Thứ Năm, 15/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Quảng Trị: Cam sạch K4 Hải Phú trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Hải Lăng

Cam K4 Hải Phú đã từng bước chiếm được niềm tin của khách bởi đặc tính thơm ngon, mọng nước và đặc biệt là được sản xuất theo quy trình sạch, không phun thuốc trừ sâu trước thu hoạch từ đến 3-4 tháng, đảm bảo an toàn vệ sinh… Nhờ vậy, Cam K4 với thương hiệu cam sạch đã mang lại thu nhập cao, bền vững cho người trồng cam. Quy mô sản xuất và tiêu thụ cam K4 Hải Phú ngày càng được mở rộng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Hải Lăng.

Vùng gò đồi K4 xã Hải Phú, huyện Hải Lăng là vùng sản xuất cam lớn nhất tỉnh Quảng Trị

Trước nhu cầu đất sản xuất của người dân ngày càng bức thiết, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã quyết định chuyển đổi phần đất mà HTX Long Hưng đang quản lý trồng cây lâm nghiệp sang cải tạo phát triển kinh tế trang trại và động viên người dân lên vùng K4 lập nghiệp.

Tại K4 tỉnh Quảng Trị, cây cam được lấy giống từ tỉnh Nghệ An thể hiện khả năng thích nghi tốt nhất, phát triển xanh tươi trên vùng đất K4 cho ra sản phẩm có chất lượng.

Để có được sản phẩm cam K4 Hải Phú chất lượng cao như ngày hôm nay, những hộ ban đầu lên đây lập nghiệp phải chịu đựng vô vàn gian khổ và trồng thử nghiệm rất nhiều loài cây mới tìm ra được cây cam xứ Nghệ này. Hai giống cam phù hợp nhất là cam Vân Du và Xã Đoài cho sản phẩm còn ngọt hơn cả cam ở vùng bản địa. Các giống cam này trồng ở vùng K4 cho quả to, đều, ngọt thanh, ít bị sâu bệnh, năng suất cao.

Hiện nay, vùng gò đồi K4 thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng là vùng chuyên canh cây cam tập trung lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Cam K4 đã từng bước chiếm được niềm tin của khách bởi đặc tính thơm ngon, mọng nước và đặc biệt là được sản xuất theo quy trình sạch, không phun thuốc trừ sâu trước thu hoạch từ đến 3-4 tháng, đảm bảo an toàn vệ sinh… Nhờ vậy, Cam K4 với thương hiệu cam sạch đã mang lại thu nhập cao, bền vững cho người trồng cam.

Bên cạnh đó, điều đáng mừng là những hộ trồng cam trên vùng đồi K4 đã có sự liên kết, giúp đỡ lẫn nhau trong kỹ thuật, kinh nghiệm trồng chăm sóc, chia sẻ thị trường tiêu thụ...

Cây cam là cây rất mẫn cảm với sâu bệnh, kỹ thuật chăm sóc đòi hỏi cao hơn những cây trồng khác nên không chỉ dựa vào kinh nghiệm đơn thuần mà cần phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Để sản xuất cam đạt hiệu quả, người dân xã Hải Phú đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăm sóc từ việc làm đất, chế độ phân bón, đến việc phòng trừ sâu bệnh đều phải thực hiện đúng kỹ thuật. Người dân cũng đã học hỏi và chế biến các loại thuốc trừ sâu thảo mộc bằng gừng, ớt, tỏi, rượu để đảm bảo an toàn cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng sử dụng sản phẩm.

Khi cây mới ra lộc non thì phải quản lý, tiêu diệt cho được con sâu vẽ bùa. Đến thời điểm ra quả thì phải phòng trừ bệnh ghẻ cam. Thời gian gần thu hoạch thì phải đi bắt bướm ngài chích trái, giai đoạn này phải làm thủ công vì gần thu hoạch nên không thể sử dụng thuốc hóa học.

Để có một vườn cam đẹp vụ đầu phải tỉa cành, bón phân, phun thuốc đúng thời điểm, đúng tỷ lệ thuốc để khỏi ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, để trồng cam đạt hiệu quả, lợi nhuận cao, cần phải lựa chọn cây giống tốt, sạch bệnh. Khi trồng cần thường xuyên kiểm tra bộ rễ của cây, theo dõi sự phát triển của màu lá, và chủ động phòng ngừa các loại sâu bệnh. Đồng thời, phải thực hiện tốt khâu tưới nước, giữ độ ẩm trong đất hợp lý theo điều kiện thời tiết, tránh trường hợp để đất quá khô, khi đó cây cam sẽ rụng trái, còn nếu để rễ cây bị nước ngập thì sẽ dễ phát sinh mầm bệnh.

Có thể nhận thấy, mô hình trồng cam K4 tại xã Hải Phú huyện Hải Lăng là mô hình trồng cây có múi thành công. Việc phát triển vùng chuyên canh cam trên vùng đất K4 sẽ góp phần giúp người dân từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa; tạo ra các vùng sản xuất theo hướng tập trung, từng bước xây dựng sản phẩm của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Cam K4 Hải Phú

Quy mô sản xuất và tiêu thụ cam K4 Hải Phú ngày càng được mở rộng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Hải Lăng

Vùng đồi K4 xã Hải Phú hiện có khoảng 26 ha đất tập trung trồng cam với các giống cam Vân Du và Xã Đoài nhập từ Nghệ An cho quả to, đều, ngọt thanh, mọng nước, ít bị sâu bệnh, năng suất cao. Hiện tại sản lượng cam toàn vùng đạt hơn 120 tấn/năm. Vào vụ thu hoạch, tư thương đến tận vườn thu mua cam và thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Lợi nhuận cam mang lại đạt bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.

Quy mô sản xuất và tiêu thụ cam K4 ngày càng được mở rộng và là sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện Hải Lăng. Để củng cố, phát triển sản phẩm đặc sản địa phương và khai thác sản phẩm giá trị hàng hóa, đồng thời nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ sản xuất cam, đáp ứng nguyện vọng của chính quyền địa phương và người trồng cam về quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiêu thụ ra thị trường, phát triển mô hình cây ăn quả, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị đã tiến hành các bước đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cam K4 Hải Phú” cho sản phẩm cam được trồng trên đất xã Hải Phú. 

Năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cam K4 Hải Phú”. Đây là kết quả được hình thành và chắt chiu từ sức lực trí tuệ của người trồng cam trên vùng đất K4 để cho ra sản phẩm cam K4 Hải Phú nổi tiếng.

Theo thống nhất tại văn bản thỏa thuận, sản phẩm “Cam K4 Hải Phú” được HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Long Hưng tiến hành các thủ tục xác lập nhãn hiệu tập thể “Cam K4 Hải Phú” theo đúng các quy định của nhà nước. Ngoài HTX Long Hưng, HTX Phú Hưng cũng có quyền tham gia và sử dụng nhãn hiệu tập thể này khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể mà HTX Long Hưng đề ra. Hai HTX cùng có trách nhiệm và nghĩa vụ trong quá trình xây dựng và sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Cam K4 Hải Phú” phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định như: quả không bị trầy xước, dập nát, thu hái đúng độ tuổi vừa chín tới; quả tròn đều, cân đối, màu xanh lá mạ, đẹp, vỏ quả nhẵn, mùi thơm đặc trưng, vị ngọt thanh; kích thước quả có đường kính 10-12 cm; trọng lượng quả 180-200 gam. Sản phẩm cam được sử dụng nhãn hiệu tập thể này phải sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật trồng cam K4; quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm; quy trình sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm…

Cam K4 đã có thương hiệu nên được người tiêu dùng trong tỉnh và một số vùng lân cận tiêu thụ mạnh. Huyện Hải Lăng cũng tiếp tục khuyến khích mở rộng diện tích trồng cam K4 trên vùng Tây của huyện.

Cam K4 Hải Phú gặp khó khăn trong tiêu thụ

Bình quân 1 ha trồng cam mỗi năm cho thu hoạch khoảng 10-12 tấn, những năm trước tiêu thụ ổn định, người trồng sau khi trừ chi phí cũng thu được khoảng 250 triệu đồng/ha. Năm nay vào đầu vụ, giá bán 25.000 đồng/kg cam. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, giá bán cam tại vườn dao động từ 18.000 - 19.000 đồng/kg, giá cam bán ngoài thị trường khoảng 20.000 đồng/kg.

Năm nay, người trồng cam ở đây đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm do trên thị trường có rất nhiều loại cam và có giá bán thấp hơn khiến cam K4 khó tiêu thụ. Nhiều nhà vườn phải để cam chín trên cây chờ tiêu thụ dần từ nay đến Tết Nguyên đán.

Thị trường tiêu thụ không ổn định là một trong những vấn đề khó khăn mà người trồng cam lâu nay gặp phải. Người dân trồng cam ở khu vực này chủ yếu làm theo kinh nghiệm, tự học hỏi nên rất cần sự hỗ trợ, tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc vườn cây, phòng trừ sâu bệnh cũng như hỗ trợ tuyên truyền để đưa thương hiệu cam K4 vươn ra thị trường các tỉnh.

Trong những năm qua, huyện Hải Lăng đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển mạnh cây cam, đầu tư hệ thống điện, đường giao thông đồng bộ, ưu tiên cấp đất cho hộ dân trồng cam, có cơ chế hỗ trợ 50% giá giống cây. Cam K4 Hải Phú đã khẳng định được thương hiệu, tuy nhiên cho đến thời điểm này, các hộ trồng cam vẫn phải tự tìm đầu mối tiêu thụ, chủ yếu phụ thuộc vào tư thương hoặc tự mang sản phẩm ra bán lẻ ở chợ. Để sản xuất và tiêu thụ cam K4 bền vững, người nông dân rất cần sự chung tay hỗ trợ của 3 nhà: Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp nhằm tạo sự liên kết, giới thiệu quảng bá sản phẩm tới nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh, có được đầu ra ổn định, giúp người dân yên tâm mở rộng diện tích sản xuất.

Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển cây cam sạch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Được du nhập và trồng thử nghiệm từ những năm 2000, hiện nay cây cam trên vùng K4 đã và đang có chỗ đứng khá vững chắc trong quy hoạch cũng như định hướng phát triển chủ lực của tỉnh nói chung và của huyện Hải Lăng nói riêng. Cam K4 Hải Phú được lựa chọn là một trong những cây trồng đặc sản, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Hà Tĩnh trong định hướng phát triển các loại cây trồng tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù vậy, để duy trì được cho đến nay là cả một quá trình tìm tòi, mày mò, học hỏi, ứng dụng và đúc rút kinh nghiệm thực tiễn từ sản xuất của người trồng cam K4. Bên cạnh là đối tượng cây trồng khá mới, đặc tính sinh trưởng và phát triển chưa thích nghi thì việc thiếu thông tin khoa học kỹ thuật về canh tác cây Cam như: quy trình phân bón, quy trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hữu hiệu...là một thách thức đối với người trồng Cam K4. Với điều kiện như vậy, dù chất lượng khá cao nhưng do thu hoạch sớm, chưa đạt độ chín nên giá bán cam K4 khá thấp so với Cam Vinh, Cam Cao Phong (bằng 2/3 thậm chí 1/3 giá cam Vinh, cam Cao Phong cùng thời điểm).

Trước thực trạng đó, để nâng cao chất lượng, giá trị cho cây Cam K4 nói riêng, cây Cam trên địa bàn tỉnh nói chung, năm 2018 Chi cục Trồng trọt và BVTV đã xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt Đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cấp tỉnh về “Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển cây cam sạch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Đề tài tập trung nghiên cứu liều lượng phân bón phù hợp cho vùng trồng cam K4 dựa trên kết quả phân tích hàm lượng dinh dưỡng trong lá, trong đất, các công thức phân bón phù hợp; nghiên cứu chất lượng quả Cam canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ Obi - Ong biển, bổ sung phân cá được ủ với đường nâu và lên men bằng chế phẩm QTMIC, cùng với các biện pháp bảo vệ thực vật bằng thảo dược (Lá trầu, một số loại gia vị...). Sau gần một năm triển khai, Mô hình “Thâm canh cây cam theo hướng hữu cơ” với quy mô 0,7ha (340 cây Cam 6 năm tuổi) đã có những tín hiệu đáng mừng về năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cho người sản xuất.

Trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và BVTV sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, chứng nhận chất lượng, hỗ trợ nhãn mác, truy xuất nguồn gốc... cho sản phẩm Cam K4. Với những tác động đó, hy vọng sẽ mở ra một hướng đi mới, phù hợp, hiệu quả và bền vững cho cây Cam vùng K4 nói riêng và sản xuất nông sản trên địa bàn nói chung, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh đó, huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống điện, giao thông để phát triển mạnh vùng cát, vùng gò đồi, trong đó chú trọng cơ sở hạ tầng để trồng cam. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đối với các vùng trồng cam tập trung.

Nguồn: VITIC

Liên kết website