Quảng Nam có tiềm năng đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp khá lớn, hệ sinh thái đa dạng, các yếu tố tự nhiên tương đối thuận lợi. Đây là những thế mạnh thích hợp cho phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tại Quảng Nam, giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng qua các năm và cao hơn mức trung bình cả nước. Năm 2017, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 12.965 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016. Mặc dù hiện nay, giá trị ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 11,6% tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn, nhưng lại chiếm 62% lao động và 76% dân số sống ở khu vực nông thôn.
Hàng năm, ngành nông nghiệp Quảng Nam đã cung cấp cho thị trường trên 100.000 tấn thủy sản; trên 520.000 tấn cây lương thực có hạt; 270.000 tấn rau, đậu các loại; 60.000 tấn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm… Tỉnh hiện có trên 3.000 cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.
Quảng Nam phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng
Quế Trà My
Quế là cây trồng truyền thống ở huyện Nam Trà My và là nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc Cadong, Xê đăng, BHnoong từ bao đời nay. Quế Trà My đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý vào tháng 10/2011. Với đặc điểm có mùi thơm, vị cay nồng đặc trưng, chứa hàm lượng tinh dầu cao nên quế Trà My được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Theo UBND huyện Nam Trà My thì sản phẩm quế Trà My đã được thị trường thế giới công nhận và đang dần được mở rộng ra nhiều nước trên thế giới như Úc, Mỹ, Canada... Sản phẩm chính là vỏ quế và tinh dầu được sử dụng nhiều trong công nghiệp y dược, chế biến thực phẩm, hương liệu và chăn nuôi.
Hiện nay, huyện Nam Trà My đang có khoảng 2.800ha quế trong thời kỳ thu hoạch với sản lượng mỗi năm khoảng 350 tấn. Mặc dù vậy, diện tích quế lại phân bố nhỏ lẻ trên địa bàn 10 xã của huyện nên rất khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, giải pháp phát triển vùng chuyên canh quế gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền địa phương.
Huyện Nam Trà My đã có những cơ chế, chính sách đưa ra hướng đi thích hợp phát triển cây quế trên địa bàn như khuyến khích, tạo mọi điều kiện để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; tăng cường công tác xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu quế Trà My; thực hiện chính sách ưu đãi vay vốn và thuế cho tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển, chế biến sản phẩm quế.
Sâm Ngọc Linh
Ngày 16/8/2016, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tại khu vực địa lý các xã Măng Ri, Ngọc Lây huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum và xã Trà Linh huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Chỉ dẫn địa lý này được bảo hộ vô thời hạn trên lãnh thổ Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia năm 2017, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000 ha, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng, còn lại huy động vốn xã hội hóa.
Theo đó, địa điểm phát triển vùng sâm gốc Ngọc Linh là làng Tắk Ngo, thôn 2 xã Trà Linh. Mục tiêu của dự án là đầu tư hoàn thiện vùng sâm gốc Ngọc Linh trong phạm vi 100 ha, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất giống sâm Ngọc Linh bền vững, cung cấp giống chất lượng cho việc phát triển sâm tại địa phương.
Bưởi trụ Đại Bình
Bưởi trụ lông Đại Bình hiện được trồng chủ yếu ở làng Đại Bình với diện tích 28ha và bước đầu được nhân rộng ra 7 xã của huyện Nông Sơn với diện tích 20ha.
Dáng hơi thuôn hình trụ và lớp lông trên vỏ chính là nét độc đáo của bưởi trụ lông Đại Bình - giống bưởi đặc sản đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể của tỉnh Quảng Nam. Bưởi trụ lông là giống bưởi bản địa có đặc điểm trái nhỏ (trọng lượng trung bình từ 1-1,2kg/trái) nhưng múi dày, tép lớn và có vị ngọt thanh, hơi the the rất đặc trưng. Mùa thu hoạch là tháng 7 hàng năm.
Nhiều năm qua, cây bưởi trụ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân thôn Đại Bình (xã Quế Trung, Nông Sơn). Do vậy các địa phương khác trên địa bàn cũng trồng thử nghiệm và bước đầu gặt hái được những thành công nhất định.
Dưa hấu Kỳ Lý
Dưa hấu Kỳ Lý là thương hiệu dưa nổi tiếng của huyện Phú Ninh, vùng trồng dưa chuyên canh lớn nhất của tỉnh Quảng Nam với diện tích hơn 470 ha, trồng tập trung ở các xã Tam Phước, Tam An, Tam Thành, Tam Lộc. Hiện, người dân đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ dưa hấu với năng suất và giá cao hơn mọi năm.
Vùng trồng dưa hấu của huyện Phú Ninh, Quảng Nam tập trung ở các xã Tam Phước, Tam Thành, Tam Lộc ngày nay đã trở thành vùng sản xuất dưa hấu trọng điểm và là hướng đi mang lại hiệu quả, thu nhập cao cho nông dân địa phương.
Dưa hấu tại đây cũng đã được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Dưa hấu Kỳ Lý” từ năm 2009. Nhãn hiệu dưa hấu Kỳ Lý lấy theo địa danh Kỳ Lý (xã Tam Đàn) – cửa ngõ chính dẫn về Phú Ninh (Quảng Nam).
Định hướng xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp an toàn cho địa phương
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng 05 chuỗi sản phẩm an toàn cho tỉnh là: lợn, gà, tôm, rau, nước mắm; các địa phương xây dựng các chuỗi an toàn cho địa phương. Hiện nay, đã xây dựng chuỗi sản xuất rau an toàn, rau VietGAP và đang triển khai các chuỗi sản phẩm an toàn: thịt lợn, thịt gà, trứng gà, tôm và nước mắm.
Những năm trở lại đây, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam đã chỉ đạo hệ thống phục vụ sản xuất nông nghiệp triển khai các mô hình khuyến nông gắn với doanh nghiệp, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân trên nhiều lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, dược liệu…). Tập trung cao cho sự chỉ đạo liên kết sản xuất, thu hoạch, chế biến đến khâu tiêu thụ (gắn với việc liên kết 4 nhà). Có hơn 6.000 ha/năm diện tích được xây dựng cánh đồng lớn (giống lúa, ngô, đậu xanh, lạc, ớt, dưa hấu…).
Duy trì hàng năm, liên kết sản xuất lúa giống 3.000 - 4.000 ha/năm (trong đó có 300 - 350 ha lúa lai); liên kết sản xuất hạt giống đậu xanh khoảng 300 ha/năm, giống ngô khoảng 30 ha/năm… Diện tích liên kết sản xuất giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân địa phương. Ngoài ra, các mô hình liên kết sản xuất cây lạc, dưa leo, bí đỏ, ngô, ớt… cho thu nhập cao hơn sản xuất bình thường.
Đối với sản xuất lúa, chủ yếu là sản xuất hạt giống lúa (lúa thuần và lúa lai), hoạt động của các Công ty, doanh nghiệp tác động thông qua các khâu hỗ trợ các gói kỹ thuật, xây dựng các cánh đồng mẫu, cánh đồng lớn, liên kết với các Hợp tác xã, nhóm hộ nông dân sản xuất hạt giống, bao tiêu 100% sản phẩm. Từ vài mô hình trình diễn, đến nay toàn tỉnh có hơn 140 cánh đồng lớn với hơn 5.000 ha, hiệu quả kinh tế tăng từ 20 - 30% so với sản xuất đại trà (đến nay hầu hết các xã về đích nông thôn mới đều có cánh đồng lớn hoặc cánh đồng kỹ thuật trong sản xuất lúa). Quảng Nam đã trở thành trung tâm sản xuất lúa hàng hóa với sự tham gia của hầu hết các doanh nghiệp lớn trong cả nước, với gần 3.500 ha canh tác/năm.
Trong chăn nuôi, hình thức liên kết liên doanh trong sản xuất giữa các hộ chăn nuôi với nhau và giữa hộ chăn nuôi với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hình thành và phát triển, bước đầu mang lại hiệu quả.
Đặc biệt, đối với vùng miền núi, trung du của tỉnh, nơi có tiềm năng và lợi thế để phát triển các mô hình dược liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ và theo hướng hữu cơ như các mô hình bảo tồn và phát triển cây dược liệu: Sâm Ngọc Linh, Ba kích, Đảng sâm, Sa nhân và Đinh lăng... chủ yếu tại các huyện Nam Trà My, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang và Phước Sơn. Ngoài ra, tại số địa phương cũng đã phát triển sản xuất các cây dược liệu như nấm Linh chi, Hà Thủ ô đỏ, Giảo cổ lam, ngũ da bì gai, Cà gai leo, gừng, nghệ đỏ... Và bước đầu cũng đã hình thành các chuỗi sản phẩm gắn với doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, thu mua, chế biến.
Đồng thời, tỉnh cũng triển khai thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện Quảng Nam có khoảng 130 sản phẩm nông nghiệp lợi thế (trong lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ), thuộc 06 nhóm sản phẩm, gồm nhóm thực phẩm có 59 sản phẩm; nhóm đồ uống có 13 sản phẩm; nhóm thảo dược có 16 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 02 chuỗi sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 27 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng có 13 sản phẩm; quy hoạch 23 trung tâm và điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố... Đây sẽ là cơ hội để quảng bá và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn, hữu cơ, nông sản sạch của Quảng Nam ra thị trường bên ngoài mang lại hiệu quả.
Quảng Nam đã xây dựng thành công các nhãn hiệu hàng hóa cho nhiều sản phẩm nông nghiệp; xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản: Chỉ dẫn địa lý Quế Trà My, chỉ dẫn địa lý Sâm Ngọc Linh, các thương hiệu: Dó trầm Quảng Nam, tiêu Tiên Phước, sản phẩm đẳng sâm Tây Giang, ba kích Tây Giang, rau an toàn Bàu Tròn, rau Mỹ Hưng, rau Trà Quế, bưởi trụ Đại Bình, nước mắm Cửa Khe, dưa hấu Kỳ Lý... Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xúc tiến đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tiến tới xây dựng nhãn hiệu cho 32 đặc sản nông sản khác.
Tại Quảng Trị, các sản phẩm hồ tiêu, cà phê, tinh bột sắn cũng đã tạo nên thương hiệu độc quyền nhờ chất lượng và độ an toàn cao. Dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý Quảng Trị” cho sản phẩm tiêu của địa phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký từ năm 2010. Hiện sản phẩm này đã xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, đến nay, các địa phương trong tỉnh bước đầu đã xây dựng thành công một số mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch có hiệu quả, tạo ra các nông sản hữu cơ, sạch, an toàn và sản xuất theo chuỗi giá trị, được nhân rộng trong sản xuất.
Các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ có liên kết chuỗi tiêu thụ của các cơ sở, trang trại, Tổ hợp tác, HTX Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam về sản xuất rau an toàn, hữu cơ, trồng rau thủy canh, trên giá thể, chăn nuôi heo, gà địa phương, vật nuôi bản địa (heo đen, dúi...), nuôi trồng thủy sản an toàn, sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh, Núi Thành và ở số nơi khác.
Nguồn: VITIC