Thứ Năm, 22/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Chiếu cói An Xá phát huy nét văn hoá đặc trưng của tỉnh Quảng Bình

Làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình từ lâu nổi tiếng với nghề sản xuất chiếu cói truyền thống. Những manh chiếu thơm mùi cói khô cùng với sự tâm huyết của người dân đã thể hiện nét văn hóa riêng của làng nghề.

Làng nghề dệt chiếu cói An Xá - Lệ Thuỷ, Quảng Bình từ lâu nổi tiếng với nghề sản xuất chiếu cói truyền thống. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề chiếu cói làng An Xá vẫn được lưu giữ và phát triển.

Chiếu cói làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

Mùa thu hoạch cói ở An Xá hàng năm thường vào tháng 3 và tháng 6 âm lịch. Đó cũng là lúc mùa vụ vừa xong. Những manh chiếu thơm mùi cói khô cùng với sự tâm huyết của người dân đã góp phần mang lại sức sống cho An Xá. Các sản phẩm chiếu làm ra luôn sắc nét và thể hiện nét văn hóa riêng của làng nghề, quan trọng hơn đó là sự tồn tại của làng nghề đã giữ được nét hồn quê từ ngàn đời nay.

Mặc dù có những khó khăn về phát triển diện tích trồng cói cũng như nghề chế biến cói, nhưng người dân huyện An Xá vẫn gắn bó và đang nỗ lực duy trì. Người dân An Xá đã chủ động mở rộng diện tích trồng chiếu cói để phục vụ làng nghề với diện tích tăng lên 10 ha với 70 hộ gia đình, mỗi hộ dệt được 200 đôi chiếu/năm với thu nhập bình quân đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/năm. Doanh thu từ nghề dệt chiếu đã đưa lại cho An Xá mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng. Đến nay làng nghề dệt chiếu cói An Xá, Lệ Thuỷ, Quảng Bình đã mở rộng và khuyến khích phát huy như một nét văn hoá đặc trưng của Quảng Bình.  

Chiếu cói An Xá không chỉ tiêu thụ trong tỉnh Quảng Bình mà được bán tại nhiều tỉnh, thành phố. Đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, người dân An Xá nhanh chóng chuyển đổi sản xuất chiếu cói từ đơn giản như một loại chiếu trắng duy nhất sang thành nhiều mẫu mã như chiếu hoa và chiếu kẻ. Đặc biệt là các sản phẩm chiếu từ 1 m đến 1,6 m có sự phát triển vượt bậc so với chiếu cói truyền thống từ quá trình nhuộm cói, in hoa văn và may viền chiếu, được người tiêu dùng đón nhận

Trước đây, sản phẩm chiếu cói An Xá được người dân sản xuất chủ yếu thủ công thì hiện nay sản phẩm này đã được sản xuất bằng máy móc để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chiếu cói. Những sản phẩm chiếu cói được làm ra từ máy móc có mẫu mã đa dạng,  đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Mùa thu hoạch cói ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

Trải qua nhiều thăng trầm, nghề dệt chiếu cói truyền thống của người dân làng An Xá đã và đang tìm hướng đi mới, phù hợp với quá trình phát triển và nhu cầu của xã hội. Để những nghề truyền thống như chiếu cói An Xá phát triển, thì việc có diện tích đủ lớn để quy hoạch nguồn nguyên liệu ổn định sẽ giúp làng nghề chiếu cói An Xá khởi sắc hơn nữa trong tương lai.

HTX chiếu cói An Xá sẽ tích cực vận động, khuyến khích các hộ tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề truyền thống này. Với sự quan tâm của chính quyền các cấp, cơ quan chuyên ngành trong việc xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, kết nối mở rộng thị trường đầu ra sẽ giúp làng nghề tồn tại và phát triển.

Chính Tâm

Liên kết website