Trước thực trạng đó, tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa mặt hàng nông sản này vào danh mục xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, hạn chế tình trạng buôn bán qua tiểu ngạch thiếu ổn định, dẫn đến điệp khúc “được mùa mất giá” như hiện nay.
Khoai lang – một trong những cây trồng chủ lực huyện Bình Tân, Vĩnh Long
Khoai lang là cây màu đặc sản của xứ rẫy Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) với chất lượng thơm ngon nổi tiếng, nhờ tay nghề của người trồng và phù hợp với thổ nhưỡng. Các giống khoai phổ biến là khoai lang trắng giấy, trắng sữa, bí đường, bí nghệ và tím Nhật. Thời vụ khoai lang trồng quanh năm nhưng tập trung nhiều trong mùa nắng từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm. Đặc biệt, khoai lang trồng ở vùng này thường rất ngon, có vị ngọt, dẻo và thơm, được thị trường ưa chuộng. Hiện năng suất khoai lang tại Bình Tân đã đạt đến ngưỡng cao, nên nếu muốn tăng năng suất cần đầu tư nhiều vào công tác giống. Năng suất khoai lang bình quân 30 tấn/ha (giống khoai tím Nhật). Chủ yếu sản lượng khoai lang tập trung nhiều vào vụ Đông Xuân nhờ thuận lợi cho sản xuất, năng suất đạt cao và có giá bán khá cao so với các vụ khác trong năm.
Khoai lang là mặt hàng quan trọng của tỉnh Vĩnh Long
Hiện nay thương hiệu khoai lang Bình Tân đã nổi tiếng trên thị trường. Việc khai thác thương hiệu đã được doanh nghiệp Nhật Thành, HTX Khoai lang Tân Thành và HTX Khoai lang Thành Đông thực hiện.
Ở Bình Tân đã thành lập được 2 HTX, trong đó, HTX Khoai lang Thành Đông có tổng diện tích sản xuất 15ha, mỗi vụ cung ứng cho thị trường hơn 300 tấn khoai đạt tiêu chuẩn an toàn. HTX được Viện Nghiên cứu rau quả đầu tư một kho lạnh với sức chứa hơn 2 tấn/ngày. HTX Khoai lang Tân Thành có diện tích sản xuất 7ha, mỗi ngày cung ứng cho thị trường 35 tấn khoai. Hiện HTX cũng đã xây dựng 1 kho chứa 450m2, có thể chứa 200- 300 tấn khoai mỗi năm.
Riêng doanh nghiệp Nhật Thành là công ty kinh doanh khoai lang tư nhân đang cung ứng sản phẩm khoai lang tươi cũng như đang chào bán các dạng sản phẩm khoai lang khác như bột khoai lang, rượu khoai lang, tinh bột khoai lang, bánh khoai lang…
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bình Tân và TX Bình Minh còn có hơn 40 điểm thu gom khoai lang để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Do thị trường xuất khẩu ưa chuộng giống khoai lang tím Nhật, vì vậy cơ cấu giống tập trung nhiều vào giống khoai này, chiếm 80% diện tích xuống giống, còn lại 20% phân bố cho các giống khoai địa phương khác như trắng giấy, trắng sữa, bí đường,… những giống này chủ yếu phục vụ cho thị trường trong nước.
Nơi đây đã ứng dụng nhiều phương pháp canh tác cải tiến sản xuất khoai lang theo quy trình GlobalGAP,… sản phẩm từ mô hình mang lại luôn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và lợi nhuận luôn cao hơn bên ngoài mô hình từ 1,5- 2 lần do giảm lượng phân bón, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật và có nhiều sản phẩm khoai đạt tiêu chuẩn loại I.
Đây là mô hình được xây dựng trên cơ sở thực hiện dự án xây dựng vùng nguyên liệu rau, củ, quả của tỉnh Vĩnh Long.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bình Tân, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện xác định khoai lang vẫn là loại màu chủ lực, vì vậy mỗi năm địa phương phấn đấu ổn định diện tích từ 10.500- 11.000ha.
Diện tích khoai lang được phân bổ tập trung tại các xã như: Thành Lợi, Thành Đông, Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Lược, Tân An Thạnh và một phần của 2 xã Mỹ Thuận, Nguyễn Văn Thảnh.
Từ đó, tiếp tục mở rộng phần diện tích còn lại trên địa bàn 2 xã Mỹ Thuận và Nguyễn Văn Thảnh, tăng cường áp dụng các biện pháp chống thoái hóa giống để duy trì ổn định năng suất, hướng dẫn nông dân thâm canh tiên tiến giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Giá khoai lang giảm sâu
Từ tháng 10/2018 đến nay, giá khoai lang tím Nhật ở tỉnh Vĩnh Long (địa phương có diện tích khoai lang lớn nhất vùng ĐBSCL) xuống rất thấp, thay vì từ 800.000 đến 1 triệu đồng/tạ, nay chỉ còn khoảng 200.000 đồng/tạ. Tình hình trên khiến người dân và các hợp tác xã (HTX) sản xuất khoai lang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo người dân nơi đây, khoai lang của địa phương chủ yếu là giống tím Nhật, loại này chủ yếu chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhiều năm qua, giá cả có lên xuống nhưng chưa bao giờ thấp như hiện nay.
Giá bán thấp trong khi giá thành sản xuất khoai lang hiện nay rất cao do các khâu sản xuất đều làm thủ công, giá thuốc bảo vệ thực vật tăng, chi phí thuê lao động cũng tăng... Vì vậy, để người dân có lãi, khoai lang phải có giá từ 500.000 đồng/tạ trở lên, như vậy với mức giá bán như hiện nay, người nông dân bị lỗ nặng.
Thực tế là do khoai lang ở tỉnh Vĩnh Long nói riêng, ở ĐBSCL nói chung chủ yếu xuất khẩu biên mậu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa tháng 9 vừa qua, nhiều đối tác mua hàng nước bạn thông báo ngừng mua khoai lang. Do đó, các doanh nghiệp và HTX tranh thủ đóng hàng số lượng khoai đã mua để đưa đi và tạm ngưng mua số lượng khoai mới. Trong khi đó, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Tân, đến ngày 30/10/2018, diện tích khoai lang xuống giống của toàn huyện là trên 13.900ha, thu hoạch mới được 254ha, hiện còn trên đồng 2.661ha chưa thu hoạch. Điều này càng tạo áp lực cho giá khoai lang giảm.
Giá khoai lang đang ở mức thấp, người trồng cầm chắc lỗ
Có thể thấy, tình trạng buôn bán tiểu ngạch được các chuyên gia chỉ ra là thiếu ổn định, bấp bênh, dẫn đến điệp khúc “được mùa mất giá” diễn ra liên tục. Không ít mùa vụ nông dân ở Vĩnh Long phải bỏ ruộng vì trồng khoai thua lỗ, nhiều nông hộ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Trước thực trạng trên, ngày 30/10, UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, cơ quan này đã có bản gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị bổ sung mặt hàng nông sản khoai lang của tỉnh Vĩnh Long vào danh mục hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Qua đó, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần thực hiện thành công mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh…
Theo nhận định, bên cạnh việc đưa khoai lang vào danh mục hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, địa phương cũng cần đưa ra nhiều giải pháp khác có tính thiết thực hơn như nghiên cứu phương pháp bảo quản, tồn trữ và chế biến khoai lang cho vùng sản xuất khoai lang tập trung với diện tích lớn nhất của tỉnh hay ngoài việc tìm kiếm và ký kết hợp đồng xuất khẩu với các thị trường truyền thống, huyện Bình Tân cần chú ý đến các thị trường mới cũng như khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư chế biến sản phẩm từ khoai lang về với địa phương này. Bởi yêu cầu về chất lượng sản phẩm, sự đa dạng về sản phẩm đang là những yêu cầu chính của các thị trường xuất khẩu, cùng với đó, việc đa dạng hóa thị trường không chỉ diễn ra đối với mặt hàng khoai lang mà cả đối với những mặt hàng khác, tránh tình trạng quá phụ thuộc vào một thị trường, bị thương lái ép giá...
Nguồn: VITIC