Hiện có 46 giống xoài được trồng ở Việt Nam, trong đó các giống trồng thương mại bao gồm xoài cát Hoà Lộc, xoài Cát Chu, xoài Hòn, xoài Xiêm núm, xoài Bưởi, xoài Cát bồ, xoài Thanh ca, xoài Canh nông, xoài Yên Châu…
Xoài cát Hòa Lộc – giống xoài nổi tiếng nhất tại ĐBSCL
Xoài Cát Hoà Lộc là một trong những giống xoài nổi tiếng nhất của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giống xoài này được trồng đầu tiên tại xã Hoà Hưng – huyện Cái Bè – tỉnh Tiền Giang. Xoài cát Hòa Lộc là loại trái cây đặc sản nổi tiếng của vùng ĐBSCL, được ưa chuộng bởi màu sắc hấp dẫn, mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Xoài này được xếp vào loại ngon nhất và có giá cao nhất so với các loại xoài khác ở Việt Nam. Thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch 3,5-4 tháng. Giống xoài cát Hoà Lộc có trái to (trọng lượng trung bình 600-700 gr/trái), cơm dày, thịt dẻ, không có xơ, hột nhỏ, hương vị ngọt và rất thơm, cho năng suất trung bình 100kg/cây/năm (khoảng 10 năm tuổi) và khá ổn định. Tuy nhiên giống xoài này cũng có một số nhược điểm là ra hoa không đồng loạt, tỉ lệ đậu trái thấp, vỏ trái mỏng nên khó bảo quản và vận chuyển đi xa. Mỗi trái xoài cát Hòa Lộc có kích thước gần như là đều nhau với trọng lượng mỗi quả dao động từ 350 – 450 gam và có hình khuôn dài.
Xoài cát Hòa Lộc
Xoài Cát Chu
Xoài Cát Chu được trồng phổ biến ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, do đặc tính dễ đậu trái và cho năng suất cao trên 400kg/cây/năm (cây khoảng 10 năm tuổi) và khá ổn định. Trọng lượng trung bình khoảng 350g/trái, cơm dày, hột nhỏ, hình thon dài, khi chín vỏ màu vàng nhạt, không xơ và hương vị rất thơm ngon. Đặc biệt, xoài Cát Chu được trồng ở vùng đất Cao Lãnh lại có vị ngọt đậm đà, mang nét đặc trưng riêng mà không nơi nào có được. Đây là loại xoài hiếm hoi được các thị trường quốc tế đặc biệt ưa chuộng nên hơn 80% sản lượng xoài cát chu Cao Lãnh hàng năm để dành cho xuất khẩu.
Xoài Cát Chu
Giống xoài Cát Chu được trồng nhiều nhất ở vùng đất Cao Lãnh, Đồng Tháp. Nằm ven phía Bắc sông Tiền thuộc vùng Đồng Tháp Mười, huyện Cao Lãnh với diện tích đất tự nhiên khoảng 490 km2 (đứng thứ 2 tỉnh Đồng Tháp), trong đó đất nông nghiệp là 410 km2 (chiếm 84,2% diện tích đất tự nhiên của huyện), phần lớn là đất phù sa màu mỡ, rất thích hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, nhất là việc xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái, trong đó phải kể đến Xoài Cát Chu. Diện tích trồng xoài ở huyện Cao Lãnh là 3.695 ha (chiếm 40,2% diện tích xoài toàn tỉnh) trong đó có khoảng 90 ha đang được nhà vườn sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, sản lượng hàng năm trên 37.000 tấn (chiếm gần 50% sản lượng xoài toàn tỉnh).
Từ năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Xoài cát chu Cao Lãnh” và “Xoài Cao Lãnh” cho Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ xoài Mỹ Xương và Tổ hợp tác sản xuất xoài khóm Mỹ Thới, thị trấn Mỹ Thọ. Đến cuối năm 2018, tỉnh Đồng Tháp đang tiến hành lập hồ sơ đăng ký xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài.
Nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Cát Chu Cao Lãnh” là một trong những nhãn hiệu được sự hỗ trợ trong xây dựng, quản lý và phát triển theo Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, là minh chứng cho hiệu quả trong công tác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Qua công tác phát triển nhãn hiệu “Xoài Cát Chu Cao Lãnh” đã góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản của địa phương, liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh trong việc xây dựng, bảo vệ uy tín sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Với sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận đã giúp các nhà vườn yên tâm sản xuất hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập cũng như chống lại các hành vi xâm phạm nhãn hiệu gây tổn hại đến danh tiếng, uy tín vốn có của sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất chân chính.
Tại thị trường nội địa, phần lớn xoài tiêu thụ trong nước được phân phối qua các chợ truyền thống do khoảng 90% người tiêu dùng Việt Nam vẫn mua rau quả ở các chợ này.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu xoài còn khá khiêm tốn. Hiện Việt Nam đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới, nhưng số lượng xuất khẩu vẫn nằm ngoài nhóm 10 nước xuất khẩu xoài lớn nhất.
Theo thống kê sơ bộ, trong 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu xoài đạt 165,7 triệu USD, tăng 50,7% so với 10 tháng đầu năm 2017. Với kết quả này, xuất khẩu xoài đạt kim ngạch lớn thứ 5 trong số các loại quả xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2018, sau các mặt hàng thanh long, sầu riêng, nhãn và măng cụt.
Trong 10 tháng qua Việt Nam đã xuất khẩu xoài và các sản phẩm chế biến từ xoài sang 42 thị trường trên thế giới, song tập trung chủ yếu tại Trung Quốc với tỷ trọng chiếm 83,1% tổng kim ngạch xuất khẩu xoài trong 10 tháng năm 2018, đạt 137,65 triệu USD, tăng 63,4% so với 10 tháng năm 2017. Bên cạnh Trung Quốc, các thị trường xuất khẩu chính hiện nay của Việt Nam là Hàn Quốc (8,3 triệu USD, chiếm 5% tổng xuất khẩu xoài của Việt Nam), Nhật Bản (3,1 triệu USD, chiếm 2%) và Australia (3 triệu USD, chiếm 1,8%).
Tham khảo một số thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu xoài và các sản phẩm chế biến từ xoài cao trong 10 tháng năm 2018
Thị trường |
10 tháng năm 2018 |
So với 10 tháng năm 2017 (%) |
Tỷ trọng 10 tháng (%) |
|
(Nghìn USD) |
(%) |
Năm 2018 |
Năm 2017 |
|
Tổng |
165.717 |
50,7 |
100,0 |
100,0 |
Trung Quốc |
137.651 |
63,4 |
83,1 |
76,6 |
Hàn Quốc |
8.341 |
-11,6 |
5,0 |
8,6 |
Nhật Bản |
3.099 |
-14,2 |
1,9 |
3,3 |
Australia |
3.025 |
-18,6 |
1,8 |
3,4 |
Nga |
1.972 |
287,8 |
1,2 |
0,5 |
Đức |
1.468 |
119,7 |
0,9 |
0,6 |
Mỹ |
1.277 |
112,0 |
0,8 |
0,5 |
Thái Lan |
1.201 |
38,0 |
0,7 |
0,8 |
Hà Lan |
951 |
-10,2 |
0,6 |
1,0 |
Pháp |
841 |
91,7 |
0,5 |
0,4 |
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan
Trong những năm gần đây, xoài Việt Nam đã thâm nhập thành công vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và châu Âu. Trị giá xuất khẩu xoài và giá trị gia tăng của sản phẩm xoài cũng được cải thiện vì các thị trường này đã chấp nhận giá cao. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nhà máy xử lý chiếu xạ và nước nóng dựa trên đáp ứng yêu cầu của thị trường nghiêm ngặt. Ở Việt Nam, có hai nhà máy xử lý chiếu xạ bao gồm An Phú (tại Bình Dương và Vĩnh Long) và Sơn Sơn (TP.HCM) và hai nhà máy xử lý bằng nước nóng của Công ty Yasaka (Bình Dương) và Công ty Goodlife (TP HCM). Hầu hết các nhà xuất khẩu nhận thức được vai trò của quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, vì vậy họ đã đầu tư vào bao bì và chế biến cũng như để đạt được các chứng nhận GlobalGAP, VietGAP, BRC, HACCP… Công ty Hatchendo ở TP. Hồ Chí Minh đã trực tiếp liên kết với hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc để sản xuất “xoài cắt lát đông lạnh” nhằm xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông.
Tuy nhiên, so với tiềm năng tiêu thụ thì hiện kim ngạch xuất khẩu xoài còn khá khiêm tốn. Hiện Việt Nam đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới, nhưng số lượng xuất khẩu vẫn nằm ngoài nhóm 10 nước xuất khẩu xoài lớn nhất.
Những khó khăn trong việc xuất khẩu xoài
Xoài cát Hoà Lộc là xoài chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, xoài cát Hòa Lộc sản lượng quá ít, giá thành cao. Một vài vùng xây dựng mô hình GlobalGAP, VietGAP, nhưng việc tiêu thụ vẫn gặp khó, nhiều mô hình đang bế tắc vì chi phí đạt chứng nhận cao, giá bán không tương xứng.
Xoài cát Hòa Lộc quá đắt khi bán trên thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu. Trong khi, xoài Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… chỉ có giá từ 20.000-30.000 đồng/kg; còn xoài cát Hòa Lộc lại có giá từ 50.000-90.000 đồng/kg. Trái xoài của các nước giá thấp, độ đồng đều cao, trái lớn vừa phải và rất dễ ăn. Xoài cát Hòa Lộc giá cao, thường dư nước, trái to… vì vậy người dân một số nước không chuộng…
Ngoài ra, ở Việt Nam dù xoài Cát Hòa Lộc được đánh giá ngon, dạng trái đẹp, vỏ vàng, mỏng nhưng thị hiếu tiêu dùng các nước nhập khẩu là thích xoài có vỏ từ vàng đến đỏ như vỏ táo tây, thế nên các giống xoài từ Australia, Israel… có màu vỏ bắt mắt hơn. Xoài cát Hòa Lộc năng suất kém, thịt mềm, thời gian tồn trữ ngắn, vỏ mỏng nên chuyên chở, bảo quản kém hơn.
Đối với xoài Việt Nam, người dân chỉ trồng chuyên canh tại một số địa phương, còn lại 95% diện tích xoài là vườn cây hỗn hợp (trồng chung với cây khác). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất thấp, tuy sản lượng xoài đạt khá hơn nhưng xoài cùng kích cỡ, màu sắc, trọng lượng rất ít nên chỉ tiêu thụ trong nước, việc xuất khẩu không đáng kể. Ngoài ra còn có thực trạng cây giống kém, chất lượng không cao, tiêu thụ khó. Một hạn chế nữa là canh tác xoài hiện nay còn sử dụng nhiều phân hóa học, ít dùng phân hữu cơ. Thuốc bảo vệ thực vật dùng nhiều loại, nhà vườn có thể sử dụng 8-10 loại thuốc phun.
Các tỉnh có lợi thế phát triển xoài theo hướng hàng hóa lớn theo tiêu chuẩn VietGAP như Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Khánh Hòa… cần xác định vùng trồng, tổ chức nghiên cứu, so sánh các giống xoài nhập nội để chọn giống phù hợp, đồng thời loại bỏ những giống không nên trồng. Xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh, quy trình xử lý ra hoa trái vụ, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến… từ đó phổ biến rộng cho từng nhà vườn.
Trong khi đó, mặc dù đã được cấp phép nhưng để có thể đẩy mạnh xuất khẩu xoài sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật..., các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Để vào được Mỹ, xoài Việt Nam phải đáp ứng 3 yêu cầu cơ bản gồm, vùng trồng phải đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ và phải được cấp mã số (phía Mỹ ủy quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng); đơn vị thực hiện đóng gói sản phẩm được Mỹ chứng nhận đáp ứng yêu cầu và được cấp mã số đóng gói; cuối cùng là nhà máy chiếu xạ phải được phía Mỹ chứng nhận. Hàng năm Mỹ nhập khẩu khoảng gần 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ như Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatamala để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Xoài nội địa của Mỹ chủ yếu được trồng tại bang Florida và Hawaii cùng một lượng nhỏ tại bang California và Texas.
Như vậy, tiềm năng của quả xoài Việt Nam vào thị trường Mỹ là rất lớn. Hiện sản lượng xoài trồng ở Mỹ mỗi năm chỉ được khoảng 3.000 tấn, bằng 1/100 số lượng phải nhập khẩu mỗi năm. Trong khi đó, chất lượng xoài của Việt Nam không thua kém các nước ở Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Đối với thị trường Nhật Bản, xoài của Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản kể từ ngày 17/9/2015, tuy nhiên xoài Việt Nam đang có xu hướng giảm tiêu thụ tại thị trường Nhật dù được đánh giá là thơm ngon hơn xoài nước khác. Nguyên nhân là do xoài Việt Nam khó cạnh tranh về giá tại Nhật so với xoài của nhiều nước khác, nhất là Thái Lan, vì thời gian bảo quản chưa dài, chi phí vận chuyển cao. Xuất khẩu xoài Việt Nam sang Nhật Bản, nếu đi đường hàng không từ TP. Hồ Chí Minh sẽ mất hơn 5 giờ, thời gian vận chuyển bằng đường biển là gần một tuần. Để giảm giá thành, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chọn vận chuyển xoài bằng đường biển sang Nhật Bản.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn và thực sự có chỗ đứng tại các thị trường khó tính hàng đầu thế giới, Việt Nam cần tiến hành hàng loạt các yêu cầu, tiêu chuẩn bắt buộc như quy hoạch vùng trồng, các nhà máy đóng gói và xử lý. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến việc hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất xoài rải vụ, phát triển các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất xoài theo tiêu chí GAP, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, dự báo nhu cầu thị trường các sản phẩm chủ lực... Đồng thời, địa phương phải tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm thị trường trái cây, quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại.
Nguồn: VITIC