Đồi chè Thái Nguyên
ại tỉnh Thái Nguyên – vùng trồng chè lớn nhất của Việt Nam, trong năm 2011, diện tích chè Trung du chiếm 65,3%, chè giống mới chỉ chiếm 34,7% tổng diện tích và năm 2015 diện tích chè giống mới đã chiếm 62,4%. Đến năm 2020, Thái Nguyên xác định chè Trung du chỉ còn chiếm 20% diện tích; các giống mới chiếm 80% diện tích. Trong đó, các giống được ưu tiên để sản xuất chè xanh chất lượng cao là LDP1 và các giống chè nhập nội như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên... Việc chuyển dịch nhanh và hiệu quả cơ cấu giống mang tính đột phá, như một cuộc cách mạng về giống, góp phần tiếp tục duy trì vị thế của chè Thái Nguyên trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất và chất lượng.
Tỉnh Thái Nguyên mới thông qua Đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững thương hiệu chè Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. Hướng đi tất yếu trong tương lai của chè Thái Nguyên là phải đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế.
Năm 2018, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch trồng 776 ha chè. Tính đến cuối tháng 11/2018, bà con nông dân trong tỉnh đã trồng mới và trồng lại được 779 ha, tăng 34,5% so cùng kỳ và bằng 100,3% kế hoạch. Trong đó, diện tích trồng mới đạt 371 ha, tăng 68,4% so cùng kỳ năm 2017; diện tích trồng lại đạt 408 ha, bằng 63,6% kế hoạch năm 2018.
Các giống chè được bà con đưa vào trồng là các giống chè cho năng suất, chất lượng cao như: LDP1, Kim Tuyên, Thúy Ngọc... Cùng với đó, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GAP, sản xuất chè hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng được tăng cường áp dụng. Hiện nay, diện tích chè mới trồng đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Vào cuối tháng 9/2018, Sở Công Thương tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố Website chè tích hợp truy xuất nguồn gốc. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và gần 120 các công ty, làng nghề, hợp tác xã sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Thái Nguyên là địa phương có thế mạnh về sản xuất, chế biến chè chất lượng cao. Tuy nhiên giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Công tác quản lý, xây dựng và phát triển thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn, một số sản phẩm chè trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được gắn mác Trà Thái Nguyên, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng và niềm tin của người tiêu dùng.
Chính vì vậy, việc ra đời Website chè tích hợp truy xuất nguồn gốc tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ Thainguyentea.gov.vn là công cụ quan trọng giúp tỉnh kiểm soát nguồn gốc sản phẩm trà, phân biệt hàng thật, hàng giả, nâng cao thương hiệu hàng hóa, hướng tới xuất khẩu bền vững. Các sản phẩm chè Thái Nguyên đã có mặt trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và các thị trường xuất khẩu truyền thống như: Pakistan, Đài Loan, Nga, Trung Quốc….
Tỉnh Thái Nguyên cũng đặc biệt quan tâm đến việc tạo dựng hình ảnh và bảo vệ thương hiệu “Chè Thái Nguyên” thông qua việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đến nay, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được đăng ký bảo hộ tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc… Cùng với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và chỉ dẫn địa lý “Chè Tân Cương”, nhiều sản phẩm chè trong tỉnh như La Bằng, Trại Cài, Vô Tranh, Phổ Yên, Tức Tranh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo vệ nhãn hiệu tập thể.
Tiêu thụ chè phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu
Hiện nay, diện tích trồng chè cả nước là khoảng 125.000 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh là 110.000 ha, tập trung phần lớn ở các tỉnh: Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Yên Bái… Mặc dù sản lượng chè xanh của Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc), nhưng sản lượng xuất khẩu chè lại đứng thứ 5 (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Xri Lanca và Kenya). Khối lượng xuất khẩu chè chính ngạch của Việt Nam trong năm 2018 ước đạt 125.000 tấn với trị giá khoảng 205 triệu USD; trong khi đó lượng chè tiêu thụ trong nước là khoảng 45.000 tấn, trị giá khoảng 5.500 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2018, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 103,7 nghìn tấn, trị giá đạt 174,4 triệu USD, giảm 10,1% về lượng và 6% về trị giá so với 10 tháng năm 2017. Các sản phẩm chè xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng năm 2018 gồm chè đen, chè xanh, chè ướp hoa và chè ô long, trong đó chè đen chiếm 49,6% trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam, chè xanh chiếm 44,8%, còn lại là chè ướp hoa và chè ô long.
Các chủng loại chè của Việt Nam xuất khẩu chính trong 10 tháng năm 2018
Chủng loại |
10 tháng năm 2018 |
So với 10 tháng năm 2017 (%) |
Tỷ trọng tính theo lượng 10 tháng (%) |
|||||
Lượng (Tấn) |
Trị giá (Nghìn USD) |
Đơn giá (USD/tấn) |
Lượng |
Trị giá |
Đơn giá |
Năm 2018 |
Năm 2017 |
|
Tổng |
103.748 |
174.451 |
1.681,5 |
-10,1 |
-6,0 |
4,5 |
100,0 |
100,0 |
Chè đen |
51.425 |
70.971 |
1.380,1 |
-20,0 |
-18,4 |
2,0 |
49,6 |
55,7 |
Chè xanh |
46.499 |
89.336 |
1.921,2 |
4,7 |
8,0 |
3,1 |
44,8 |
38,5 |
Chè ướp hoa |
1.975 |
3.724 |
1.885,9 |
-36,6 |
-32,2 |
6,8 |
1,9 |
2,7 |
Chè ô long |
345 |
2.032 |
5.891,9 |
-16,6 |
68,3 |
101,7 |
0,3 |
0,4 |
Nguồn: Tính toán theo số liệu từ Tổng cục Hải quan
Trong số thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam, Pakistan luôn là thị trường dẫn đầu với lượng xuất khẩu đạt 28,2 nghìn tấn, trị giá đạt 61,5 triệu USD, tăng 12,5% về lượng và 14,6% về trị giá so với 10 tháng năm 2017, chiếm 27,2% về lượng.
Đài Loan là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ hai của Việt Nam với lượng đạt 15,7 nghìn tấn, trị giá 24,4 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và 6,2% trị giá so với cùng kỳ 2017.
Tiếp đến Nga là thị trường lớn thứ 3 nhưng giảm 17,2% về lượng và 11% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, giá xuất khẩu bình quân tăng 7,5%.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ tư của Việt Nam, giảm 8,4% về lượng nhưng tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài bốn thị trường xuất khẩu chè lớn của Việt nam, chè của Việt Nam còn xuất khẩu sang các thị trường khác trong 10 tháng năm 2018 tăng trưởng tốt như Ả Rập Xê út tăng 36,8% về lượng và 43,6% về trị giá, Malaysia tăng 20% về lượng và 20,4% về trị giá, Ucraina tăng 7,2% về lượng và 17,5% về trị giá, Đức tăng 4% về lượng và 61,6% về trị giá, Philippin tăng 49,9% về lượng và 58,9% về trị giá, Cô oét tăng 13,3% về lượng và 13,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Trái lại, xuất khẩu chè sang UAE giảm mạnh 55% về lượng và 54% về trị giá, Ba Lan giảm 15,1% về lượng và 21,5% về trị giá, Ấn Độ giảm 59% về lượng và 66% về trị giá, Thổ Nhĩ Kỳ giảm 49,3% về lượng và 55% về trị giá.
Giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam những tháng đầu năm 2018 có xu hướng tăng ở nhiều thị trường. Điều này cho thấy, chè Việt Nam đang dần nâng cao được giá trị trên các thị trường quốc tế.
Định hướng phát triển chè Việt Nam trong thời gian tới
Hiện nay, khoảng 90% sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở dạng nguyên liệu thô, chưa qua chế biến cho nên giá trị tăng thấp, chủ yếu xuất khẩu vào thị trường dễ tính, ít sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ... Vì vậy đến nay, lượng chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với sức tiêu thụ của thế giới. Giá chè xuất khẩu của Việt Nam vẫn chỉ bằng một nửa giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới.
Thuận lợi trong xuất khẩu chè là rất lớn song cũng có không ít khó khăn. Ngoài việc chưa có sản phẩm chè chất lượng thâm nhập vào các thị trường có yêu cầu cao, xuất khẩu chè Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức về chi phí sản xuất, công nghệ chế biến, tiêu chuẩn chất lượng, quảng bá, xây dựng thương hiệu. Cách thức trồng, chế biến chè vẫn còn một số khâu chưa tuân thủ tiêu chuẩn nên rất khó đảm bảo chất lượng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, bên cạnh thuận lợi về giảm thuế quan thì các doanh nghiệp phải chịu sức ép về hàng rào kỹ thuật, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng chè của nước ta chưa cao, sản phẩm chưa có thương hiệu. Thực tế, thay vì nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu, các doanh nghiệp lại lựa chọn giải pháp bán xô, bán trong những bao tải 50 kg, chứ không làm ra những sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng.
Để mặt hàng chè của Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu cần thay đổi hình ảnh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng. Đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn bởi những quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng chè xuất khẩu, nhất là tại một số thị trường khó tính như Mỹ, EU...
Các doanh nghiệp cần đầu tư hơn nữa vào công nghệ chế biến sâu sản phẩm chè, phối trộn với các thứ nước uống khác để tạo nên hương vị đa dạng, giảm các chất gây tác dụng phụ trong chè, bắt kịp sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng chè trên thế giới, tập trung phát triển chuỗi giá trị ngành hàng chè, đặc biệt là quan tâm sát sao đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè để có thể nâng cao được hình ảnh chè Việt, cũng như khẳng định được vị thế trên trường quốc tế.
Nguồn: VITIC