Chủ Nhật, 27/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Bà Rịa - Vũng Tàu tích cực phát triển vùng trồng hồ tiêu trọng điểm của cả nước

Trong thời gian gần đây, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhiều chương trình, hoạt động để mở rộng cũng như phát triển vùng trồng tiêu của tỉnh, trong đó, điển hình là mô hình xây dựng cánh đồng lớn sản xuất hồ tiêu. Bên cạnh đó, tỉnh đang khuyến khích các địa phương trong tỉnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hồ tiêu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hồ tiêu, đưa thương hiệu hồ tiêu Bà Rịa – Vũng Tàu vươn xa hơn nữa.

Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo, ảnh hưởng của gió mùa, tổng lượng bức xạ cao và ổn định (bình quân 390-520 cal/cm2/ngày), nhiệt độ cao đều quanh năm, trung bình 27,480C, thấp nhất là tháng 1 (25,70C) và cao nhất là tháng 4 (28,90C), tổng tích ôn 9.2170C/năm, số giờ nắng 2.377 giờ/năm, trong đó các tháng mùa khô có số giờ nắng 193,2-271,5 giờ/tháng, ít bão và sương mù. Đây là những yếu tố thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển cây hồ tiêu.

Yếu tố chi phối lớn nhất của khí hậu đối với sản xuất hồ tiêu là mưa và phân bố mưa, các cây trồng chính được người dân đầu tư chủ yếu ở Bà Rịa-Vũng Tàu như cây tiêu, điều, cao su, cà phê và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được thị trường tiêu thụ nhiều. Trong các loại cây trồng trên thì cây hồ tiêu chiếm 12% tổng diện tích đất.

Hầu hết các huyện trong tỉnh đều có trồng hồ tiêu (riêng huyện Côn Đảo diện tích không đáng kể). Tuy nhiên, diện tích hồ tiêu tập trung chủ yếu ở một số huyện như Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành, và thị xã Bà Rịa. Đây là những địa phương có diện tích đất đỏ bazan nhiều, thích hợp cho cây hồ tiêu phát triển. Các huyện thị còn lại có diện tích hồ tiêu không đáng kể.

Hồ tiêu Bà Rịa – Vũng Tàu vào mùa, nỗi lo được mùa, mất giá

Thời điểm này, các nhà vườn trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang thực hiện các biện pháp phun xịt dưỡng trái cho cây tiêu. Theo các hộ trồng hồ tiêu, vụ hồ tiêu năm nay, các vườn tiêu trong tỉnh phát triển tương đối tốt, ít sâu bệnh hại vì thế cho trái nhiều hơn so với vụ tiêu năm ngoái.

Nông dân chăm sóc vườn tiêu chờ thu hoạch tại Bà Rịa – Vũng Tàu

Thuận lợi là vậy nhưng do giá tiêu liên tục lao dốc đã làm cho người trồng tiêu lo lắng, nhất là đối với các hộ trồng mới. Bởi với giá tiêu như hiện nay thì đối với các hộ trồng tiêu từ 5 năm trở lên sẽ vẫn có lãi, nhưng ít. Còn đối với các hộ trồng dưới 5 năm là lỗ vốn do chi phí đầu tư mới như: giống, công chăm sóc, tưới nước, phân bón, thuốc trừ sâu, công thu hoạch… cho cây tiêu khá cao.

Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 7.000 ha, sản lượng tiêu khoảng 16.800 tấn, trong đó xuất khẩu 16.200 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa. Nhưng hiện nay, diện tích trồng tiêu của tỉnh đã lên tới hơn 13.000 ha. Đây được xem là nguyên nhân chính làm giá hồ tiêu giảm sâu khi nguồn cung có dấu hiệu dư thừa.

Theo nhận định của Hội hồ tiêu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giá hồ tiêu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp từ nay cho đến hết năm 2019. Nguyên nhân là do diện tích hồ tiêu trên cả nước nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng đã vượt quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu trong khi nhu cầu thị trường ngày càng hạn hẹp.

Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết nông dân vẫn canh tác theo hướng quảng canh, chạy theo năng suất, sản lượng mà chưa chú trọng nhiều đến kỹ thuật khiến chất lượng hồ tiêu không bảo đảm các tiêu chuẩn khi xuất khẩu đi các thị trường lớn… Tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại vẫn đang là vòng luẩn quẩn không chỉ riêng đối với sản phẩm hồ tiêu mà còn với nhiều loại cây trồng khác.

Định hướng phát triển sản phẩm hồ tiêu Bà Rịa – Vũng Tàu thời gian tới

Mặc dù giá hồ tiêu xuống thấp, nhưng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn nỗ lực phát triển vùng trồng tiêu bởi những thuận lợi về địa hình, thổ nhưỡng... Ngày 12 tháng 02 năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt tiêu đen Bà Rịa – Vũng Tàu.

Giấy chứng nhận này sẽ tạo ra những cơ hội và lợi ích ngày càng to lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm hạt tiêu đen, tạo hiệu ứng mạnh mẽ để nâng tầm thương hiệu “Hạt tiêu đen bà Rịa –Vũng Tàu” ở thị trường trong nước và là bước đệm trên con đường mang thương hiệu này ra thế giới.

Trước những thuận lợi trên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang có nhiều chương trình, hoạt động để mở rộng cũng như phát triển vùng trồng tiêu của tỉnh, trong đó, điển hình là mô hình xây dựng cánh đồng lớn sản xuất hồ tiêu. Bên cạnh đó, tỉnh đang khuyến khích các địa phương trong tỉnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hồ tiêu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hồ tiêu, đưa thương hiệu hồ tiêu Bà Rịa – Vũng Tàu vươn xa hơn nữa.

Xây dựng cánh đồng lớn sản xuất hồ tiêu

Ngày 24/5/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị công bố Quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt kế hoạch cánh đồng lớn sản xuất lúa và hồ tiêu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030.

Theo đó, kế hoạch cánh đồng lớn sản xuất lúa và hồ tiêu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030, với mục tiêu chung là xây dựng vùng sản xuất lúa và hồ tiêu với quy mô lớn, phù hợp quy hoạch phát triển cây lúa và cây hồ tiêu của tỉnh.

Bên cạnh đó, sẽ hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất, gắn với tiêu thụ, tạo ra sản lượng hàng hóa tập trung, chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm lúa, gạo, hồ tiêu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trên thị trường, từ đó nâng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và các đối tác tham gia.

Đối với cánh đồng lớn trồng hồ tiêu, mục tiêu của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra là phấn đấu đến năm 2020 xây dựng cánh đồng lớn hồ tiêu tại 3 huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và thị xã Phú Mỹ, với diện tích 2.600 ha, tương đương khoảng 5.170 tấn/năm, chiếm 30% sản lượng hồ tiêu của tỉnh. Đến năm 2030 cánh đồng tiêu tăng lên 4.300 ha với sản lượng khoảng 8.160 tấn/năm, chiếm 50% sản lượng hồ tiêu của tỉnh.

Sản phẩm hồ tiêu trên cánh đồng lớn sẽ được tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, SAN (mạng lưới nông nghiệp bền vững) hoặc các tiêu chuẩn khác có thể truy xuất được nguồn gốc đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Để cánh đồng lớn xây dựng và hoạt động hiệu quả, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức kiện toàn lại các hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất; đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, tổ chức đại diện nông dân để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa và hồ tiêu; thực hiện dồn điền, đổi thửa tạo diện tích lớn để thực hiện cánh đồng lớn sản xuất lúa.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng tiến hành tập huấn những giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ sản xuất lúa và hồ tiêu như: quy trình kỹ thuật sản xuất lúa, giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, kiến thức về an toàn thực phẩm trên cây lúa, san phẳng cánh đồng ruộng bằng tia lazer, quản lý cây trồng ICM, các tiêu chuẩn GAP, SAN, áp dụng các biện pháp sinh học trong quản lý dịch hại trên cây hồ tiêu…; đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu làm đất, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, áp dụng sấy lúa, tồn trữ cho phù hợp, áp dụng tưới tiết kiệm trên cây hồ tiêu.

Ngoài ra, hướng dẫn khuyến khích nông hộ tham gia Dự án sản xuất đạt chứng nhận hoặc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn khác đáp ứng yêu cầu của thị trường….

Để xây dựng cánh đồng lớn trên lúa và hồ tiêu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết, xây dựng các dự án, phương án cánh đồng lớn; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở xay xát, đầu tư hiện đại hóa hiện đại máy móc thiết bị, kho chứa có công suất lớn trong vùng cánh đồng lớn sản xuất lúa.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tư xây dựng các cơ sở sấy, kho chứa công suất lớn, hiện đại trong vùng cánh đồng lớn sản xuất hồ tiêu.

Ứng dụng công nghệ cao trong trồng hồ tiêu

Trong Đề án 04 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định đến năm 2020 cùng với huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc sẽ là vùng chuyên canh hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao lớn của tỉnh.

Tại huyện Châu Đức, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Đức, những năm qua huyện đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn, hỗ trợ nông dân tập huấn kỹ thuật canh tác tiêu bền vững, áp dụng bộ nguyên tắc quốc tế về quy trình sản xuất tiêu an toàn, hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu… Theo đó, việc sản xuất tiêu “sạch” đã lan tỏa ngày càng sâu rộng trong nông dân. Từ chỗ sản xuất theo kinh nghiệm, hiện nông dân hạn chế sử dụng phân bón hóa học, chú trọng dùng phân hữu cơ vi sinh, chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục để phòng bệnh cho cây tiêu. Nhờ vậy, sản phẩm hồ tiêu của huyện ngày càng nâng cao về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường trong nước và quốc tế, tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Hiện nay, toàn huyện có 880 ha tiêu “sạch” ở các xã Quảng Thành, Kim Long, Bàu Chinh, Láng Lớn. Trong năm 2018, huyện đã phát triển thêm 100 ha tại các xã trên và thêm 2 xã Sông Xoài, Đá Bạc. Mục tiêu đến năm 2020, đạt 3.000 ha tiêu “sạch” toàn huyện, trên cơ sở chuyển đổi diện tích tiêu hiện có đang canh tác bằng phương thức truyền thống sang phương thức chăm sóc an toàn, bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt trong quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch).

Cùng với việc phát triển diện tích tiêu “sạch”, huyện sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, công ty tham gia liên kết hình thành vùng nguyên liệu bền vững và bao tiêu sản phẩm cho hồ tiêu sản xuất trên địa bàn.

Tại huyện Xuyên Mộc, hiện toàn huyện có trên 5000 ha tiêu, hầu hết diện tích tiêu ở huyện Xuyên Mộc được trồng tập trung thành vùng rộng lớn ở xã Hòa Hội, Hòa Hiệp, Hòa Bình và Bảo Lâm.

Những năm qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuyên Mộc đã thường xuyên phối hợp với trạm khuyến nông của huyện hỗ trợ nông dân tập huấn kỹ thuật canh tác tiêu bền vững, hướng dẫn nông dân áp dụng bộ quy tắc quốc tế vì quy trình sản xuất tiêu an toàn và kỹ thuật thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu, hỗ trợ nông dân phân tích đất, nước, dự báo lượng mưa ảnh hưởng đến cây tiêu, những hỗ trợ tích cực của địa phương và cơ quan chức năng đã lan tỏa ngày càng sâu rộng đến nông dân, từ chỗ sản xuất theo kinh nghiệm, nông dân huyện Xuyên Mộc ngày càng hạn chế sử dụng phân bón hóa học, chú trọng dùng phân hữu cơ vi sinh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép để phòng bệnh cho cây tiêu.

Chuyển dịch dần theo hướng ứng dụng cao, huyện Xuyên Mộc đã có trên 500 ha tiêu được chứng nhận theo tiêu chuẩn Viet Gap, Global Gap xanh, đây được coi là vé thông hành cho tiêu Xuyên Mộc vươn xa ra thị trường thế giới. Đặc biệt với sự thành công bước đầu của dự án phát triển hồ tiêu bền vững Việt Nam đang triển khai tại huyện Xuyên Mộc, năm 2018, Công ty Harris Freeman tiếp tục thẩm định và cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn cho 100 ha tiêu còn lại trong dự án, nâng tổng số diện tích tiêu đạt chuẩn quốc tế của huyện Xuyên Mộc lên trên 600 ha.

Từ nền tảng ứng dụng các quy trình trồng tiêu sạch, an toàn, huyện Xuyên Mộc đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng vùng chuyên canh hồ tiêu công nghệ cao với quy mô khoảng 1.900 ha, xác định nông nghiệp công nghệ cao là xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải tập hợp, phát huy được sức mạnh liên kết của bốn nhà, nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp nên trước mắt huyện Xuyên Mộc đang xây dựng các chính sách thu hút, đãi ngộ nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tại Xuyên Mộc.

Với quyết tâm đưa cây hồ tiêu trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc xây dựng cánh đồng lớn trồng hồ tiêu cũng như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hồ tiêu đã, đang và sẽ đưa thương hiệu hồ tiêu Bà Rịa – Vũng Tàu vươn xa.

Nguồn: VITIC

Liên kết website