Chủ Nhật, 18/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Quảng Trị xây dựng các thương hiệu nông nghiệp sạch địa phương bền vững

Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 53 làng nghề với 66 nghề, làng nghề, chủ yếu tập trung vào các nhóm sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng..., trong đó có 15 làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận. Việc khôi phục, củng cố và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống không chỉ vì mục đích phát triển kinh tế mà còn vì mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội ở nông thôn, góp phần quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhờ triển khai dự án này mà nhiều đặc sản địa phương được công nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận như chuối Hướng Hóa; rượu men lá Ba Nang, Đakrông; cao dược liệu Định Sơn, Cam Lộ; rau sạch Đông Hà; khoai môn Vĩnh Linh; nước mắm Cửa Việt, nước mắm Cồn Cỏ, nước mắm Mỹ Thủy; đậu đen xanh lòng Triệu Vân, Triệu Phong, Cà phê Arabica, hồ tiêu, cao su, lúa chất lượng cao, cây ăn quả và dược liệu, cây gỗ rừng trồng… Hiện tại, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều có sản phẩm đăng ký thương hiệu. Sau khi được công nhận thương hiệu, nhiều sản phẩm đã phát triển tốt thị trường như cam K4 Hải Phú, nước mắm Cửa Việt, nước mắm Mỹ Thủy…

Quảng Trị là một tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung Việt Nam, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp với Lào và phía Đông giáp biển Đông. Địa hình tỉnh Quảng Trị đa dạng: có đồi núi, đồng bằng, cồn cát ven biển và hải đảo. Trên chiều dài 75 km bờ biển có hai cửa biển là Cửa Việt, Cửa Tùng và huyện đảo Cồn Cỏ cách bờ gần 30 km.

Quảng Trị có lợi thế về địa lý - kinh tế, là đầu mối giao thông, nằm ở trung điểm đất nước, ở vị trí quan trọng - điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch chính của hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào - Thái Lan - Mianmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển Miền Trung như: Cửa Việt, Chân Mây, Đà Nẵng, Vũng Áng... Đây là điều kiện rất thuận lợi để Quảng Trị mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng xây dựng hàng chục thương hiệu cho các loại nông sản là đặc sản ở các địa phương, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, bảo tồn nguồn gen quý, quảng bá sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái. Điển hình là các thương hiệu: Cà phê Khe Sanh ở huyện miền núi Hướng Hóa, rau xà lách xoong Gio An thuộc huyện Gio Linh, dưa hấu Vĩnh Tú ở huyện Vĩnh Linh...

Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có gần 190 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; trong đó, có 1 chỉ dẫn địa lý, 16 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận, còn lại là các nhãn hiệu hàng hóa khác. Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý nổi tiếng ở thị trường trong nước và quốc tế là hồ tiêu Quảng Trị.

Quảng Trị nổi tiếng với các đặc sản địa phương phong phú

Đậu đen xanh lòng Triệu Vân

Triệu Vân huyện Triệu Phong có chất đất, độ ẩm phù hợp để trồng loại đậu đen xanh lòng có năng suất cao, chất lượng thơm ngon. Sản phẩm đậu đen xanh lòng Triệu Vân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy Chứng nhận bảo hộ Nhãn hiệu tập thể, tạo điều kiện để sản phẩm này đứng vững trên thị trường.

Với sự thích nghi và hiệu quả kinh tế mà cây đậu đen xanh lòng mang lại, Triệu Vân chủ trương mở rộng diện tích trồng đậu. Đến nay, Triệu Vân có tổng diện tích đậu đen xanh lòng 75 ha. Người dân ở đây trồng đậu đen trong cả 2 vụ đông xuân và hè thu. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng biển thì cây đậu đen xanh lòng càng được xã Triệu Vân chú trọng phát triển. Trình độ thâm canh cây đậu của người dân tương đối tốt nên năng suất cây đậu đen xanh lòng ở Triệu Vân đạt gần 1 tấn/ha. Hiện nay, giá đậu đen xanh lòng bán trên thị trường khoảng 40.000 đồng/kg, đạt giá trị sản xuất gần 40 triệu đồng/ha/vụ (mỗi năm trồng 2 vụ đạt giá trị gần 80 triệu đồng/ha), trừ các khoản chi phí, người trồng đậu cũng có thu nhập tương đối khá.

Nhãn hiệu tập thể này do chủ sở hữu quản lý và phát triển là HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Triệu Vân, các thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu là 39 hộ gia đình ở thôn 7 và thôn 9 của xã Triệu Vân. Đậu đen xanh lòng được trồng ở Triệu Vân có vị ngon, bùi, bở, giá trị dinh dưỡng cao. Điều quan trọng hơn nữa là trong kỹ thuật canh tác, người dân đã chọn phương pháp hữu cơ, lấy phân chuồng hoai mục làm nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho cây, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, sản phẩm tạo ra không chỉ mang chất lượng đặc trưng mà còn là sản phẩm sạch nên người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

Với giá trị dinh dưỡng cao của đậu đen xanh lòng, loại thực phẩm này có nhiều công dụng như hỗ trợ chống oxy hóa, ổn định đường huyết, hỗ trợ tim mạch, bổ sung lượng protein dồi dào, tăng cường chất sắt… nên được nhiều người lựa chọn làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong điều kiện hiện nay, thương hiệu đậu đen xanh lòng Triệu Vân được bảo hộ trên toàn quốc mang lại cho người dân nhiều cơ hội để phát triển sản phẩm này ở quy mô lớn hơn.

Hồ tiêu Quảng Trị

Từ lâu, vùng Cùa (Cam Lộ), Gio Linh, Vĩnh Linh được biết đến với sản phẩm tiêu đặc trưng có chất lượng nổi tiếng. Sản phẩm hạt tiêu Quảng Trị nói chung có những đặc điểm riêng về chất lượng khác với sản phẩm hạt tiêu trong nước và trên thế giới. Tiêu Quảng Trị có hạt nhỏ tròn đều, vị cay nồng và hương thơm đặc trưng. Trên thương trường, tiêu Quảng Trị đã trở thành một thương hiệu bởi chất lượng không thể lẫn lộn. 

Tỉnh Quảng Trị đã trồng được trên 2.500 ha. Hồ tiêu ở tỉnh Quảng Trị được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng, bởi hạt tiêu nhỏ, rắn, thơm nồng và có vị cay đặc trưng.

Ngày 28 tháng 10 năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt tiêu nổi tiếng tại thị trấn Hồ Xá và các xã: Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa, Vĩnh Nam thuộc huyện Vĩnh Linh.

Tiêu đen có màu đen bóng, nhỏ, tròn đều. Hạt tiêu sọ có màu trắng sữa, nhỏ, tròn đều. Đường kính hạt nhỏ hơn 5mm. Hạt tiêu đen Quảng Trị có độ ẩm: 10,79-11,82 %; hàm lượng piperin: 6,40-7,15%; hàm lượng tinh dầu bay hơi: 2,60-2,72%; hàm lượng tro tổng số: 3,88-4,63%; dung trọng của hạt tiêu: 516,68-644,35 g/l; hàm lượng sắt: 111,43-115,65 mg/kg; hàm lượng mangan: 135,45-143,70 mg/kg. Hạt tiêu trắng (sọ) có độ ẩm: 10,23-11,42%; hàm lượng piperin: 7,09-7,42%; hàm lượng tinh dầu bay hơi: 1,64-2,04%; hàm lượng tro tổng số: 2,11-2,61%; dung trọng của hạt tiêu: 627,27-666,24 g/l; hàm lượng sắt: 93,40-109,22 mg/kg; hàm lượng mangan: 115,61-142,74 mg/kg.

Chất lượng nổi trội của hạt tiêu Quảng Trị có được là nhờ các điều kiện địa lý đặc thù của khu vực này. Khu vực địa lý có dạng địa hình đồi bóc mòn xen thung lũng và bán bình nguyên bazan, có hướng thoải dần từ Tây sang Đông, độ cao trung bình 85m so với mực nước biển. Về điều kiện thủy văn, khu vực địa lý có sông Bến Hải, sông Sa Lung và các hồ đầm như Bàu Thủy Ứ, La Ngà, Dục Đức, Bảo Đài… Phía Đông của khu vực địa lý tiếp giáp biển.

Cà phê Arabica Khe Sanh

Cà phê Arabica Khe Sanh là một trong 8 vùng cà phê chè trọng điểm của Việt Nam, Với chiến lược tái canh hiệu quả cây cà phê chè (Arabica) trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang cấp bách tái cơ cấu ngành nông nghiệp cà phê để phát triển thương hiệu cà phê Khe Sanh có được tầm vóc quốc tế. Trong giai đoạn này, Prime Coffee tự hào là một trong những đơn vị gìn giữ và phát triển danh hiệu cà phê Arabica Khe Sanh – Quảng Trị với trải nghiệm thuần vị cà phê nguyên bản.

Tính đến tháng 5/2018, tỉnh Quảng Trị có trên 5.100 ha cà phê; trong đó chủ yếu ở Khe Sanh thuộc huyện miền núi Hướng Hóa. Từ lâu thương hiệu "Cà phê Khe Sanh" đã nổi tiếng về chất lượng và mùi thơm. Vì thế, tỉnh Quảng Trị đang tập trung hỗ trợ người dân tái canh và trồng mới cà phê để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo đó, tỉnh hỗ trợ người dân mỗi ha cà phê trồng mới và tái canh 500kg phân NPK; tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê; tổ chức liên kết để thu mua cà phê trực tiếp từ các hộ với giá cao hơn thị trường…

Gạo hữu cơ Quảng Trị

Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị đã công bố thương hiệu “Gạo hữu cơ Quảng Trị” với bao bì mẫu mã đẹp mắt. Thương hiệu này đã được đăng ký sở hữu trí tuệ ở Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Gạo hữu cơ Quảng Trị được sản xuất theo tiêu chuẩn với 5 quy trình khắt khe: giống lúa RVT được chọn lựa nghiêm ngặt, sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ (không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng hóa chất trừ cỏ), có cánh đồng riêng biệt để tránh lây lan chéo các loại bệnh và thu gom, chế biến đảm bảo các yêu cầu của một sản phẩm hữu cơ. Tất cả các sản phẩm được cung cấp đến thị trường với mục tiêu luôn sạch sẽ, bảo đảm sức khỏe con người.

Gạo hữu cơ Quảng Trị với giá thành 32.000 đồng/kg, là thành quả của dự án hợp tác sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sạch, bền vững giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị và Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển (Công ty CP nông sản hữu cơ Quảng Trị là đơn vị được phía Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển chuyển giao độc quyền công nghệ).

Gạo hữu cơ Quảng Trị được canh tác trên vùng đất sạch của một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, sử dụng giống lúa RVT chất lượng cao, nguồn nước tưới tiêu sạch, chăm sóc theo quy trình phân bón hữu cơ Ong Biển, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất tạo mùi, chất tẩy trắng hóa học…

Quảng Trị định hướng xây dựng nền nông nghiệp sạch và phát triển bền vững

Với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đã tập trung chỉ đạo, xây dựng và định hướng phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh vào sản xuất. Năm 2018, toàn tỉnh có trên 7.000 ha sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, trong đó có trên 860 ha lúa, 113 ha cây màu sản xuất theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; trên 500 ha sản xuất theo chuổi giá trị có liên kết với doanh nghiệp. Trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có 28 mô hình liên kết theo chuổi, gồm 5 HTX chăn nuôi, 23 trang trại chăn nuôi có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và sản xuất theo quy trình VietGap.

Xây dựng nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững và đưa nông sản có chất lượng cao đến tay người tiêu dùng là vấn đề luôn được quan tâm của tỉnh Quảng Trị. Chính quyền và nhân dân tỉnh đang tích cực chuyển dịch cơ cấu và phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Quảng Trị thống nhất và lựa chọn cà phê, hồ tiêu và con tôm tham gia vào chuỗi sản phẩm chủ lực quốc gia.

Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị của các đặc sản địa phương, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong xác lập nhãn hiệu cho các đặc sản địa phương và đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2017, Sở đã đăng ký thành công 16 sản phẩm có nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu công nhận và chỉ dẫn địa lý, tăng gấp 3 lần so với các năm trước cộng lại. Đặc biệt, trên cơ sở đăng ký của các huyện, thành phố kết hợp với việc phân tích đánh giá xu hướng, tầm ảnh hưởng của nhu cầu thị trường, yếu tố đặc trưng về chất lượng, công tác quản lý nâng cao giá trị và phát triển của sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện thành công dự án “Xác lập quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm đặc sản mang yếu tố địa danh ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.

Để phát triển bền vững các cây trồng và vật nuôi chủ lực, tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị với Trung ương, hỗ trợ địa phương quy hoạch và phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho phép thí điểm một số chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản hầu hết các sản phẩm, hàng hóa đặc sản của tỉnh được xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Vì vậy, nâng cao nhận thức cho các cá nhân, tổ chức về sở hữu trí tuệ, tạo dựng quản lý và phát triển thương hiệu về nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm, hàng hóa đặc sản của tỉnh là việc cần tập trung thực hiện. Khi các sản phẩm đã được công nhận thương hiệu thì việc tập trung xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; hình thành các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa đặc sản của tỉnh có khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước sẽ góp phần trong việc thúc đẩy phát triển KT- XH của tỉnh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Sản xuất nông sản hữu cơ là hướng đi mới để Quảng Trị thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao sau khi địa phương này cho thử nghiệm thành công từ các sản phẩm hữu cơ trên nhiều điểm tại vùng đất khắc nghiệt này.

Nguồn: VITIC

Liên kết website