Chè vằng hòa tan Chalavang có những đặc tính ưu việt và nổi bật
Chè vằng còn có tên gọi là chè cước man, cẩm văn, dây vắng, mỏ sẻ, mỏ quạ, râm trắng, râm ri, lài ba gân, là một loại cây bụi nhỏ mọc hoang. Cây chè vằng mọc hoang ở khắp nơi, nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa và một số tỉnh thành khác.
Mặc dù cây vằng có mặt khắp nơi trên mọi miền đất nước, nhưng chỉ có ở Quảng Trị mới có sản phẩm cao lá vằng nổi tiếng được người tiêu dùng trong cả nước biết đến. Từ lâu, người dân vùng gò đồi Quảng Trị đã chế biến lá vằng thành dạng cao và được tiêu thụ rộng rãi.
Cây chè vằng có có 3 loại (vằng sẻ, vằng trâu, vằng núi), trong đó cây vằng sẻ là loại được dùng nhiều nhất vì trong cây có hàm lượng giá trị dược tính cao, cây vằng trâu lá to hơn và cũng được dùng làm thuốc nhưng dược tính thấp hơn vằng sẻ, loại còn lại vằng núi không dược dùng làm thuốc.
Theo nghiên cứu của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, trong lá cây chè vằng có chứa Alcaloid, flavonoid, nhựa, có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, làm gia tăng nhanh tái tạo tổ chức, làm lành vết thương và không độc. Các bộ phận dùng làm thuốc là cành lá tươi hoặc cành lá phơi sấy khô, thu hái quanh năm.
Tác dụng đặc biệt của chè vằng hòa tan đối với phụ nữ sau sinh đã được kiểm nghiệm lâm sàng là thuốc bổ đắng dùng rất tốt cho phụ nữ sau sinh, chè vằng cũng chữa nhiễm khuẩn sau sinh, viêm hạch bạch tuyết, viêm tử cung, viêm tuyến sữa, khí hư, bế kinh, thấp khớp, nhức xương…
Ngoài tác dụng kháng khuẩn chống viêm ra thì chè vằng hòa tan cũng được sử dụng dưới dạng đồ uống có tác dụng giải nhiệt, giải khát, lợi gan, bổ mật, kích thích tuyến tiêu hóa, tăng cường tuần hoàn máu, giảm béo, lợi sữa.
Chè vằng hòa tan – sản phẩm nông nghiệp sạch có hương vị thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng
Chè vằng hòa tan là một trong những sản phẩm nông nghiệp sạch được khai thác từ thế mạnh của tỉnh Quảng Trị và được ứng dụng khoa học - công nghệ trong chiết xuất tinh chất, mang lại hương vị thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chè vằng là một sản phẩm có tính dược lý cao, rất tốt cho sức khỏe. Cây chè vằng mọc ở vùng gò đồi Quảng Trị do phải trải qua khí hậu khắc nghiệt và đất đai cằn cỗi nên kết tinh nhiều tinh chất, thơm, ngon ít vùng nào có được. Trước đây, người dân trong vùng thường cất giữ chè vằng bằng lá phơi khô hoặc chưng cất và cô đặc thành cao theo phương pháp thủ công. Tuy nhiên, các phương pháp này đều biểu lộ nhược điểm như lá phơi khô không dự trữ được số lượng nhiều, không tạo được sản phẩm hàng hóa; còn cao lá vằng thì ít giữ được nguyên chất lá vằng.
Để giữ được giá trị các hoạt tính sinh học, giá trị dược liệu trong sản phẩm cao lá vằng, năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) nghiên cứu sâu hơn hoạt tính sinh học của cây chè vằng tại Quảng Trị đối với sức khỏe con người. Kết quả cho thấy, bằng phương pháp sử dụng chất ethanol nồng độ 80%, thu cao tổng hiệu suất đạt 30,25%, tổng lượng polyphenol trong cao đạt 19,2%, có hoạt tính chống oxy hoá cao. Hầu hết các mẫu chiết đều có hoạt tính kháng 1- 3 vi sinh vật kiểm định F.oxysporum, A.niger, C.albicans, F. Oxysporum... Bên cạnh đó, lần đầu tiên các axit béo không no và no, nhiều axit béo có hoạt tính là omega 6, omega 9 trong hạt chè vằng được chiết tách và nghiên cứu thành phần.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Trị cho biết, chè vằng được chiết xuất trong điều kiện áp suất, nhiệt độ thấp và sử dụng dung môi thích hợp chứa nhiều hoạt chất có tính chống oxy hóa, trung hòa gốc tự do, kháng được 1- 3 chủng vi sinh vật kiểm định, đặc biệt có nhiều hoạt tính sinh học phong phú... Nghiên cứu này góp phần nâng tầm giá trị của cây chè vằng nói chung và các sản phẩm từ chè vằng Quảng Trị nói riêng.
Để đảm bảo các điều kiện sản xuất thương mại và tiếp cận thị trường cho sản phẩm, trung tâm đã xây dựng hệ thống nhận diện và đăng ký sản phẩm như: Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; lập website tralavang.vn, thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác và đóng gói sản phẩm… từ đó, giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Với việc ứng dụng KHCN tiên tiến trong tất cả các khâu từ trồng, thu hoạch, chế biến, sản phẩm chè vằng hòa tan Tralavang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiện tại, năng lực sản xuất của trung tâm là khoảng 100 tấn/năm. Sản phẩm làm ra được thị trường tiêu thụ hết. Ngay sau khi sản xuất thành công, sản phẩm chè vằng hòa tan Tralavang đã ký kết với Công ty TNHH thiết bị HP Việt Nam, bao tiêu sản phẩm trên thị trường nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chè vằng hòa tan không chỉ các tỉnh lân cận mà còn ở các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… Đây là một hướng mới trong sản xuất nông nghiệp (sản xuất cây dược liệu) tạo ra sản phẩm sạch, hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị sản xuất.
Cần bảo tồn, nhân giống chè vằng, tạo nguồn dược liệu và nhân rộng thành sản phẩm hàng hóa trên địa bản tỉnh Quảng Trị
Chè vằng phân bổ khá phổ biến tại vùng gò đồi các huyện Hải Lăng, Cam Lộ... Đây là loại cây dược liệu bản địa có giá trị, cần được bảo tồn, nhân giống, tạo nguồn dược liệu và nhân rộng thành sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm gần đây, việc phát triển rừng sản xuất đã thu hẹp diện tích cây lá vằng trong tự nhiên, trong khi đó nhu cầu khai thác thân lá cây lá vằng để nấu cao, chế biến các sản phẩm từ chè vằng ngày càng tăng cao. Do đó đặt ra vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ sạch, cung cấp nguyên liệu ổn định cho sản xuất; đầu tư công nghệ, trang thiết bị nhằm chế biến các sản phẩm từ chè vằng đảm bảo an toàn vệ sinh, đồng thời thúc đẩy xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm từ cây chè vằng, đảm bảo đầu ra sản phẩm.
Nhằm củng cố và bảo tồn nguồn gen cây chè vằng tại địa phương, ứng dụng các tiến bộ KHCN, tạo mô hình sản xuất tập trung tạo nguồn nguyện liệu cho chế biến, phát triển thương hiệu cao lá vằng tại vùng đất La Vang, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, hướng tới phát triển sản xuất chè vằng tập trung theo yêu cầu về nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, dự án cấp cơ sở “Sản xuất thử nghiệm cây chè vằng, tạo sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh” do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng chủ trì thực hiện đã bước đầu đạt được kết quả nhất định.
Cùng với việc triển khai thử nghiệm sản xuất giâm ươm giống, đơn vị chủ trì thực hiện đã khảo sát, phối hợp với trang trại tại thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng triển khai mô hình trồng thử nghiệm 3 ha tập trung bằng giống tạo được từ kết quả giâm hom. Sau một thời gian triển khai thực hiện cho thấy mô hình nhân giống vằng sẻ bằng phương pháp giâm hom đạt kết quả tốt. Đơn vị chủ trì dự án đã hoàn thiện đề xuất quy trình sản xuất nhân giống cây chè vằng để các hộ trên địa bàn có thể tham khảo, áp dụng, trong đó việc đầu tư vườn cây bố mẹ là vấn đề được quan tâm.
Lá vằng được người dân sử dụng từ lâu và đã hình thành các làng nghề nấu cao lá vằng trên địa bàn tỉnh. Cao lá vằng Quảng Trị hiện được sử dụng rộng rãi, có mặt khắp cả nước, đã có giá trị thương hiệu, chất lượng và được người tiêu dùng tin dùng.
Quảng Trị tập trung phát triển cây dược liệu chế biến chuyên sâu nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm
Tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung phát triển các vùng chuyên canh cây dược liệu, đồng thời ứng dụng công nghệ vào sản xuất thương mại các sản phẩm từ loại cây dược liệu.
Đầu tháng 11/2018, tỉnh Quảng Trị có 63 ha chè vằng; trong đó, có 53 ha nuôi trồng, diện tích còn lại là chè vằng tự nhiên, cho tổng sản lượng khoảng 4.000 tấn/năm. Chè vằng được trồng tập trung ở thành phố Đông Hà và các huyện: Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh và Hải Lăng.
Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị xác định tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển theo hướng chế biến sâu các sản phẩm dược liệu nhằm nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa bền vững, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị đã tăng cường nguồn lực để hình thành Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tạo các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ thiết thực sản xuất và đời sống.
Nhờ có những bước đột phá trong nghiên cứu khoa học thực tiễn về chế biến sâu các loại dược liệu theo hướng nâng cao giá trị và thương mại các sản phẩm nên sản phẩm làm ra đã được thị trường đón nhận và sử dụng. Các địa phương và người dân trên địa bàn Quảng Trị cũng sẵn sàng phối hợp với Trung tâm xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhờ đó đã hình thành các vùng nguyên liệu sạch, tập trung sản xuất theo đơn đặt hàng với các sản phẩm vừa đảm bảo về số lượng, chất lượng. Trung tâm đã hoàn thành tốt việc phát triển cây dược liệu thành những sản phẩm có giá trị cao, phát triển công nghệ sinh học và chuyển giao công nghệ cho người dân và doanh nghiệp.
Định hướng phát triển của tỉnh Quảng Trị thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị và Trung tâm chế biến sẽ tiếp tục sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác từ cây dược liệu, làm cho sản phẩm có thương hiệu lớn hơn nữa để thâm nhập vào các thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao uy tín nền khoa học của Quảng Trị cũng như nâng cao thu nhập cho người lao động thông qua việc liên kết trồng và phát triển cây dược liệu.
Nguồn: VITIC