Thứ Sáu, 25/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Yếu tố thuận lợi giúp cà phê Arabica Lâm Đồng mở rộng thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu bền vững

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước. Với khí hậu đặc trưng của vùng núi cao nguyên, cà phê Arabica của tỉnh Lâm Đồng là một trong những vùng cà phê chất lượng cao trên thế giới. Bên cạnh đó, theo chiến lược phát triển đã được hoạch định thì cà phê Arabica là loại cây trồng được ưu tiên hàng đầu của tỉnh.

Như vậy, với các yếu tố trên, có thể nói, việc xác định xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm cà phê Arabica của cả nước và là một trong những vùng cà phê arabica chất lượng cao của thế giới là hoàn toàn có căn cứ. Chính vì vậy, ngành cà phê Việt Nam nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng có thể tin tưởng trên nhiều phương diện, vùng cà phê Arabica Tây Nguyên còn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa với vĩ tuyến tọa lạc của Lâm Đồng. Trong bối cảnh giá cà phê liên tục giảm và đạt mức thấp, Lâm Đồng cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm phát triển cà phê Arabica. Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng phát triển cà phê Arabica Langbiang gắn liền với du lịch. Đây là hướng đi không mới, nhưng vẫn đạt được hiệu quả nhất định, mang lại thu nhập cao cho người dân trồng cà phê, đồng thời cũng là hình thức quảng bá thương hiệu, hình ảnh một cách hữu hiệu mà không tốn kém.

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước

Hiện diện tích trồng cà phê của tỉnh Lâm Đồng đạt trên 160.000 ha, sản lượng khoảng 360.000 tấn/năm. Mặc dù cà phê Arabica có diện tích nhỏ hơn cà phê Robusta, nhưng  Lâm Đồng là tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất nước và đã quy hoạch xây dựng. Cùng với đó, nhãn hiệu “Cà phê arabica Lang Biang” của huyện Lạc Dương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận là nhãn hiệu độc quyền cùng với nhãn hiệu “Cà phê Di Linh” đã được công nhận trước đó. Ngoài nhãn hiệu “Cà phê Arabica Langbiang”, Lâm Đồng còn đang xây dựng nhãn hiệu “Cà phê arabica Cầu Đất” – một trong 17 nhãn hiệu sẽ được xây dựng từ nay đến năm 2020 của tỉnh.

Như vậy, với sản phẩm cà phê, Lâm Đồng đã được công nhận hai thương hiệu (“Cà phê Di Linh” và “Cà phê arabica Lang Biang”) và đang xây dựng thêm một nhãn hiệu (“Cà phê arabica Cầu Đất”).

Lâm Đồng sở hữu vùng đất có cây cà phê Arabica chất lượng cao nhất Việt Nam

Phần lớn các vùng cà phê của Costa Rica đều ở vùng cao trên 800m trên mực nước biển. Nước này đã có một truyền thống lâu năm là nước sản xuất cà phê chè chất lượng cao trên thế giới (thuộc nhóm cà phê Arabica có vị dịu). Điều này trước hết dựa vào tác dụng tương hỗ của nhiều yếu tố khác nhau: đất trồng có nguồn gốc núi lửa, điều kiện sinh thái khí hậu tốt, kinh nghiệm sản xuất và kết quả đào tạo kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt và chế biến. Những điều kiện đó đều có ở tỉnh Lâm Đồng.

Tại Việt Nam, chỉ duy nhất khu vực tỉnh Lâm Đồng trong tổng thể vùng cà phê Arabica Tây Nguyên mới có vị trí địa lý vào khoảng 11020’ vĩ độ bắc, tương đương với vị trí địa lý của Costa Rica là một nước sản xuất cà phê Arabica nổi tiếng ở Trung Mỹ.

Với độ cao 800- 1500m trên mực nước biển, Cao nguyên Di Linh là một trong hai cao nguyên chính bao gồm toàn bộ diện tích tỉnh Lâm Đồng (cao nguyên thứ hai là Lâm Viên). Độ cao này đã giúp Lâm Đồng trở thành vùng cà phê chè có chất lượng cao nhất nước ta. Vùng cà phê Lâm Đồng được trồng trên các cao nguyên Đà Lạt, Di Linh, Bảo Lộc với những độ cao khác nhau.

Hiện tại, tỉnh Lâm Đồng đã có thương hiệu độc quyền cà phê Arabica Lang Biang, vùng nguyên liệu với diện tích 3.154 ha và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu độc quyền cà phê Arabica Cầu Đất tại Đà Lạt với diện tích 3.050 ha. Ngoài hai địa phương Lạc Dương và Đà Lạt, theo quy hoạch chung về cây cà phê của tỉnh, diện tích cà phê Arabica còn được phát triển ở một vài huyện xung quanh như Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương và Đam Rông. Dự kiến đến năm 2020, diện tích cà phê chè tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng lên, chiếm khoảng 20% – tăng gần gấp đôi so với hiện nay (khoảng 30.000 ha).

Cao nguyên Đà Lạt: Ở độ cao 1500m, khí hậu ở đây mang đặc tính của kiểu khí hậu ôn đới, mát quanh năm. Khí hậu Đà Lạt mang nhịp điệu hai mùa (mùa mưa và mùa khô). Cà phê Arabica trồng ở đây sinh trưởng rất tốt cho sản lượng cao và đặc biệt là chất lượng rất cao được người tiêu dùng đánh giá cao.

­Cao nguyên Di Linh: Nằm ở trung tâm của các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng có diện tích khoảng 200km2 trải dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Với địa hình phân biệt rõ rệt cao dần từ 850m ở huyện Bảo Lộc phía Tây Nam lên đến 1000m ở huyện Đức Trọng phía Đông bắc. Đất ở đây chủ yếu thuộc đất nâu đỏ trên bazan. Khí hậu ở đây mang tính chất nhiệt đới ẩm rõ rệt và nổi lên vai trò của vị trí địa lý và chiều cao địa hình, chịu ảnh hưởng sớm nhất của các khối không khí xích đạo nóng và ẩm vào mùa hạ nhưng nền nhiệt bị giảm nhiều do chiều cao địa hình lớn.

Đặc biệt, cao nguyên Di Linh không có tháng nóng (trên 25oC). Lượng mưa ở vùng này phân bố không đều. Bảo Lộc đón gió Tây Nam sớm nhất nên có lượng mưa cao nhất là 2800mm (với 185 ngày mưa). Ở huyện Di Linh lượng mưa chỉ còn trên 1800mm (với 150 ngày mưa). Huyện Đức Trọng vì địa hình khuất gió, lượng mưa chỉ còn trên 1600mm (với 151 ngày mưa). Mùa mưa ở đây dài hơn và mùa khô ngắn hơn, bớt khốc liệt như các vùng Đắk Lắk, Gia Lai.

Khu vực Trạm Hành – Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng là một địa danh được hình thành từ những năm 1930. Trạm Hành nằm trên địa hình với cao độ hơn 1500m so với mặt nước biển. Thời tiết khí hậu tại Trạm Hành ôn đới mát mẻ quanh năm, nhiệt độ cực đại trong năm không vượt quá 330C, nhiệt độ cực tiểu 50C. Địa hình càng cao, khí hậu càng lạnh hơn, càng cho ra những hạt cà phê Arabica chất lượng tuyệt hảo.

Địa chất vùng có hàm lượng chất hữu cơ và các chất dinh dưỡng cao, do vùng này trước đây không trồng cà phê, nên đất đai giàu chất dinh dưỡng hơn. Đặc biệt, nơi này đã hấp thụ được tinh khí của trời đất nên có những yếu tố vượt trội làm cho sự phát triển các loài hoa trái được trồng tại đây cũng sinh trưởng và phát triển rất tốt. Đặc biệt các loại cà phê Arabica được trồng tại đây luôn cho sản lượng tốt và đạt chất lượng cao, hạt nhỏ, chắc và thơm hơn so với các dòng cà phê Arabica trồng ở khu vực khác.

Với cấp độ rang nâu, cà phê Arabica Lâm Đồng sẽ có hương thơm rất hấp dẫn, vị đắng hòa quyện với vị chua nhẹ và hậu vị kéo dài vô cùng thú vị. Cà phê Arabica Lâm Đồng rang nâu thích hợp cho những tách Espresso ngào ngạt và lôi cuốn, hay kết hợp với sữa để cho ra các món Cappuccino, Latte mang đậm phong cách cà phê Ý.

Cà phê Arabica Lâm Đồng rang nâu có hàm lượng caffeine thấp, thích hợp để khởi đầu một ngày mới một cách nhẹ nhàng với tách cà phê pha phin thanh thoát và dễ chịu. Đặc biệt đối với phái nữ, cà phê Arabica rang nâu tăng cường trao đổi chất và giảm calo, giúp các chị em có một vóc dáng khỏe mạnh và cân đối. Cà phê Arabica phối trộn với Culi và Robusta tạo phong vị hài hòa, hương thơm quý phái và vị đắng tinh tế từ Culi, là dòng sản phẩm được nhiều người ưa chuộng.

Cà phê Arabica Cầu Đất

Cầu Đất cách trung tâm Đà Lạt, Lâm Đồng 25km về phía Đông Nam, thuộc vùng Cao Nguyên nổi tiếng của Việt Nam. Nhờ sở hữu lợi thế về độ cao và điều kiện khí hậu hoàn hảo cho cà phê, cà phê Cầu Đất cho chất lượng rất cao và phong phú trong hương vị. Nằm ở độ cao lý tưởng, trung bình từ 1450 - 1650m so với mực nước biển, biên độ nhiệt trong năm tại đây dao động từ 50C lạnh nhất và cao nhất cũng không vượt quá 330C. Kết hợp với thổ nhưỡng là đất Bazan màu mỡ, Cầu Đất - Đà Lạt có được 3 điều kiện vàng để là vùng đất hoàn hảo cho Arabica. Các giống Arabica ngon nổi tiếng như: Typica, Bourbon và đặc biệt là Catimor với sản lượng rất cao.

Cầu Đất có tổng diện tích trồng cà phê vào khoảng 1.500 hecta, chiếm 86% diện tích nông nghiệp tại đây. Đặc biệt, trong đó diện tích trồng cà phê chiếm tới 98%. Những giống cà phê Arabica trồng tại đây đặc biệt thích nghi rất tốt với khí hậu và rất hiếm khi bị sâu bệnh. Mỗi hecta cà phê thu được 18 - 10 tấn cà phê tươi, tương đương với 4 tấn cà phê nhân. Sản lượng cà phê cao hơn hẳn với các giống khác.

Cà phê Arabica từ Cầu Đất nổi bật bởi sự kết hợp của vị chua thanh tao và đắng nhẹ. Hương cà phê phong phú và hài hoà với sự kết hợp của trái cây tươi, vị ngọt của mật ong. Được miêu tả như hương vị tinh khôi của buổi sáng chủ nhật, người uống sẽ không thể quên được cà phê Cầu Đất một khi đã thử qua một lần. Cà phê nơi đây hoàn toàn có thể sánh ngang với những loại cà phê tốt nhất trên thế giới.

Starbucks Coffee - thương hiệu cà phê nổi tiếng trên toàn thế giới đã chọn Arabica Cầu Đất - Đà Lạt là 1 trong 7 loại cà phê để đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Theo chiến lược phát triển đã được hoạch định thì cà phê Arabica là loại cây trồng được ưu tiên hàng đầu của tỉnh.

Định hướng của tỉnh Lâm Đồng là phát triển cà phê Arabica thành mặt hàng chủ lực –đại diện cho vùng nguyên liệu cà phê Arabica Tây Nguyên với chất lượng cao, có thương hiệu mang tầm quốc tế.

Lạc Dương là huyện trọng điểm nằm trong vùng quy hoạch phát triển cà phê Arabica của tỉnh Lâm Đồng. Nhiều năm qua, cà phê luôn là cây trồng được cấp ủy, chính quyền huyện ưu tiên hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, là cây “mũi nhọn” góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy Lạc Dương vẫn xác định cà phê là cây trồng chủ lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Toàn huyện Lạc Dương hiện có khoảng 3.716 ha cà phê, năng suất trung bình ước đạt 27 tạ/ha, sản lượng ước đạt 10.033 tấn. Trong cơ cấu cây trồng ở huyện Lạc Dương, cây cà phê Arabica được xác định là cây trồng chính có lợi thế so sánh của vùng đất dưới chân núi Lang Biang, hàng năm góp phần không nhỏ để tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp địa phương, đồng thời là nguồn thu nhập thường xuyên nâng cao đời sống và xóa đói giảm nghèo cho người dân. Bình quân mỗi hộ gia đình sản xuất cà phê Arabica Lang Biang với quy mô diện tích từ 0,5 - 2ha.

Sau khi nhãn hiệu cà phê Arabica Lang Biang của huyện Lạc Dương được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, năm 2016, huyện Lạc Dương tiến hành xét cấp thí điểm nhãn hiệu cà phê Arabica Lang Biang cho một số tổ chức và cá nhân hội đủ các điều kiện quy định, sau đó sẽ nhân rộng trên địa bàn. Đặc biệt, phối hợp với tổ chức VNSAT triển khai thành lập 4 tổ hợp tác cà phê và 5 tổ hợp tác cà phê, rau, hoa để hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê đạt năng suất và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thời gian qua, giá cà phê lúc thăng lúc trầm khiến người dân không khỏi lo lắng, bất an. Xác định đây là cây trồng chủ lực, gắn với vấn đề giải quyết việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn nên cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Lạc Dương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân giữ diện tích cà phê hiện có. Bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành hỗ trợ người dân về phân bón, tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn. Nhìn chung chất lượng cà phê tại Lạc Dương được đánh giá tốt hơn so với những vùng như Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng.

Trong những năm gần đây, cùng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, việc canh tác cà phê trên địa bàn huyện đã gặp một số khó khăn như: bọ xít muỗi gây hại trên diện rộng làm 3.300 ha cà phê bị ảnh hưởng giảm năng suất đến 30%, thời tiết diễn biến thất thường sương muối hay xảy ra ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây cà phê. Xuất phát từ những khó khăn, thách thức đối với ngành sản xuất cà phê trên địa bàn huyện, đồng thời nhằm khai thác có hiệu quả chứng nhận cà phê Arabica Lang Biang, mới đây UBND huyện Lạc Dương đã quyết định ban hành quy trình tạm thời về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê giúp bà con nông dân sản xuất có hiệu quả. Về phía người dân cũng đã và đang triển khai các biện pháp để duy trì và phát triển diện tích cà phê hiện có của gia đình.

Dự báo, dù giá cà phê trên thị trường thế giới không ổn định, có xu hướng giảm nhẹ sẽ tác động không nhỏ đến giá cà phê Lạc Dương, nhưng người tiêu dùng có xu hướng thưởng thức cà phê nguyên chất, cà phê sạch và mang đậm nét đặc trưng vùng, miền sẽ là điều có lợi cho cà phê Arabica Lang Biang của Lạc Dương phát triển thương hiệu. Để giữ vững thương hiệu này, huyện đã mời một số doanh nghiệp vào cuộc để cùng bà con nâng tầm thương hiệu cà phê. Theo đó, các công ty vẫn thu mua cà phê của Lạc Dương nhưng để sản phẩm đi vào chiều sâu chất lượng, họ đã liên kết với các hộ dân để thành lập nên các tổ hợp tác sản xuất, hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc cà phê đạt chuẩn và cam kết thu mua giá cao hơn thị trường.

Hiện công ty A.COM đã xây dựng 4 tổ hợp tác ở xã Đưng K’Nớ. Tham gia tổ hợp tác người dân Đưng K’Nớ được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê và được công ty thu mua cà phê cao hơn giá thị trường. Từ hiệu quả của xã Đưng K’Nớ, các địa phương trong huyện cũng đang triển khai chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với công ty A.COM. Đây là thành công rất lớn của huyện cho chiến lược phát triển thương hiệu cà phê Arabica Lang Biang.

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 diện tích cà phê trên địa bàn huyện tiếp tục được giữ vững, có từ 20 đến 30% diện tích cà phê được cấp Giấy chứng nhận Cà phê Arabica Lang Biang, giải pháp mà huyện Lạc Dương đặt ra đó là: khai thác có hiệu quả các chứng nhận cho nông sản, gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, sẽ chú trọng phối hợp, khai thác, sử dụng và quảng bá thương hiệu Cà phê Arabica Lang Biang để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, chế biên nông sản như: VietGAP, GlobaGAP… đảm bảo chất lượng nông sản gắn với thương hiệu sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh đó, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi nông sản từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Thực hiện đổi mới căn bản về tư duy nhận thức của người sản xuất để thay đổi phương thức canh tác đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. Trước mắt, huyện sẽ tập trung khắc phục triệt để tình trạng sử dụng vượt ngưỡng đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật tồn tại trong sản xuất nông nghiệp hiện nay của người nông dân để sản phẩm cà phê đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu thu mua của các công ty.

Với các yếu tố trên, có thể nói, việc xác định xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm cà phê Arabica của cả nước và là một trong những vùng cà phê arabica chất lượng cao của thế giới là hoàn toàn có căn cứ. Chính vì vậy, ngành cà phê Việt Nam nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng có thể tin tưởng trên nhiều phương diện, vùng cà phê Arabica Tây Nguyên còn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa với vĩ tuyến tọa lạc của Lâm Đồng.

Lâm Đồng phát triển cà phê Arabica Langbiang gắn liền với du lịch – hướng đi thu được hiệu quả cao

Không chỉ còn chọn những điểm đến quen thuộc ở trung tâm thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), nhiều du khách trong và ngoài nước lại đang tìm về vùng ngoại ô phố núi để tìm hiểu nét văn hoá, nhịp sống hòa đồng cùng với thiên nhiên, với cảnh quan hoang sơ, thơ mộng, của đồi núi, rừng thông, thung lũng... ở những buôn làng người K’Ho như một trải nghiệm mới của những ngày đến Đà Lạt.

Làng dân tộc K’Ho B’Nơr C nằm dưới chân núi Langbiang (huyện Lạc Dương) không còn xa lạ đối với du khách trong và ngoài nước những năm gần đây. Đó là một ngôi làng nhỏ vẫn giữ được nét mộc mạc, đơn sơ và bình yên của người dân nơi đây.

Là người đóng vai trò của “trung tâm lữ hành” ở buôn B’Nơr C, chị Rolan Cơ Liêng đã mở hẳn một khu vực đón tiếp du khách, trưng bày sản phẩm cà phê Arabica và giới thiệu quy trình sản xuất loại cà phê đặc sản này. Với kỹ năng tiếng Anh thành thạo, Rolan còn đón cả những đoàn khách nước ngoài tới buôn làng. Sau khi giới thiệu cho khách về đặc sản cà phê địa phương, cô còn dẫn khách đi khắp buôn làng, kể cho họ về những nét văn hoá bản địa, cuộc sống của người dân hay về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

Khi vừa kết thúc chuyến thăm, tìm hiểu quy trình sản xuất cà phê Arabica đặc sản ngay tại vườn, văn hóa và nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người K’Ho, du khách đều rất thích thú với những trải nghiệm như vậy.

Những năm gần đây, vùng ven Đà Lạt hình thành những buôn làng K’Ho đã và đang trở thành điểm đến mới lạ cho du khách. Đó là làng con gà K’Long (xã Hiệp An, Đức Trọng), là làng dân tộc dưới đèo Tà Nung (xã Tà Nung, Đà Lạt), làng dân tộc Đa Blah, Long Lanh (xã Đa Nhim, Lạc Dương)…

Tham quan du lịch ở các buôn làng dân tộc đang trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với những vùng ven của Đà Lạt. Đặc biệt, ngay tại một số buôn làng còn hình thành những điểm dừng chân, quán cà phê, ăn uống, homestay… tại chỗ để phục vụ khách lữ hành nên du khách rất ưng ý.

Áp dụng công nghệ 4.0 nhằm phát triển cà phê Arabica

Trong bối cảnh sản xuất và xuất khẩu cà phê đang gặp nhiều khó khăn do giá giảm liên tục và ở mức thấp, tỉnh Lâm Đồng đang có nhiều đầu tư để mở rộng và nâng chất vùng sản xuất cà phê Arabica, vốn là một đặc sản nổi tiếng từ rất lâu trên xứ sở cao nguyên.

Mặc dù cà phê Arabica là một thế mạnh của tỉnh nhưng hiện nay, diện tích cà phê này chưa nhiều, sản lượng hàng năm không đáng kể. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích cà phê chè ở Lâm Đồng sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Năm 2015, lần đầu tiên thương hiệu cà phê Starbucks thông báo đưa sản phẩm cà phê Arabica xuất xứ Đà Lạt (Lâm Đồng) vào bán trong hệ thống của mình với mức giá khi đó là 50 USD/kg bởi cà phê Đà Lạt được đánh giá có vị chua dịu nhẹ, phù hợp với khẩu vị của khách hàng.

Lâm Đồng đang được coi là một trong những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, với hơn 50.000ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 18% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đây chính là lý do khiến Diễn đàn Cà phê toàn cầu chọn Lâm Đồng để xây dựng một “bản đồ cà phê online” hướng đến việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo phát triển bền vững.

Từ cuối năm 2017, diễn đàn Cà phê toàn cầu tại Việt Nam đã phối hợp với Cục Trồng trọt, các tỉnh Tây Nguyên và các đối tác đề xuất lên lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về dự án mã hóa vùng trồng cà phê trên mạng internet với sự tích hợp của hai bộ chỉ số: Bộ chỉ số phát triển cà phê bền vững của Việt Nam và Bộ chỉ số phát triển cà phê bền vững toàn cầu. “Việc mã hóa vùng trồng sẽ giúp ngành quản lý, các địa phương đánh giá được sự phát triển của các vùng chuyên canh cà phê trong nước trong mối tương quan với toàn cầu để từ đó có những định hướng phát triển phù hợp.

Trước mắt, dự án chọn thực hiện thí điểm tại huyện Di Linh với khoảng 15.000 hộ trồng cà phê. Để làm việc đó, cán bộ dự án sẽ phối hợp với ngành địa chính của huyện, lập bản đồ các vườn trồng cà phê của địa phương, mã hóa từng vườn, đưa thêm thông tin để thành lập cơ sở dữ liệu và sau đó đưa lên Google Maps.

Phần mềm này tương đối dễ sử dụng, chỉ cần đào tạo là nông dân có thể tự cập nhật, bổ sung thông tin về vườn cà phê của mình trên hệ thống cơ sở dữ liệu. Theo đó, nông dân sẽ được cấp một account để tự bổ sung thông tin về vườn cà phê, tình hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ra sao. Hiện, việc mã hóa 15.000 vườn cà phê ở Di Linh đã hoàn thiện, dự kiến tháng 11/2018, hệ thống sẽ ra mắt. Trong tương lai, mô hình này sẽ không dừng lại ở 15.000 hộ trồng cà phê ở Di Linh mà sẽ được áp dụng cho toàn vùng chuyên canh cà phê, tiến tới xây dựng một bản đồ cà phê online tại Việt Nam.

Như vậy, ngoài định hướng mang tầm chiến lược, trong thời gian gần đây, Lâm Đồng cũng đã tiến hành những công việc cụ thể nhằm đưa thương hiệu cà phê arabica đến với thị trường quốc tế một cách rộng rãi hơn.

Nguồn: VITIC

Liên kết website