Thứ Năm, 01/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Tây Ninh tích cực nâng cao giá trị, đưa trái mãng cầu Bà Đen vươn xa

Mãng cầu Bà Đen là sản phẩm nổi tiếng nhất của Tây Ninh. Nhờ điều kiện khí hậu, đất đai nơi đây đã tạo nên trái mãng cầu Bà Đen có vị thơm ngon, khác biệt so với các loại mãng cầu trên thị trường. Thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã khuyến khích trồng cây mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện liên kết sản xuất. Nhờ đó, trái mãng cầu Bà Đen ngày càng nâng cao chất lượng và được người tiêu dùng ưa chuộng, sản phẩm không những được đẩy mạnh tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.

Mãng cầu Bà Đen - sản phẩm nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh

Tây Ninh nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, trong đó có muối tôm Tây Ninh, mãng cầu Bà Đen, bánh tráng phơi sương, đường thốt nốt, nấm mối… Trong đó, mãng cầu Bà Đen là sản phẩm nổi tiếng nhất của tỉnh Tây Ninh, đặc biệt là mãng cầu trồng quanh khu vực chân núi Bà Đen. Nhờ điều kiện khí hậu, đất đai nơi đây đã tạo nên trái mãng cầu Bà Đen có vị thơm ngon, hoàn toàn khác biệt so với các loại mãng cầu trên thị trường.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, năm 2023, diện tích trồng mãng cầu Bà Đen của tỉnh Tây Ninh đạt trên 5.600 ha, chiếm 14% tổng diện tích trồng mãng cầu của cả nước. Trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng 5.100 ha, sản lượng cung cấp ra thị trường ước gần 75.000 tấn/năm, năng suất bình quân 145 tấn/ha.

Kể từ khi trái mãng cầu Bà Đen được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào tháng 8/2011, tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và mở rộng xuất khẩu. Tỉnh Tây Ninh đã tích cực hỗ trợ nông dân trồng mãng cầu theo hướng VietGAP, khuyến khích nông dân thực hiện liên kết trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và mở rộng xuất khẩu.

Theo các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, mãng cầu là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây khác, nếu được đầu tư, canh tác bài bản, 1 ha mãng cầu có thể mang lại cho người nông dân lợi nhuận khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm.

Bên cạnh việc chú trọng canh tác, việc liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn đã giúp cho hoạt động sản xuất, tiêu thụ mãng cầu ngày càng được mở rộng. Đến nay, mãng cầu Bà Đen Tây Ninh không chỉ tiêu thụ mạnh trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, đặc biệt là các nước yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thu nhập từ trồng mãng cầu của người dân Tây Ninh tăng lên đã góp phần ổn định kinh tế cho nhiều hộ gia đình, tạo điều kiện để đầu tư thêm vào sản xuất và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Định hướng phát triển mãng cầu Bà Đen của tỉnh Tây Ninh

Trong thời gian tới, định hướng phát triển trái mãng cầu Bà Đen của tỉnh Tây Ninh là sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và áp dụng các biện pháp canh tác bền vững. Cụ thể:

+ Nâng cao chất lượng và giá trị của trái mãng cầu: Tỉnh Tây Ninh đang đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác, bao gồm việc chọn giống, cải tiến phương pháp trồng trọt và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả hơn. Đặc biệt, tỉnh Tây Ninh hướng đến việc đạt các chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn và chất lượng, từ đó nâng cao giá trị của trái mãng cầu trên thị trường.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định công nhận lưu hành đặc cách đối với giống mãng cầu Bà Đen của tỉnh Tây Ninh, mã số lưu hành trên toàn quốc là CNLH.2024.76. Đây là bước tiến mới trong phát triển giống của Tây Ninh, tạo ra cây giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mãng cầu. Đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh giống mãng cầu bản địa có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của giống, bảo đảm chất lượng nguồn giống từ địa phương.

+ Mở rộng thị trường tiêu thụ: Tỉnh tiếp tục mở rộng và củng cố thị trường tiêu thụ nội địa, đặc biệt là trong các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và các nước ASEAN. Đồng thời, tỉnh cũng hướng đến việc xây dựng thương hiệu trái mãng cầu Bà Đen như một sản phẩm đặc sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

+ Tây Ninh hướng đến phát triển bền vững trái mãng cầu thông qua việc khuyến khích nông dân áp dụng mô hình canh tác hữu cơ, giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng; áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến như tưới nước tiết kiệm và quản lý sâu bệnh theo hướng sinh học, để tăng cường hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.

+ Xây dựng chuỗi giá trị và liên kết sản xuất: Tỉnh Tây Ninh khuyến khích xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để hình thành chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm mãng cầu Bà Đen.

Tỉnh Tây Ninh sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, tiếp cận vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, đồng thời triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến và tiêu thụ mãng cầu Bà Đen.

Với những định hướng này, tỉnh Tây Ninh không chỉ duy trì và phát triển sản lượng mãng cầu Bà Đen, mà còn mong muốn đưa sản phẩm này trở thành một trong những mặt hàng nông sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của địa phương.

 Văn Thắng

Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây

Liên kết website