Thứ Sáu, 25/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ trái cam của Việt Nam thời gian tới

Trong vài năm trở lại đây, nhờ thấy được lợi ích từ việc trồng cam nên nhiều tỉnh thành trên cả nước đã mở rộng diện tích trồng cam. Trong 5 năm (từ 2012 đến 2017), bình quân mỗi năm, sản lượng và diện tích trồng cam đều tăng từ 8% đến 16%. Một số địa phương có diện tích cam đang tăng cao so với quy hoạch, kế hoạch sản xuất đến năm 2020 là: Hà Giang tăng hơn 3.000 ha, Bắc Giang tăng hơn 1.200 ha, Hà Tĩnh tăng hơn 1.900 ha.

Diện tích trồng cam tăng mạnh, đi liền với đó là những hệ lụy như sản lượng tăng mạnh trong khi nhu cầu ổn định đã khiến giá cam giảm; Việc trồng cây cam ồ ạt, tự phát dẫn đến phá vỡ quy hoạch, khó kiểm soát, tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh lây lan… Nhằm hạn chế tình trạng phát triển “nóng” cây cam ở một số tỉnh, nhất là vùng không phù hợp, không trong quy hoạch, các địa phương cần duy trì quy mô diện tích hiện có ở vùng trồng thích hợp, phù hợp thị trường tiêu thụ, thông qua tuyên truyền cho người sản xuất và biện pháp quản lý trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cam hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung tại các vùng có điều kiện đầu tư thâm canh.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ cam trên cả nước thời gian qua

Về sản xuất

Trong vài năm trở lại đây, nhờ thấy được lợi ích từ việc trồng cam nên nhiều tỉnh thành trên cả nước mở rộng diện tích trồng cam.

Tại Hà Giang, cam Sành là loại cây ăn quả đặc sản của Hà Giang và được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Tính đến cuối năm 2017, tổng diện tích cam Sành của Hà Giang đạt trên 8.387 ha, trong đó có trên 4.500 ha cho thu hoạch và sản lượng ước đạt 48 nghìn tấn.

Cam sành Hà Giang bước vào giai đoạn chín và thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch của năm sau. Trong vụ cam của niên vụ 2017 – 2018, theo ước tính, tổng thu nhập của các hộ trồng cam tại 3 huyện vùng cam của Hà Giang đạt doanh thu gần 850 tỷ đồng.

Tại Hòa Bình, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, năm nay sản lượng cam của toàn tỉnh Hòa Bình khoảng gần 10 vạn tấn. So với các năm trước, sản lượng đã tăng lên rất nhiều. Năm 2017 – 2018, cả huyện Cao Phong có hơn 1.230 ha cam, sản lượng ước tính trong kỳ thu hoạch ước đạt 33.000 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với năm ngoái. Giá cam bán tại vườn dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg tùy loại cam xấu, đẹp. Thị trấn Cao Phong là khu vực có số hộ và diện tích trồng cam lớn nhất toàn huyện với 452.6 ha đang trong thời kỳ thu hoạch, tính đến thời điểm hiện tại lượng tiêu thụ của thị trấn Cao Phong chiếm khoảng 40% của lượng tiêu thụ toàn huyện. Hiện nay có một số giống cam Cao Phong cho thu hoạch kéo dài 9 tháng trong năm.

Tại Hà Tĩnh, cam được trồng nhiều tại huyện Hương Khê, thời điểm này sắp vào vụ thu hoạch cam Khe Mây. Năm nay, diện tích trồng cam của Hương Đô hiện khoảng hơn 360 ha, số diện tích cho thu hoạch hơn 200 ha với các loại cam chanh, cam sành, cam bù. Ước tính mỗi ha cam cho năng suất dao động từ 9,5 - 10 tấn/ha. Hộ trồng cam ít nhất khoảng 3 sào và hộ nhiều nhất khoảng 6 ha, thu nhập bình quân từ trồng cam dao động 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/hộ/vụ.

Tại huyện Trà Ôn, Vĩnh Long, hiện có trên 2.478 ha cam sành đang cho trái, ước tính lợi nhuận mùa thuận từ 120- 150 triệu đồng/ha, mùa nghịch đạt 300- 350 triệu đồng/ha. Riêng diện tích thâm canh cam sành trên đất lúa là 2.576 ha, nâng tổng số diện tích cam sành toàn huyện là 3.812 ha, tập trung nhiều ở các xã Vĩnh Xuân, Thuận Thới, Thới Hòa, Hựu Thành; trong đó có 51 ha được trồng theo mô hình cam sành sạch tại xã Tân Mỹ của HTX Nông nghiệp cam sành Organic Trà Ôn…

Việc trồng cam trong thời gian qua đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ dân và là cây chủ lực phát triển kinh tế ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, hiện nay việc trồng loại cây này đang tiềm ẩn nguy cơ vỡ quy hoạch khi diện tích tăng lên theo từng năm.


Diện tích trồng cam cả nước tăng mạnh

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo định hướng đến năm 2020, cả nước sẽ có gần 90 nghìn ha cam, nhưng đến hết năm 2017, diện tích đã đạt hơn 90 nghìn ha, với sản lượng 772 nghìn tấn. Trong 5 năm (từ 2012 đến 2017), mỗi năm sản lượng và diện tích trồng cam đều tăng từ 8% đến 16%. Một số địa phương có diện tích cam đang tăng cao so với quy hoạch, kế hoạch sản xuất đến năm 2020 là: Hà Giang tăng hơn 3.000 ha, Bắc Giang tăng hơn 1.200 ha, Hà Tĩnh tăng hơn 1.900 ha.

Diện tích trồng cam tăng mạnh, đi liền với đó là những hệ lụy như sản lượng tăng mạnh trong khi nhu cầu ổn định đã khiến giá cam giảm; Việc trồng cây cam ồ ạt, tự phát dẫn đến phá vỡ quy hoạch, khó kiểm soát, tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh lây lan…

Về tiêu thụ

Thị trường tiêu thụ cam vẫn chủ yếu là thị trường trong nước. Cam thu hoạch tại các tỉnh phía Bắc chủ yếu cung cấp cho các thương lái trong tỉnh và các tỉnh lân cận, ngoài ra, hiện cam của một số tỉnh phía Bắc đã được đưa vào khu vực phía Nam để tiêu thụ.

Điển hình, cam huyện Hàm Yên, Tuyên Quang chủ yếu cung cấp cho các thương lái trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Vĩnh Phúc… đến thu mua ngay tại vườn.

Niên vụ 2018, toàn huyện Hàm Yên có 7.175 ha cam, trong đó diện tích cho thu hoạch 4.557 ha, năng suất bình quân ước đạt 180 tấn/ha, sản lượng ước đạt 82.000 - 85.000 tấn quả, tăng so với năm ngoái khoảng 15.000 tấn quả.

Đối với cam sành Hà Giang, trước việc nguồn cung cam trên thị trường các tỉnh phía Bắc rất lớn, ngoài việc bán cho các thương lái trong tỉnh và các tỉnh lân cận, Hà Giang đang đẩy mạnh tiêu thụ cam sành của tỉnh vào 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh việc tiêu thụ cam qua các thương lái tại vườn như cách làm truyền thống, hiện nay người dân trồng cam ở nhiều địa phương đã chủ động tìm đến khách mua lẻ thông qua mạng xã hội Facebook, các diễn đàn… để tránh chi phí trung gian. Đây cũng là một trong những giải pháp tiêu thụ trong thời đại công nghiệp 4.0 đã được nhiều nước trên thế giới vận dụng và thành công, điển hình là các sàn thương mại điện tử tại Trung Quốc.

Đáng chú ý, ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước, trái cam cũng đã và đang được các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 1,18 triệu USD cam tươi và các sản phẩm từ cam, tăng 41,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm chế biến từ cam (chiếm khoảng 95%). Đáng chú ý, xuất khẩu sản phẩm chế biến từ cam tăng mạnh trong 10 tháng năm 2018, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2017, trái lại xuất khẩu trái cam tươi giảm 7,7%. Có thể thấy, tỷ trọng xuất khẩu trái cam tươi của Việt Nam có xu hướng giảm từ 7,76% trong 10 tháng năm 2017 xuống còn 5,05% trong 10 tháng năm 2018, thay vào đó tỷ trọng sản phẩm chế biến từ cam tăng lên từ 92,2% trong 10 tháng năm 2017 lên 95% trong 10 tháng năm 2018.

Giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ trái cam của Việt Nam thời gian tới

Hiện nay, diện tích trồng cam và sản lượng đang tăng nhanh, nhưng thị trường tiêu thụ chính là trong nước. Cam được sử dụng chủ yếu là quả tươi, phục vụ nhu cầu dinh dưỡng, giải khát, giá trị xuất khẩu lại không đáng kể.

Mặc dù, năng suất cam ở nước ta những năm gần đây tăng liên tục, bình quân đạt hơn 12 tấn/ha, nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ bằng 70% so với thế giới và bằng 63% so với các nước khu vực Đông Nam Á.

Việc sản xuất hiện nay chủ yếu sử dụng các giống cam địa phương. Những loại này thường nhiều hạt, khó xuất khẩu; hay bị sâu, bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như tốn nhiều chi phí đầu tư, chăm sóc.

Tình trạng cam được trồng với mật độ dày, lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật đã và đang diễn ra tại nhiều nơi làm ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm sản phẩm cam;

Công nghiệp chế biến sản phẩm từ cam chưa nhiều.

Đáng chú ý, việc nông dân tự ý mở rộng diện tích các loại cây trồng, vượt rào quy hoạch sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là, khi quy hoạch bị phá vỡ, diện tích nhân rộng một cách ồ ạt sẽ dẫn đến hậu quả trước mắt là sản lượng tăng đột biến, sản phẩm có nguy cơ rơi vào tình trạng ứ đọng, bị ép giá, không tiêu thụ được. Và điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng” tiếp tục tái diễn mà không có hồi kết. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc những năm qua Nhà nước và nhiều cấp, ngành, tổ chức đã phải tiến hành “giải cứu” các loại nông sản. Ngoài ra, việc tự ý mở rộng các loại cây trồng còn làm mất thương hiệu cho các sản phẩm mang tính chủ lực, được quy hoạch sản xuất. Cụ thể như việc cam Cao Phong (Hòa Bình) vốn là sản phẩm có thương hiệu, được người tiêu dùng cả nước tin tưởng, tuy nhiên tại một số địa phương khác nông dân tự ý trồng giống cam này khiến chất lượng cam kém, khi tiêu thụ tại thị trường thương lái lại mượn mác cam Cao Phong, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu sản phẩm...

Do đó, nhằm hạn chế tình trạng phát triển “nóng” cây cam ở một số tỉnh, nhất là vùng không phù hợp, không trong quy hoạch, các địa phương cần duy trì quy mô diện tích hiện có ở vùng trồng thích hợp, phù hợp thị trường tiêu thụ, thông qua tuyên truyền cho người sản xuất và biện pháp quản lý trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cam hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung tại các vùng có điều kiện đầu tư thâm canh. Đối với diện tích trồng phân tán ở những vùng không phù hợp, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng nâng cao tỷ lệ sử dụng giống mới, có chất lượng, ít hạt hoặc không có hạt; xây dựng cơ cấu giống cam rải vụ thu hoạch, tạo thuận lợi cho tiêu thụ, chế biến; xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người sản xuất nhằm giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng. Tuyên truyền, vận động nông dân tự nguyện tham gia hình thức hợp tác liên kết sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh liên kết địa phương, vùng, miền trong sản xuất rải vụ thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm; Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với người sản xuất, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.

Nguồn: VITIC

Liên kết website