Chủ Nhật, 04/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Quảng Bình chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương

Quảng Bình là một tỉnh ven biển có nhiều lợi thế trong phát triển và giao lưu kinh tế. Thời gian qua, công tác xây dựng thương hiệu nông sản trên địa bàn tỉnh đã có những bước đột phá mạnh mẽ, điển hình là một số nông sản đã khẳng định được thương hiệu và bắt đầu vươn đến các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Một số thương hiệu đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như nấm sạch Tuấn Linh, tinh bột sắn Long Giang, dầu lạc Nông Việt, rau Đồng Trạch, Bố Trạch...

Quảng Bình có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với phát triển công nghiệp, dịch vụ, Quảng Bình luôn chú trọng phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gắn với chế biến, tìm đầu ra để hướng tới xuất khẩu.  

Trong năm 2018, toàn tỉnh Quảng Bình đã xây dựng 3 mô hình gồm: Trồng cây dược liệu có giá trị cao, hiện đang có tiềm năng thị trường tiêu thụ như sâm bố chính, đinh lăng, cà gai leo... bằng biện pháp canh tác hữu cơ, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Israel tại Thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch với diện tích 4 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng; mô hình trồng rau, quả an toàn trên giá thể, thủy canh trong nhà lưới như dưa lưới, dưa leo, cà chua, mướp đắng, rau ăn lá các loại... với quy mô 1 ha nhà lưới/nhà màng tại Phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới, tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 5 tỷ đồng; mô hình trồng rau, quả hữu cơ trong nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Israel tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy với quy mô 2.000 m2 nhà lưới/nhà màng, kinh phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng.

Một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng tỉnh Quảng Bình

Bánh tráng Tân An

Bánh tráng Tân An là một nghề truyền thống của làng Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Gạo làm bánh được chọn từ những loại gạo ngon, được chế biến tỉ mỉ qua nhiều bước thủ công nên có hương vị rất riêng biệt. Có hai loại bánh tráng là bánh tráng dày để nướng và loại bánh tráng mỏng dùng để cuốn.

Bánh tráng Tân An có mùi vị thơm ngon, chất lượng mà giá cả lại phải chăng nên được nhiều người yêu thích. Ngoài hai loại bánh tráng trên, ở Tân An người dân còn sản xuất thêm loại bánh tráng mè xát đường. Loại này có vị ngọt, béo và khá dẻo khi nướng lên thơm phức và giòn. Ngày nay, bánh tráng Tân An có mặt tại hầu hết các chợ và siêu thị ở Quảng Bình.

Năm 2014, sản phẩm bánh tráng Tân An được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể bánh tráng Tân An.

Làng Tân An có hơn 200 hộ làm bánh, trước đây cả làng đều làm bánh thủ công và đều trông chờ vào thời tiết. Sản lượng bánh làm ra không cao và thường bị thương lái ép giá, người làm bánh phải tìm mối giao bánh, giá thành không ổn định, thị trường chỉ bó hẹp trong vùng. Hiện nay người dân làng nghề đã nắm bắt được thị trường từng bước chuyên môn hóa, cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm để giới thiệu ra thị trường. Thương hiệu bánh Tân An được mở rộng không chỉ ở trong tỉnh mà hiện tại bánh tráng Tân An đã có mặt khắp thị trường các tỉnh miền Trung và cả thị trường Lào, Thái Lan. 

Gạo Lệ Thủy

Huyện Lệ Thủy là địa phương có diện tích lúa lớn nhất của tỉnh Quảng Bình. Ðể nâng cao chất lượng lúa gạo, trong thời gian qua, huyện đã đưa nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và hướng dẫn người dân nâng cao kỹ thuật canh tác. Vì thế, ngoài năng suất thì chất lượng lúa gạo cũng đã được nâng lên.

Để có được thương hiệu “Gạo Lệ Thủy”, huyện đã xây dựng lộ trình hướng đến đạt chuẩn OCOP từ năm 2012. Thời điểm đó, được sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), nông dân trong huyện đã thực hiện dự án “Gieo hạt giống cho sự thay đổi, giảm thiểu biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững-SRI”. Qua 7 năm triển khai thực hiện sản xuất theo phương pháp SRI cho thấy người nông dân giảm từ 25-30% các loại chi phí và thu nhập tăng trên 30% so với phương pháp sản xuất truyền thống. Với cách trồng lúa cải tiến này, vụ Đông Xuân 2018-2019, năng suất bình quân của HTX đạt 76,4 tạ/ha.

Để tạo đà, UBND huyện hỗ trợ 110 triệu đồng cho HTX để đầu tư máy xay xát, nhà xưởng, hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm với tên gọi "Gạo Lệ Thủy”.

Hai loại giống được chọn canh tác trên đồng ruộng là P6 và Hà Phát 3. Loại gạo này sạch, dẻo, thơm hơn nhiều loại gạo sản xuất thông thường và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Quảng Bình) cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Bình cấp xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đây là điều kiện để lúa gạo của hợp tác xã thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường tiêu thụ và hướng tới chuẩn OCOP.

Trước đó, vào năm 2018, gạo P6 đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu. Chủ sở hữu giấy chứng nhận nhãn hiệu gạo P6 huyện Lệ Thủy là Hội Nông dân huyện Lệ Thủy. Thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu P6 huyện Lệ Thủy là hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy.

Định hướng xây dựng sản phẩm nông nghiệp cho địa phương của tỉnh Quảng Bình

Tỉnh Quảng Bình định hướng phát triển sản xuất theo hướng tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng miền. Khuyến khích các cơ sở chế biến nông sản đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất như xay xát gạo sạch, chế biến bún bánh, chế biến mủ cao su, hạt tiêu, tinh bột nghệ, tinh dầu sả, chế biến khoai dẻo, sản xuất mật ong tại các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Minh Hóa. Phát triển mạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến nấm ăn, nấm dược liệu, dầu lạc, Cà gai leo và một số loại cây dược liệu có giá trị cao tại các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Trạch.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển các cơ sở sản xuất và chế biến nước mắm, mực khô, mở rộng các cơ sở chế biến thủy sản tại các địa phương có lợi thế về khai thác và chế biến thủy sản. Khuyến khích cơ sở đầu tư nâng cấp mặt bằng sản xuất; thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ở các khu vực chế biến thủy, hải sản. Khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc đầu tư nhà xưởng, thiết bị, đổi mới công nghệ chế biến thịt và các phụ phẩm từ thịt của các loại gia súc, gia cầm; đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ nhu cầu thị trường và tiến tới xuất khẩu.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website