Quế Trà Bồng được đồng bào người Cor trồng nổi tiếng từ xưa với hàm lượng tinh dầu cao. Hiện nay ở huyện Trà Bồng có rất nhiều xã trồng quế với diện tích lớn như xã Trà Hiệp, Trà Lâm, Trà Sơn và Trà Thủy mỗi nơi có diện tích trồng từ 300-500 ha. Đây là những vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây quế sinh trưởng và phát triển có chất lượng tốt vỏ dày, tinh dầu cao.
Sản phẩm quế Trà Bồng ngày càng được ưa chuộng
Cây quế trồng sau hơn mười năm được người dân bóc vỏ khỏi thân. Sau khi khai thác, vỏ quế được phơi khô sau đó làm thực phẩm, chế biến thành bột quế pha mật ong, tinh dầu quế, nhang quế... và các sản phẩm thủ công như bình, ly, dép... Ngoài hương thơm ngào ngạt, quế được cho có công dụng chữa bệnh. Cây quế Trà Bồng có lượng tinh dầu cao và mùi hương đặc biệt. Quế Trà Bồng tốt cho sức khỏe, là vị thuốc được y học chứng nhận và được sử dụng trong đông y và tây y.
Tại Trà Bồng – thủ phủ của quế ở tỉnh Quảng Ngãi, diện tích trồng quế ngày một tăng lên, diện tích trồng hơn 1.278 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 600 tấn vỏ quế, trong đó 70% xuất khẩu sang châu Âu làm tinh dầu và đồ thủ công mỹ nghệ.
Diện tích trồng mới quế Trà Bồng đã tăng hơn 320ha
Trong những tháng cuối năm 2018, trên khắp các huyện miền núi Trà Bồng, người dân đang bắt đầu mùa trồng quế mới, do nhu cầu trồng quế tăng cao đã khiến giá quế tăng gấp đôi so với năm 2017.
Trong năm 2018, huyện Trà Bồng đã cung ứng các hộ dân nằm trong dự án Phát triển vùng chuyên canh cây quế là 5 tỷ đồng, ngoài ra các hộ dân tự mua thêm đầu tư trồng. Theo kế hoạch, năm 2018, Trà Bồng sẽ trồng khoảng 200ha quế, tuy nhiên, đến hiện tại diện tích trồng mới đã tăng 320ha, tăng hơn 120ha so với kế hoạch. Bình quân người dân sẽ trồng 5.000-5.500 cây quế giống/ha, tương đương mức đầu tư quế giống khoảng 3-5 triệu đồng/ha với mức giá như trên.
Giá quế thương phẩm đạt 15.000-20.000 đồng/kg vỏ quế tươi, khoảng 35.000 đồng/kg vỏ quế khô, do được giá, nên người dân đổ xô trồng quế vào mùa, dẫn đến giá quế giống tăng cao. Toàn huyện Trà Bồng có hơn 1.200 ha quế từ 1-10 tuổi, sản lượng thu hoạch bình quân 13,5-14 tấn/ha.
Những năm gần đây, quế thương phẩm có giá, nhu cầu thu mua tăng hơn, đặc biệt là từ khi Quế Trà Bồng được công bố nhãn hiệu, các địa phương tích cực phát triển và hình thành vùng chuyên canh cây quế.
Quế Trà Bồng đạt tốp 10 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng
Tháng 4/2009, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận thương hiệu quế Trà Bồng. Ngày 30/7/2013, Cục Sở hữu trí tuệ và sáng tạo cấp Chứng thư thẩm định đạt tốp 10 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng cho sản phẩm quế Trà Bồng. Hiện nay, sản phẩm quế Trà Bồng đã được nhiều người biết đến, nhiều đối tác trong và ngoài nước tìm đến đặt hàng.
Dự án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây Quế huyện Trà Bồng từ năm 2018 - 2020 cũng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt với mục tiêu trồng mới 500ha quế. Trong đó, trồng thuần cây quế 450ha, trồng quế xen dứa 50ha, tại 5 xã Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Thủy, Trà Tân và Trà Bùi. Tổng mức đầu tư 54 tỷ đồng, do UBND huyện Trà Bồng làm chủ đầu tư.
Hàng năm vùng chuyên canh sẽ cung cấp cho thị trường 1.350 tấn vỏ quế để phục vụ cho nhu cầu chế biến sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chưng cất tinh dầu quế; Giải quyết việc làm, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập cho người dân trong vùng dự án, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng độ che phủ của rừng; Quản lý, bảo tồn và phát triển nguồn gen quý giống Quế Trà Bồng, tạo nên hệ sinh thái đa dạng về thành phần loài.
Giải pháp và định hướng đẩy mạnh quế Trà Bồng
Trước trình trạng cây giống khan hiếm, nhiều hộ dân ở huyện Trà Bồng đã tự học kỹ thuật để ươm tại nhà. Việc này giúp chủ động được cây giống, giảm chi phí trong điều kiện giá quế giống tăng cao. Tuy nhiên, để ươm được cây quế giống có chất lượng tốt không đơn giản.
Cây giống khan hiếm, giá tăng cao rất dễ dẫn đến tình trạng các vườn ươm cung cấp giống kém chất lượng, gây thiệt hại cho người dân. Vì vậy, các ngành chức năng của huyện Trà Bồng đang tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở sản xuất cây giống.
Cụ thể, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trà Bồng đã tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất cây giống để loại khỏi thị trường những cây không đủ tiêu chuẩn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân nên chọn mua cây giống tại các cơ sở được cấp giấy chứng nhận của cơ quan chức năng. Người dân cũng không nên tự ươm giống để tránh tổn thất về tiền của cũng như công sức trong quá trình trồng do cây giống không đạt chất lượng.
Để góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu, tạo đầu ra ổn định cho cây Quế Trà Bồng, đồng thời nâng cao mức sống cho người dân, tạo công ăn việc làm ổn định, hướng tới bảo vệ môi trường sinh thái, huyện Trà Bồng dự kiến đầu tư mở rộng vùng chuyên canh cây quế trên địa bàn trong giai đoạn 5 năm (2016 - 2020). Mục tiêu của dự án là đến năm 2020 nâng tổng diện tích trồng quế toàn huyện lên 2.800 ha, trong đó hơn 1.780 ha vùng chuyên canh; hàng năm cung ứng ra thị trường hơn 3.100 tấn vỏ quế và 4.200 tấn cành, lá.
Dự án được triển khai tại 7 xã gồm: Trà Sơn, Trà Lâm, Trà Thủy, Trà Hiệp, Trà Bùi, Trà Tân, Trà Giang với 324 hộ dân và 4 nhóm cộng đồng dân cư tham gia. Hỗ trợ 100% chi phí giống và 100% chi phí phân bón là phương án đầu tư được huyện lựa chọn để thực hiện. Theo đó, nhà nước sẽ hỗ trợ về giống, phân bón, đầu tư xây dựng đường lâm sinh, xây dựng vườn ươm giống quế, tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất quế, xây dựng mô hình trình diễn… Về phía nông dân trong vùng dự án có trách nhiệm tự đầu tư công lao động trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng quế và được hưởng lợi toàn bộ giá trị đem lại từ rừng quế.
Dự án này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của huyện, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, tăng thu nhập cho người trồng quế, cung cấp nguồn nguyên liệu quế có giá trị cao cho công nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phòng chống những tác động xấu của biến đổi khí hậu, bảo vệ đất đai, nguồn nước, nâng cao độ che phủ rừng, cải thiện môi trường đất và không khí, góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý cây bản địa.
Huyện cũng đã chủ trương thành lập Hội Quế Trà Bồng làm đại diện hợp pháp cho người trồng quế, làm cầu nối giữa các cơ quan nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp trong việc sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế. Ngoài ra, hội còn có nhiệm vụ thông tin giá cả, kiểm định chất lượng sản phẩm, kiểm soát nhãn mác, đồng thời phát hiện, xử lý đối với những trường hợp vi phạm nhãn mác trên thị trường… nhằm duy trì và phát triển thương hiệu Quế Trà Bồng. Huyện còn kêu gọi sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp chế biến vào lĩnh vực phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình liên kết giữa sản xuất với chế biến quế bằng hợp đồng.
Nguồn: VITIC