Tranh làng Sình với những đặc trưng tiêu biểu cho loại hình hội họa dân gian của vùng đất Cố Đô, trải qua bao thăng trầm tranh vẫn chứng tỏ được sức sống bền bỉ, nét đẹp văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.
Trong dòng chảy của nền văn hóa Việt, tranh dân gian làng Sình với lịch sử phát triển rất lâu đời, là một trong bốn dòng tranh dân gian đặc sắc của Việt Nam. Làng Sình thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10 km. Trải qua bao thăng trầm, tranh vẫn giữ vẹn nguyên giá trị truyền thống văn hóa, giá trị độc đáo và tinh tế của truyền thống tranh dân gian làng Sình.
Tranh làng Sình xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế
Với sự hình thành, phát triển mạnh mẽ cùng quá trình lịch sử nền văn hóa Việt Nam, mỗi dòng tranh dân gian của Việt Nam, đặc biệt là tranh làng Sình phản ánh chân thực tâm hồn, cuộc sống người dân, tư tưởng triết học trong tranh dân gian. Tranh dân gian góp phần vào việc lưu giữ các vốn văn hoá cổ xưa của dân tộc, làm cho đời sống tinh thần của người Việt Nam thêm phong phú và đa dạng; Là mạch nguồn văn hóa dân tộc, định hình tư duy sáng tạo của những nghệ nhân dân gian trong suốt quá trình lao động, sáng tạo.
Tranh dân gian làng Sình với những giá trị nghệ thuật dân gian xứ Huế chứa đựng những giá trị thẩm mỹ cao. Làng nghề làm tranh mộc bản cổ truyền để thờ cúng và phục vụ cho các nhu cầu tín ngưỡng, cầu an, giải hạn. Tranh làng Sình có khoảng 50 đề tài, chủ yếu phản ánh cảnh sinh hoạt xã hội và các tín ngưỡng cổ xưa.
Tranh làng Sình với dấu ấn văn hóa đặc sắc, ẩn chứa nét thiêng liêng tín ngưỡng của cõi tâm linh, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân xứ Huế. Nét đẹp văn hóa dân tộc về phong tục tín ngưỡng không chỉ với người Huế mà đã đóng một vai trò to lớn, gần gũi và quen thuộc đối với cả dân tộc Việt Nam. Tranh làng Sình mang đặc điểm của nghề thủ công làm tranh giấy tín ngưỡng để thờ cúng nhưng không thể phủ nhận những giá trị mỹ thuật của dòng tranh mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền này.
Với 3 nhóm chính là tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật, tranh làng Sình thường được sáng tác theo chủ đề riêng và được lấy cảm hứng từ hoạt động văn hóa, lễ hội, sinh hoạt và lao động của dân làng đã tạo nên loại hình dân gian độc đáo ở Huế.
Công đoạn làm tranh đòi hòi nhiều công sức, sự tỉ mỉ và công phu. Từ loại giấy dó có thể làm ra giấy điệp là nguyên liệu phổ biến thường được nghệ nhân dùng để vẽ trực tiếp. Ưu điểm của giấy là độ bền cao, nét vẽ không bị nhòe mực, ít khi bị mối mọt hay nát ẩm. Mầu sắc vẽ tranh đều được làm từ cây cỏ và để tạo nên đủ mầu sắc khác nhau cần có bí quyết pha chế mầu.
Bút dùng vẽ tranh cũng được làm từ những cành tre non đập mịn một đầu làm bút hay dùng bút lông viết chữ Hán làm cọ vẽ. Tùy từng kích cỡ, bộ phận tranh khác nhau sẽ cho ra các loại bút to, nhỏ khác nhau.
Mộc bản để in tranh làng Sình làm bằng gỗ mít, gỗ thị hay gỗ mức. Khi làm ra một bức tranh, bản khắc gỗ chỉ giữ vai trò làm khuôn và in màu chính. Những nghệ nhân sẽ vẽ thủ công các màu sắc còn lại. Điều này khiến cho mỗi bức tranh có sự khác biệt, không có sự trùng lặp và mỗi bức tranh mang một nét riêng, gắn liền với cảm xúc của nghệ nhân trong quá trình làm tranh.
Tranh làng Sình có đủ các màu sắc, xanh dương, vàng, đơn, đỏ, đen, lục là những gam màu chủ đạo tạo nên sắc màu rực rỡ cho tranh làng Sình, tạo nên điểm độc đáo của tranh dân gian nơi đây. Tranh làng Sình khi hoàn thành lấp lánh bởi chất liệu vỏ điệp, chất màu thô mộc nền nã mang một tín ngưỡng dân dã, đã tạo nên một nét riêng đặc thù, không chỉ trong khía cạnh thẩm mỹ, mà nội dung tranh còn biểu lộ một thái độ, một quan niệm, một nếp sinh hoạt của người dân Cố đô trước thiên nhiên, xã hội, lịch sử, văn hóa thông qua chủ đề, đường nét, bố cục tranh mang lại. Tất cả đã tạo nên đặc trưng nghệ thuật tạo hình trong tranh dân gian làng Sình.
Nhằm đưa tranh đến được nhiều nơi, phục vụ du khách, tạo nguồn cho làng phát triển, các nghệ nhân đã tạo ra những bản khắc gỗ mới với nội dung mới, không bó hẹp trong việc thờ cúng như trước đây. Những nội dung như trò chơi dân gian, phong cảnh, làm lịch cũng được nghệ nhân đưa vào tranh và được nhiều du khách yêu thích.
Tranh làng Sình trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử đang dần bị mai một. Tuy nhiên với đời sống văn hóa, xã hội ngày nay và mong muốn tìm lại những giá trị tinh thần nên dòng tranh này đã dần lấy lại được hình ảnh và vị trí quan trọng của làng nghề truyền thống, đồng thời khẳng định giá trị nghệ thuật và giá trị văn hóa của tranh làng Sình trong đời sống, đặc biệt là những giá trị trong đời sống tâm linh. Có thể thấy tranh làng Sình chính là những di sản quý giá, do đó cần được bảo tồn những nét truyền thống văn hoá tạo hình và tâm linh của dân tộc đã trải qua quá trình của thời gian và lịch sử.
Là vùng đất của nhiều loại hình tín ngưỡng văn hóa dân gian, tiềm năng du lịch của tranh dân gian làng Sình xứ Huế là rất lớn. Xác định phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, đã mở ra tầm nhìn chiến lược, triển vọng mới, củng cố thêm cơ sở pháp lý vững chắc để thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề truyền thống trong tỉnh, trong đó có làng nghề tranh dân gian làng Sình.
Đặc biệt du lịch văn hóa làng Sình ngày càng được kích cầu khi xã Phú Mậu đã được sáp nhập với thành phố Huế kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2021. Đây là cơ hội để tăng sự đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trục giao thông Huế đi Phú Mậu dễ dàng thuận tiện hơn. Từ đó nghề vẽ tranh dân gian làng Sình ngày càng được du khách gần xa biết đến nhiều hơn nữa nhờ sự kích cầu phát triển du lịch làng nghề ở địa phương.
Đình Thuận