Hải Dương là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp. Đây cũng là quê hương của vải thiều nổi tiếng khắp nơi và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Với sự thích hợp về điều kiện tự nhiên, vải thiều Thanh Hà có chất lượng đặc biệt ngon, năm 2007 vùng vải Thanh Hà đã được cấp “Chỉ dẫn địa lý vùng trồng vải Thanh Hà”.
Trong những năm qua, cây vải luôn có vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của Hải Dương. Với diện tích khoảng 10.500 ha, sản lượng khoảng 50.000 tấn/năm, cây vải chiếm 10% trong giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Những năm gần đây, cây vải ngày càng khẳng định được giá trị trong nhóm những cây ăn quả thế mạnh của tỉnh Hải Dương.
Để nâng cao chất lượng, sản lượng vải thiều, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững, Hải Dương luôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo sản xuất vải theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Thương hiệu vải thiều được quan tâm xây dựng, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Từ năm 2015 đến nay, sản phẩm vải thiều của Hải Dương đã vượt qua được hàng rào kỹ thuật khắt khe của nhiều nước nhập khẩu trái cây khó tính nhất như Mỹ, EU, Australia, Pháp, Canada, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE. Đến nay, Hải Dương đã có 20 cơ sở sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 334 ha, sản lượng 3.500 tấn. Ngoài ra, còn có hơn 8.000 ha vải an toàn sản xuất theo hướng VietGAP, sản lượng khoảng 35.000 tấn. Hiện toàn tỉnh có 13 vùng trồng vải với diện tích 132 ha đã được Cục Bảo vệ thực vật Mỹ cấp mã số xuất khẩu đi Mỹ, Australia, EU. Sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu gần 1.000 tấn. Trong đó, vải sản xuất theo quy trình Global GAP là 32ha, trong đó 2ha được chứng nhận Global GAP và 30ha sản xuất theo hướng Global GAP.
Tại Thanh Hà, những gia đình có diện tích trồng vải lớn đều lựa chọn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thay cho quy trình sản xuất truyền thống. Khi áp dụng chuẩn VietGap, việc chăm sóc, phun thuốc cho vải được thực hiện bài bản, khoa học. Khi phun thuốc đã có danh mục cho phép nên hàng ngày phun loại thuốc gì đều được ghi chép vào sổ nhật ký một cách khoa học, tránh được tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật với mong muốn chất lượng quả vải tốt, bán được giá cao, được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận. Việc sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn nông sản sạch VietGap cũng làm chất lượng quả vải đạt tốt hơn, mẫu mã đẹp, vỏ sáng, ít bị sâu bệnh, đặc biệt tỷ lệ quả bị sâu đục mép, đục cuống và bệnh thân hư ít hơn so với thời gian trước khi gia đình chưa áp dụng theo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, giá bán sản phẩm vải đạt tiêu chuẩn VietGap cao hơn giá trung bình từ 10- 20%.
Đặc biệt, vụ vải 2018, Thanh Hà đã được cấp 25 bộ mã truy xuất nguồn gốc. Mỗi bộ có 2 mã truy xuất cho vải sớm và vải thiều. Đồng thời, mã QR được sử dụng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây không chỉ là điều kiện để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà về lâu dài sẽ giúp quả vải Thanh Hà được tiếp cận nhiều thị trường khó tính. Tem truy xuất dán trên sản phẩm sẽ giúp người mua biết rõ vải do hộ nào trồng, ở thôn, xã, vùng VietGAP, GlobalGAP nào, nhật ký quy trình sản xuất, trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm…
Năm 2018, tiêu thụ vải thiều tỉnh Hải Dương đạt kết quả tích cực
Theo sở Công Thương tỉnh Hải Dương, năm 2018, sản lượng vải của tỉnh đạt trên 60.000 tấn (vải sớm khoảng 20.000 tấn, vải thiều khoảng 40.000 tấn), tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Hà với trên 35.000 tấn và thị xã Chí Linh đạt 16.390 tấn.
Ngay từ đầu vụ vải năm 2018 đã có nhiều công ty lớn đặt hàng, ký kết hợp đồng với Hiệp hội Vải thiều Thanh Hà và các cơ sở đầu mối để phân phối vải thiều trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Trong đó, những khách hàng thường xuyên là hệ thống siêu thị Coop-mart, BigC, Intimex, Công ty Xuất nhập khẩu rau quả Đồng Giao, Công ty TNHH Rồng Đỏ, Công ty TNHH Chế biến nông, lâm sản xuất khẩu Thanh Hà, Công ty TNHH Hưng Việt, Công ty TNHH Phúc Cường...
Ngoài tiêu thụ nội địa chiếm trên 60% sản lượng, năm 2018, sản lượng vải quả xuất khẩu của tỉnh Hải Dương đạt khoảng 21.000 tấn, chiếm gần 40% sản lượng toàn tỉnh, tăng 2,16 lần so với năm 2017 (năm 2017 xuất khẩu đạt khoảng 9.735 tấn). Không chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với sản lượng đạt gần 20.000 tấn, năm nay, thị trường xuất khẩu đã được mở rộng sang nhiều thị trường mới và đòi hỏi yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm như Hàn Quốc: 650 tấn; Nhật Bản: 300 tấn; xuất sang Australia, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển: 50 tấn, Thái Lan: 50 tấn...
Đáng chú ý là niên vụ vải 2018 của Hải Dương không có hiện tượng ế thừa, chặt bỏ vải, bị thương lái ép giá do vải được mùa với sản lượng lớn hay phải “giải cứu” như một số mặt hàng nông sản khác khi vào chính vụ. Giá bán bình quân vải sớm là 36.500 đồng/kg (thu hoạch và bán rộ trên thị trường từ ngày 12/5-04/6/2018); giá vải thiều chính vụ (thu hoạch và bán rộ trên thị trường từ ngày 05/6/2018) giao động từ 8.000- 18.000 đồng/kg. Nhờ đó, tổng doanh thu niên vụ 2018 đạt khoảng 1.400 tỷ đồng (vải sớm đạt khoảng 730 tỷ đồng, vải thiều đạt khoảng 670 tỷ đồng); tăng 156% so với năm 2017 (đạt khoảng 900 tỷ đồng).
Mặc dù tiêu thụ đạt kết quả cao, nhưng theo đánh giá tiêu thụ sản phẩm theo VietGAP tại thị trường trong nước vẫn gặp không ít khó khăn do thói quen tiêu dùng dễ dãi, người dân chưa hướng tới việc sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc biệt là các loại quả nông sản ăn tươi. Mặt khác, tình trạng trà trộn vải các nơi khác với vải thiều Thanh Hà, vải thiều đại trà với vải thiều VietGAP, đã làm cho sản xuất vải thiều nói chung và sản xuất vải thiều theo VietGAP nói riêng vẫn gặp khó.
Ngoài ra, sản xuất vải thiều theo quy trình VietGap cũng mất nhiều thời gian, công sức hơn so với sản xuất bình thường. Ngoài kinh phí đầu tư cao hơn, tư duy của người dân cũng là những cản trở lớn, bởi người dân lâu nay chỉ quen với phương pháp canh tác truyền thống đơn giản.
Triển khai đồng bộ các giải pháp sản xuất, tiêu thụ, phát triển thương hiệu vải
Thành công trong tiêu thụ vải quả Hải Dương 2018 là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành kịp thời, sâu sát của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh; đặc biệt sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành trung ương; sự hợp tác chặt chẽ của các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố.
Theo đó, để giữ thương hiệu cho cây vải thiều Thanh Hà tại thị trường trong nước và quốc tế, tỉnh Hải Dương đã đánh giá, khảo sát vùng trồng, lựa chọn các hộ tham gia; đăng ký cấp mã số vùng trồng vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; phòng trừ sâu bệnh; tập huấn, đào tạo cho nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP gắn với các điều kiện tiêu chuẩn trong sản xuất và sơ chế, đóng gói vải xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu kiểm soát khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của Mỹ, Australia và EU. Hơn nữa, qua mô hình vải xuất khẩu đã chuyển giao kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả, sản phẩm dễ tiêu thụ, giá bán cao, giúp thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất quả an toàn.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tỉnh Hải Dương cũng luôn quan tâm công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho quả vải.
Việc xác định việc xúc tiến tiêu thụ nông sản nói chung, vải thiều nói riêng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nên ngay từ rất sớm (ngày 15/3/2018) Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã chủ động chủ trì cùng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với UBND huyện Thanh Hà và thị sát tình hình ra hoa, sinh trưởng phát triển của cây vải thiều trong niên vụ 2018 để lên kế hoạch xúc tiến tiêu thụ nông sản cho người nông dân.
Đồng thời phối hợp với các sở trong tỉnh gồm Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch và UBND huyện Thanh Hà tổ chức buổi làm việc bàn cách thức giới thiệu quảng bá quả vải Hải Dương đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Liên ngành đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Hải Dương và Thường trực Tỉnh ủy đề xuất tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà – Hải Dương năm 2018. Bên cạnh đó, Sở đã có công văn gửi tới Sở Công Thương 63 tỉnh thành trong cả nước và các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khấu nông sản trên cả nước để chủ động kế hoạch liên kết, tiêu thụ vải thiều trong niên vụ 2018.
Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã tham dự hội nghị hướng dẫn và chuyển giao kết quả các mô hình thành công trong xúc tiến xuất khẩu tại Thái Nguyên, qua đó đã tiếp cận và đề nghị với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn trong toàn quốc đặt vấn đề hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Hải Dương năm 2018; tham dự hội nghị xúc tiến thương mại do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức để phối tuyên truyền quảng bá về nông sản của tỉnh và kế hoạch tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà – Hải Dương năm 2018.
Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cũng đã tổ chức lấy thông tin về sản lượng, chủng loại, tiêu chuẩn, địa chỉ liên hệ của các chủ vườn vải tại huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh để gửi các doanh nghiệp đầu mối chủ động liên hệ thỏa thuận việc tiêu thụ vải đưa vào chính vụ. Đồng thời, liên hệ với các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu nông sản trong cả nước để thông tin về tình hình vụ vải thiều năm 2018 và đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Hải Dương năm 2018…
Đặc biệt, tỉnh Hải Dương đã lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Vải thiều diễn ra tại Quảng trường Thanh Bình (huyện Thanh Hà) vào ngày 10/6/2018. Việc tổ chức lễ hội quy mô, bài bản nhằm tiếp tục nâng cao giá trị thương hiệu, nguồn gốc truy xuất, chỉ dẫn địa lý, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường, cũng như tạo sự lan tỏa hơn nữa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Lễ hội cũng là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng nông sản tiếp xúc trực tiếp với nông dân, các đầu mối thu mua vải thiều tại Hải Dương. Từ đó, mở rộng hợp tác tiêu thụ vải thiều và nông sản của huyện nhằm nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Đây cũng là dịp để huyện Thanh Hà giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, các chính sách khuyến khích, ưu đãi của tỉnh Hải Dương nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch.
Lễ hội Vải thiều Thanh Hà 2018 góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu vải thiều Thanh Hà nói riêng và vải thiều của Hải Dương nói chung. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh vải thiều, hàng nông sản, thực phẩm và các sản phẩm du lịch của tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá chất lượng và thương hiệu.
Qua lễ hội, huyện Thanh Hà và tỉnh Hải Dương tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng chuỗi giá trị cho cây vải thiều nói chung và sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm du lịch của tỉnh nói chung theo hướng bền vững.
Thương hiệu vải thiều Thanh Hà - Hải Dương ngày càng lan tỏa, khẳng định được giá trị là một loại quả quý với chất lượng thơm ngon, vị thanh ngọt, xứng đáng là loại trái cây đặc sản của Việt Nam. Trái vải thiều Thanh Hà đang được hàng triệu khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng, dần khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ “Top 10 loại trái cây ngon nhất thế giới”.
Nguồn: VITIC