Thứ Bảy, 26/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Vĩnh Phúc hướng đến xuất khẩu thanh long ruột đỏ

Năm 2018, Vĩnh Phúc đã thực hiện thành công việc xuất khẩu quả thanh long ruột đỏ sang Australia, điều này có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, mở ra cơ hội cho nông dân Vĩnh Phúc làm giàu từ cây thanh long ruột đỏ. Lô hàng thanh long ruột đỏ nhập khẩu vào thị trường Australia chỉ là thử nghiệm bước đầu, nhưng sẽ là cơ hội cho người dân Vĩnh Phúc tiếp tục đưa quả thanh long trở thành mặt hàng tiêu dùng được yêu thích tại Australia. Đây không chỉ là tiền đề phát triển sản phẩm thanh long ruột đỏ tại thị trường Australia mà còn là chìa khóa để đưa thanh long ruột đỏ vào Mỹ và châu Âu.

Theo Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Phúc có những bước phát triển khá mạnh. Đặc biệt, trong sản xuất trồng trọt đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Năng suất, sản lượng cây trồng đều tăng cao. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất trồng trọt như: giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác mới, áp dụng cơ giới hóa... ngày càng được nông dân ứng dụng và nhân rộng trong sản xuất.

Vĩnh Phúc đang từng bước hình thành các vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng cao, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa tương đối lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao như dưa chuột An Hòa (Tam Dương), su su Tam Đảo, bí đỏ Vĩnh Tường, thanh long ruột đỏ Lập Thạch...

Nhận thấy cây thanh long ruột đỏ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung phát triển sản xuất với quy mô 300ha tại 5 xã Ngọc Mỹ, Vân Trục, Xuân Hòa, Hợp Lý và Quang Sơn.

Hiện có 100ha cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, với sản lượng từ 1.500 - 2.000 tấn/năm.

Trong giai đoạn 2011-2013, cây thanh long ruột đỏ được phát triển thí điểm tại 3 xã: Vân Trục, Ngọc Mỹ và Xuân Hòa của huyện Lập Thạch trên diện tích 100ha. Sau 7 năm thực hiện dự án, cây trồng này đã khẳng định tính ưu việt: Quả có vị ngọt đậm, thơm hơn một số loại thanh long trồng nơi khác. Đặc biệt, cây có khả năng chịu hạn tốt và phát triển trên các vùng đồi khô cằn, quy trình trồng, chăm sóc tương đối đơn giản. Thời gian cây cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch. Khi quả chín có thể giữ lại trên cây khoảng 20 ngày, sau khi thu hái cũng để được từ 20-25 ngày, rất thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ vậy, trên thị trường, thanh long ruột đỏ dễ dàng tiêu thụ hơn so với các loại quả khác, giá cả ổn định. Do đó, so với cây trồng khác, cây thanh long ruột đỏ mang lại thu nhập, lợi ích kinh tế cao hơn hẳn, trừ chi phí, lợi nhuận đạt từ 200 – 250 triệu/ha/năm. Nhờ thu nhập từ cây thanh long ruột đỏ, nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Hiện nay, thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch là một trong số ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Theo đó, sản phẩm “Thanh Long ruột đỏ huyện Lập Thạch-Vĩnh Phúc” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.

Việc cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu “Thanh Long ruột đỏ huyện Lập Thạch” góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng một cách hiệu quả, tạo dựng, giữ gìn uy tín, mở rộng thị trường cho sản phẩm này, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Xuất khẩu lô thanh long ruột đỏ đầu tiên sang Australia

Cùng với các loại trái cây nổi tiếng của Việt Nam như: Vải thiều, bưởi, xoài, chôm chôm… lần lượt xuất khẩu ra nước ngoài, mới đây, quả thanh long ruột đỏ – đặc sản của Vĩnh Phúc cũng lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Australia.

Cụ thể, vào tháng 9/2018, ngay sau khi được phía Australia mở cửa, 3 tấn thanh long ruột đỏ đầu tiên đã được xuất khẩu thành công sang Australia. Lô hàng xuất khẩu đã được Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận không bị nhiễm côn trùng trong diện kiểm soát an toàn sinh học (kiểm dịch). Quá trình vận chuyển thanh long tươi từ Việt Nam đến Australia được xử lý bằng phương pháp nhiệt hơi trước khi đưa lên máy bay.

Quả thanh long ruột đỏ - đặc sản của Vĩnh Phúc đã được xuất khẩu sang một số nước khu vực châu Á như: Nhật Bản, Malaysia… nhưng chưa tiếp cận được các thị trường “khó tính” như khu vực châu Âu, Mỹ. Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Sydney, Vĩnh Phúc đã thực hiện thành công việc xuất khẩu quả thanh long ruột đỏ sang Australia. Điều này có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, mở ra cơ hội cho nông dân Vĩnh Phúc làm giàu từ cây thanh long ruột đỏ.

Theo Công ty TCT Export tại Sydney (đơn vị nhập khẩu quả thanh long ruột đỏ vào thị trường Australia), Australia được đánh giá là thị trường khó tính nhưng hết sức tiềm năng. Khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào Australia, các doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ quy định kiểm dịch của Australia về vùng trồng, cơ sở đóng gói, chiếu xạ, bao bì, nhãn mác, kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu ngay từ Việt Nam.

Lô hàng thanh long ruột đỏ nhập khẩu vào thị trường Australia chỉ là thử nghiệm bước đầu nhưng sẽ là cơ hội cho người dân Vĩnh Phúc tiếp tục đưa quả thanh long trở thành mặt hàng tiêu dùng được yêu thích tại Australia.

Sẽ vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong quá trình nhập khẩu quả thanh long ruột đỏ vào Australia, nhưng với sự điều chỉnh hợp lý từ khâu cung cấp cho tới khâu phân phối, quả thanh long ruột đỏ Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường Australia.

Đây không chỉ là tiền đề phát triển sản phẩm thanh long ruột đỏ tại thị trường Australia mà còn là chìa khóa để đưa thanh long ruột đỏ vào Mỹ và châu Âu.

Việt Nam đã trải qua 9 năm đàm phán, hoàn thành các thủ tục liên quan mới đưa được trái thanh long chính thức cấp phép nhập khẩu vào thị trường Australia. Việt Nam cũng là nước đầu tiên trên thế giới xuất khẩu thanh long vào thị trường Australia.

Giải pháp phát triển thời gian tới

Từ hiệu quả của mô hình trồng thanh long ruột đỏ mang lại, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định về việc “Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Chương trình thí điểm đầu tư phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ tại huyện Lập Thạch”. Theo đó, từ nay đến năm 2020, Lập Thạch tiếp tục mở rộng trồng cây thanh long theo 2 hướng là cải tạo 100 ha trồng thanh long cũ và nhân rộng thêm 200 ha, nâng tổng diện tích trồng thanh long ruột đỏ của Lập Thạch lên 300 ha. Để thực hiện dự án đó, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ các hộ sản xuất về hom giống, trồng dặm, trụ bám, phân bón và các chi phí vật liệu, máy thi công, thiết bị hệ thống tưới tiêu. Các mức hỗ trợ được quy định cụ thể: Đối với 200 ha trồng mới, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ hơn 234 triệu đồng/ha trồng mới năm thứ nhất; hỗ trợ chăm sóc năm thứ 2 là hơn 21 triệu đồng/ha. Đối với việc cải tạo 100 ha thanh long đã có, tỉnh hỗ trợ cải tạo năm thứ nhất là hơn 84 triệu đồng/ha; hỗ trợ chăm sóc diện tích cải tạo năm thứ 2 là gần 30 triệu đồng/ha. Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ 50% máy xới đất cho các hộ sản xuất; hỗ trợ áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGap); in ấn tem nhãn và hộp carton đựng quả thanh long; xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm để ổn định về đầu ra cho sản phẩm.

Đây là chương trình phát triển sản phẩm nông nghiệp có quy mô lớn và đồng bộ cho người dân để sản xuất hàng hóa trên địa bàn. Thực hiện chương trình này, huyện Lập Thạch chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân chủ động áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và tìm kiếm thị trường, liên kết với đối tác trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Trước mắt, trong năm 2018 sẽ xúc tiến xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia.

Theo đó, UBND huyện Lập Thạch sẽ tiếp tục hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long thông qua việc kí kết với một số doanh nghiệp như Hợp tác xã Bình Minh, Siêu thị Co.op Mark, Big C, Hội thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch... đưa thanh long thương hiệu Lập Thạch vào bán tại các siêu thị trên toàn quốc. UBND huyện cũng có chủ trương xuất khẩu thanh long ra thị trường nước ngoài để nâng giá trị cây thanh long ruột đỏ Lập Thạch. Điển hình, trong tháng 7/2018, với sự tạo thuận lợi của UBND huyện Lập Thạch, 13 tấn thanh long ruột đỏ của người dân đã được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, được thị trường nước bạn ưa chuộng, đánh giá cao. Hiện tại, UBND huyện Lập Thạch đang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật làm mã cốt vùng sản xuất và hoàn thiện một số thủ tục hành chính để mở rộng xuất khẩu thanh long sang thị trường Australia trong năm 2018.

UBND huyện Lập Thạch cũng hỗ trợ, hướng dẫn người dân địa phương áp dụng đúng quy trình trồng, chăm sóc thanh long ruột đỏ theo mô hình VietGap.

Những loại phân bón như NPK, phân vi sinh, phân đạm dùng để bón cho cây đều được mua trực tiếp ở các nhà máy phân bón ở Lâm Thao, Phú Thọ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, phân chuồng phải được ủ cho hoại mục rồi mới đem đi bón cây, sau đó dùng rơm rạ hay cỏ phủ lên trên để bảo đảm vệ sinh.

Nguồn nước và đất đều được người dân mang đi xét nghiệm tại những trung tâm có thẩm quyền nên đảm bảo. Thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng đúng liều lượng theo quy định VietGap, bởi vậy, quả thanh long đến tay người tiêu dùng không chứa hàm lượng hóa chất. Vườn thanh long ruột đỏ cũng thường xuyên được cắt tỉa những cành sâu bệnh, héo úa 2 lần một năm nhằm tập trung chất dinh dưỡng cho những cành còn xanh tốt.

Ở công đoạn thu hoạch, người dân luôn đảm bảo đúng thời điểm hái, tuyệt đối không hái khi trái và tai của thanh long còn xanh, chưa đạt màu đỏ thẫm. Sau khi thu hoạch, thanh long ruột đỏ được bảo quản trong thùng xốp an toàn và bọc trong giấy báo sạch giúp tránh vi trùng, vi khuẩn xâm nhập.

Tuy nhiên, việc phát triển cây thanh long trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng có một số hạn chế nhất định như: Vẫn chủ yếu là tự phát, phân tán, nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng trồng thanh long hàng hóa tập trung; việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới còn hạn chế, đầu tư, thâm canh thấp; kiến thức, tay nghề của nông dân về kỹ thuật trồng trọt, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm áp dụng.

Để cây thanh long phát triển bền vững, năm 2017 UBND huyện Lập Thạch đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về các biện pháp kỹ thuật xử lý cây thanh long bằng biện pháp chiếu sáng và chăm sóc, tạo ra sản phẩm quả trái vụ.

Kết quả bước đầu cho thấy đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thêm thu nhập 80 - 100 triệu đồng/ha so với biện pháp thâm canh thông thường.

Năm 2018, huyện phối hợp với Viện Công nghệ sinh học (ĐH Bách khoa Hà Nội) đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc phê duyệt đề tài sản xuất siro và rượu vang từ nước ép quả thanh long.

Hội sản xuất thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch và HTX Bình Minh (xã Ngọc Mỹ) đã ký hợp đồng tiêu thụ sản lượng theo hợp đồng từng đợt quả với siêu thị Big C, Co.op Mart, Vincom tại Vĩnh Phúc, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đồng thời có một số doanh nghiệp tiêu thụ nông sản hoa quả tươi ở Hà Nội thu mua. Năm 2018 huyện còn ký kết hợp tác và ủy quyền cho HTX Đại Phúc (xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên) thực hiện các thủ tục liên quan đến việc xuất khẩu thanh long ruột đỏ.

Với quy mô mở rộng diện tích trồng thanh long, đã không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu mà còn là hướng đi đúng đắn để nâng cao giá trị, vị thế, thương hiệu cây thanh long Lập Thạch. Đồng thời thu hút được các thành phần kinh tế cùng đầu tư, tham gia vào các chuỗi sản xuất, phân phối đã góp phần nâng cao chất lượng và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Nguồn: VITIC

Liên kết website