Thứ Ba, 13/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Nâng cao giá trị cho cây dược liệu tỉnh Thanh Hóa

Điều kiện thổ nhưỡng tỉnh Thanh Hóa thuận lợi trong việc phát triển cây dược liệu quý. Để nâng cao giá trị cho cây dược liệu, khai thác và bảo tồn nguồn gen quý hiếm, tỉnh Thanh Hóa đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, khai thác và chế biến cây dược liệu.

Theo số liệu Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Bắc Trung Bộ - Viện Dược liệu Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 20 loài dược liệu quý, bao gồm: Cây đinh lăng, củ mài, hương nhu trắng, ích mẫu, ba kích, hòe, sa nhân, quế, huyền sâm, xuyên tâm liên, cà gai leo, nghệ vàng, sâm báo, giảo cổ lam,...

Theo thống kê của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 5.000 ha dược liệu. Trước đây, diện tích cây dược liệu tỉnh Thanh Hóa phân bố tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi cao như: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy. Trong những năm gần đây, nhờ hiệu quả kinh tế cây dược liệu mang lại, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng phát triển diện tích cây dược liệu tại các huyện Trung du và đồng bằng có đất bãi, đất đồi núi thấp, như: Thọ Xuân, Yên Định, Hậu Lộc, Nga Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Quảng Xương,...

Cây dược liệu giúp người dân Thanh Hóa xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Nhận thấy tiềm năng phát triển cây dược liệu rất lớn, người dân tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng thử nghiệm và nhân rộng các loài cây dược liệu quý mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thanh Hóa triển khai mô hình sản xuất cây Sâm Báo theo tiêu chuẩn GACP-WHO gắn với chuỗi giá trị

Cây Sâm Báo có tên khoa học là Abelmoschus Sagitifolius (Kurs) Merr, họ Bông Malvaceae. Rễ Sâm Báo có chứa hợp chất Coumarin, Flavonoid, đường khử, chất nhầy, acidamin, acid hữu cơ, phytosterol và sesquiterpen. Hàm lượng chất nhầy 26,7%, các axit amin gồm 11 chất và các khoáng tốt cho cơ thể như canxi natri, magie, sắt, đồng, kẽm, photpho.

Mô hình sản xuất Sâm Báo tỉnh Thanh Hóa

Sâm Báo là loại dược liệu quý hiếm, mọc rải rác trên núi thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Theo Đông y, Sâm Báo có vị ngọt, tính bình, có tác dụng nhuận phế, dưỡng tâm, sinh tân dịch, trị ho, sốt nóng, phổi yếu, hỗ trợ điều trị mất ngủ, kém ăn và đau lưng, bổ tỳ vị, giúp tiêu hoá tốt, bồi bổ sức khỏe cho những người bị suy nhược cơ thể, gày yếu, những bệnh nhân mới ốm dậy, dùng làm nước giải khát rất tốt, chữa bệnh phổi, thông tiểu tiện. Nhờ những công dụng tốt cho sức khỏe, cây Sâm Báo mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, lợi nhuận mang lại khoảng 50 triệu đồng/sào.

Nhận thấy giá trị lớn của cây Sâm Báo, UBND huyện Vĩnh Lộc đã xây dựng phương án bảo tồn, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế của loại dược liệu này. Tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất cây Sâm Báo theo tiêu chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái) gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc.

Theo Dự án, Công ty cổ phần Dược Triệu Sơn là đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu thổ nhưỡng, trồng thử nghiệm hơn 3 ha đất trồng lúa kém hiệu quả tại xã Vĩnh Hùng để phát triển cây Sâm Báo. Bên cạnh đó, có nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã thực hiện trồng, nhân rộng giống cây Sâm Báo trong diện tích vườn nhà, tổng diện tích gần 2 ha. Sau 1 thời gian sản xuất, diện tích cây Sâm Báo phát triển tốt, sản lượng ước tính khoảng 300 kg/ha, doanh thu ước đạt 400-420 triệu đồng/ha.

Để nhân rộng mô hình sản xuất cây Sâm Báo theo tiêu chuẩn GACP-WHO hiệu quả, Công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn đã hợp tác, liên kết, hỗ trợ đầu tư giống, phân bón và hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật cho người dân. Công ty cũng cam kết sẽ thu mua sản phẩm Sâm Báo cho người dân, giúp người dân yên tâm sản xuất và mở rộng diện tích.

Với tiềm năng và triển vọng kinh tế từ việc phát triển cây Sâm Báo, huyện Vĩnh Lộc sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết sản xuất cây dược liệu. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao giá trị kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm cho cây dược liệu quý hiếm, huyện sẽ xây dựng kế hoạch để phát triển thương hiệu Sâm Báo gắn với quảng bá hình ảnh du lịch, phương tiện truyền thông đại chúng, các website.

Nâng cao giá trị cho cây dược liệu tỉnh Thanh Hóa

Thổ nhưỡng xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa thuộc loại khô, cằn, phù hợp với loại cây như cây đinh lăng. Đây là loại cây dược liệu quý, lá, thân và gốc đều dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh nên được thị trường rất ưa chuộng.

Để nâng cao giá trị cho cây dược liệu, tỉnh Thanh Hóa đã khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các khâu liên kết đầu tư, chế biến thành phẩm. Nhiều mô hình liên kết sản xuất cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần gìn giữ, quảng bá về nguồn giống dược liệu quý của địa phương. Mục tiêu phát triển cây dược liệu trở thành ngành sản xuất hàng hóa, cơ quan quản lý các xã, huyện tiếp tục hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác sản xuất cây dược liệu, tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoạt động trong lĩnh vực hóa dược để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất theo tiêu chuẩn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, bảo đảm các điều kiện để cây dược liệu phát triển bền vững. Đồng thời, UBND các xã, huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học và kỹ thuật trồng cây dược liệu cho bà con nông dân.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website