Hành tăm (hay còn gọi là củ nén) là loại hành phổ biến ở các tỉnh miền Trung như là Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi... Hành tăm có củ trắng to bằng ngón tay út hay hạt ngô. Mùi thơm của Hành tăm rất mạnh, ăn không quen sẽ thấy hăng hơn nhiều so với hành lá và hành củ tím. Khi nấu nướng thì hành tăm được sử dụng thay thế cho hành tím thông thường, mùi vị rất thơm ngon.
Hành tăm (hay còn gọi là củ nén)
Thu lãi gần 300 triệu đồng/ha, Hà Tĩnh khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng Hành tăm
Thiên Lộc là địa phương có diện tích trồng cây hành tăm lớn nhất huyện Can Lộc, và là địa phương có lợi thế đất cát pha rất hợp với cây hành tăm. Trừ thôn Đoàn Kết ở gần Quốc lộ 1, còn lại 9/10 thôn đều sản xuất hành tăm. Trong đó nhiều nhất là ở các thôn: Hoà Thịnh, Trường Lộc, Đông Nam, Thiên Hương, Tân Thượng.
Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua, xã Thiên Lộc đã vận động người dân tiếp tục chuyển đổi một số diện tích trồng cây màu kém hiệu quả chuyển sang trồng hành tăm. Cùng với đó, từ mục tiêu đưa cây hành tăm trở thành rau màu chủ lực trong phát triển nông nghiệp của địa phương, xã Thiên Lộc đang tiếp tục vận động người dân mở rộng các diện tích đất cao cưỡng để trồng hành tăm.
Từ năm 2014 toàn xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đưa vào trồng thử nghiệm 50 ha cây hành tăm. Sau 4 vụ trồng hành tăm, trung bình mỗi ha hành tăm cho thu nhập 170 triệu đồng, mỗi sào hành tăm thu hoạch trên 8 triệu đồng (gấp 4 lần trồng lúa). Với kinh nghiệm trồng hành tăm là “tháng 7 thì ra tháng 3 thu về”, vụ Hành năm 2018, toàn xã Thiên Lộc trồng mới thêm 30 ha, nâng tổng diện tích trồng hành tăm toàn xã lên 150ha, chủ yếu là diện tích cao cạn không chủ động nguồn nước. Như vậy, sau gần 5 năm trồng đại trà ở Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), hành tăm đã trở thành cây hoa màu chủ lực và ngày càng khẳng định được hiệu quả kinh tế trên đồng đất địa phương.
Là giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên nông dân Thiên Lộc rất chăm lo chuẩn bị đất canh tác hành. Hàng năm, sau khi thu hoạch đậu và dưa non, đầu tháng 5, người dân đi lấy lá thông rụng hoặc rơm để phủ lên đất. Theo kinh nghiệm những hộ dân trồng hành tăm lâu năm, việc sử dụng lá thông để phủ lên luống, làm giảm chi phí, chống được thời tiết nóng, lạnh, nâng đỡ cây non phát triển tốt, tránh được côn trùng, sâu bệnh gây hại cây trồng và là nguồn bổ sung dinh dưỡng phân hữu cơ cho cây hành phát triển tốt, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm. Sang tháng 6 thì bắt đầu làm đất, bón phân và xuống giống. Ngoài ra, trong quá trình sinh trưởng của hành tăm, người dân cũng thường xuyên phải theo dõi thời tiết để lựa chọn phương pháp chăm sóc cây theo kinh nghiệm đã tích luỹ được.
Hành tăm vừa sử dụng lá vừa sử dụng củ để làm gia vị nên người nông dân cũng lựa chọn nhiều cách canh tác. Có hộ lựa chọn gieo giống dày đến khoảng tháng 7, tháng 8 bắt đầu thu hoạch tỉa hành tươi để bán; có hộ lại lựa chọn đúc theo khóm thưa ngay từ đầu để thu hoạch tập trung vào cuối vụ. Có hộ lựa chọn gieo giống dày đến khoảng tháng 11, tháng 12 bắt đầu tỉa hành tươi để bán. Thời điểm hiện tại, bà con nông dân xã Thiên Lộc đang bán tỉa cây hành tăm, giá bán hiện tại 60 nghìn đồng/kg, đầu thời vụ giá bán khá cao từ 80 – 90 nghìn đồng/kg. Việc tỉa cây bán là để vừa tỉa bớt và có cho thu nhập hàng ngày, còn lại để lấy củ vì bán củ cho thu nhập cao hơn, giá bán hành củ tùy vào thời vụ dao động khoảng từ 60 - 150 nghìn đồng/kg. Trước đó đã từng có thời vụ giá bán hành tăm lên đến 200 nghìn đồng/kg củ.
Hành tăm Thiên Lộc nay là thương hiệu uy tín trên thị trường gia vị ở tỉnh cũng như các tỉnh lân cận. Với chất lượng ổn định, đều, hành tăm Thiên Lộc bán được giá hơn so với hành tăm được thương lái nhập về từ miền Nam. Nhu cầu của thị trường và sự dễ tính của cây hành tăm là yếu tố để người dân yên tâm mở rộng diện tích sản xuất.
Hành tăm Thiên Lộc không chỉ cung cấp cho thị trường nội tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh lân cận. Hiện nay, xã đang tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hành tăm của xã. Theo đó, thời gian tới, hành tăm Thiên Lộc sẽ có sự thay đổi và phát triển cả về quy mô và chất lượng, giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc dễ hơn và tăng tính cạnh tranh trên thị trường gia vị.
Có thể thấy cây hành tăm bước đầu đã mang lại hiệu quả cao cho người dân Thiên Lộc và trở thành rau màu chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây hành tăm mang lại, huyện Nghi Xuân cũng mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng kém hiệu quả sang trồng hành tăm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
Cây hành tăm xuất hiện rải rác tại các xã Xuân Mỹ, Cổ Đạm, Xuân Thành... và được trồng nhiều nhất tại Xuân Giang với diện tích 15 ha. Trong đó, tập trung tại 2 thôn Hồng Tiến, Hồng Khánh. Hành tăm chịu được hạn nên có thể tận dụng trồng ở những chân ruộng không có nước. Thời gian sinh trưởng khoảng 4 - 5 tháng, trong khi vốn đầu tư ít.
Theo tính toán, mỗi sào hành tăm chỉ trồng hết khoảng 5 kg giống, mỗi hốc cần 1 củ hành nhỏ, khi thu hoạch mỗi hốc cho gần 1 bát con củ. Nếu hành phát triển tốt, sẽ cho năng suất 5 tạ/sào. Với giá 30 ngàn đồng/kg, mỗi ha sẽ thu lợi 240 triệu đồng.
Nếu làm phép so sánh, hiệu quả kinh tế từ trồng hành tăm cao gấp 3 lần trồng lạc. Tuy vậy, thu hoạch hành tăm lại là công việc hết sức vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và chịu khó khi người trồng phải tự tay đào bới từng hốc thật khéo léo để thành phẩm thu về được nẩy tròn, hạt chắc. Hiện nay, ở Xuân Giang, hành tăm được thương lái trực tiếp thu mua tại ruộng và phân phối về các điểm chợ ở TP. Vinh (Nghệ An).
Kể từ khi UBND huyện có chủ trương chuyển đổi cây trồng kém hiệu, nhiều hộ gia đình ở huyện cũng mạnh dạn đưa hành tăm vào trồng thử nghiệm. Điểm thuận lợi là người dân tại đây có thể ủ hành tăm giống tại chỗ, không phải nhập từ nơi khác. Qua nhiều vụ thu hoạch, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ loại cây này vượt ngoài mong đợi, nhiều hộ gia đình đã mở rộng diện tích. Để đạt sản lượng cao, phải làm sạch cỏ; xới đất tơi, mịn và tranh thủ gieo trồng khi đất còn khô ráo. Từ tháng 11 dương lịch hàng năm, bà con nông dân bắt đầu cày đất, làm sạch cỏ, dùng cào thưa rạch rãnh để trỉa hạt đều hàng. Sau đó, phải tiến hành phủ lớp trấu, rơm và lá thông để giữ độ ẩm cho cây phát triển, tạo đất tơi xốp cho củ to đẹp.
Thực hiện lộ trình đưa cây hành tăm trở thành rau màu chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, UBND xã Đậu Xuân đang tập trung tìm kiếm thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Tuy nhiên, cũng lưu ý người dân không nên mở rộng diện tích trồng hành bởi việc tìm đầu ra phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan như sở thích vùng miền, nhu cầu thị trường.
Cấp giấy chứng nhận VietGap là tiền đề để Nghệ An xây dựng thương hiệu, quảng bá mở rộng tiêu thụ sản phẩm hành tăm
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc – Nghệ An, toàn huyện có 150 ha trồng hành tăm, tập trung nhiều ở xã Nghi Lâm và Nghi Thuận; năng suất xấp xỉ 7 tạ/sào. Theo thời vụ, khoảng giữa tháng 2 âm lịch sẽ thu hoạch rộ. Thế nhưng, những ngày áp Tết Nguyên Đán, tư thương đã bắt đầu thu mua hành tăm với giá cao đến 55.000 - 60.000 đồng/kg. Nếu giá ổn định, mỗi sào hành tăm cho thu nhập 14 -15 triệu đồng.
Hành tăm là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian sinh trưởng chỉ 6 tháng, trong khi chi phí giống và chăm sóc ít. Mức thu nhập này cao gấp 3 đến 4 đến lần trồng lúa, ngô. Ngoài Nghi Lộc, một số huyện khác như Đô Lương; Nam Đàn cũng đang phát triển mạnh về cây hành.
Đầu năm 2018, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nghệ An tổ chức cấp Giấy chứng nhận VietGap cho sản phẩm hành tăm của địa phương.
Mô hình trồng hành tăm theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) được Chi cục Quản lý Nông lâm sản và Thủy sản Nghệ An phối hợp với UBND xã Nghi Lâm xây dựng tại xứ đồng Cắt Sắt, Giáp Cận với tổng diện tích 17 ha. Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nghệ An đã hướng dẫn 150 hộ dân tham gia mô hình thực hiện theo quy trình VietGap từ khâu sản xuất đến thu hoạch và sơ chế.
Từ cuối năm 2017, kết quả phân tích mẫu sản phẩm hành tăm cho thấy hành tăm của mô hình đạt tiêu chuẩn VietGap. Ngày 25/12/2017, Trung tâm chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 1 đã có Quyết định số 569/QĐ-TTCL1 về việc cấp Giấy chứng nhận VietGap cho HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nghi Lâm chứng nhận sản phẩm hành tăm sản xuất tại xứ đồng Cắt Sắt, Giáp Cận xã Nghi Lâm, diện tích 17 ha, sản lượng 272 tấn/năm được sản xuất phù hợp Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn tại Việt Nam.
Như vậy, trong thời gian hiệu lực chứng nhận, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nghi Lâm có trách nhiệm duy trì áp dụng VietGap và chịu sự giám sát của Trung tâm chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 1, định kỳ 12 tháng/lần và đánh giá đột xuất theo quy định của pháp luật.
Tới đây, HTX sẽ làm quy trình cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; giúp HTX tìm cơ sở kho lạnh nhận bảo quản sản phẩm hành tăm khi cây trồng này thu hoạch rộ, chưa tiêu thụ kịp trên thị trường. Đồng thời, liên hệ và kết nối 25 cơ sở kinh doanh ở thành phố Vinh nhận bao tiêu một phần sản phẩm hành tăm VietGap của nhân dân xã Nghi Lâm.
Hành tăm xã Nghi Lâm được cấp Giấy chứng nhận VietGAP là tiền đề để địa phương xây dựng thương hiệu, quảng bá mở rộng tiêu thụ sản phẩm này trên thị trường.
Nguồn: VITIC