan làng nghề làm chiếu thủ công nhằm quảng bá thương hiệu chiếu Định Yên, đồng thời có các chính sách phù hợp để hỗ trợ làng nghề phát triển.

Trần Huyền

Liên kết website