Chủ Nhật, 20/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Hà Tĩnh đẩy mạnh diện tích trồng cây ăn quả có múi VietGAP

Ngày đăng: 17/12/2019
Lượt xem: 1.251

Trong những năm gần đây, cây ăn quả có múi ở Hà Tĩnh đã trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, với những thương hiệu nổi tiếng cả nước như bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, cam Thượng Lộc, cam Sơn Mai…

Hà Tĩnh có điều kiện về đất đai, khí hậu thuận lợi, lực lượng lao động dồi dào, có tập quán canh tác cây ăn quả lâu đời nên đã có kỹ năng, kinh nghiệm trong thâm canh, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm để phát triển cây ăn quả có múi. Cây ăn quả có múi là những loại cây trồng có mặt từ lâu ở Hà Tĩnh, được phân bổ trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc, Hương Khê...

Với mục đích khai thác tiềm năng và lợi thế phát triển cây ăn quả có múi, tỉnh Hà Tĩnh đã xác định bưởi Phúc Trạch, cam Hà Tĩnh nằm trong 12 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh; đồng thời, ban hành đồng bộ cơ chế chính sách khuyến khích phát triển. Nhờ đem lại hiệu quả kinh tế khá lớn nên diện tích trồng cây cây ăn quả có múi tại Hà Tĩnh trong những năm qua được mở rộng nhanh chóng. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 3.180 ha bưởi, 6.725 ha cam (trong đó, cam Chanh 5.533 ha, cam Bù 1.192 ha), tăng gần 30% so với năm 2017 và gấp 2,7 lần so với năm 2008. Đáng chú ý là, trong tổng diện tích trồng các loại cây có múi được mở rộng thời gian qua ở Hà Tĩnh, có tới 4.513ha là được trồng mới trên đất lâm nghiệp. Trong đó tập trung nhiều nhất là huyện Vũ Quang với 1.791 ha, huyện Hương Khê với 408 ha, huyện Hương Sơn với 484 ha và huyện Can Lộc với 300 ha.

Vườn bưởi Phúc Trạch tại Hà Tĩnh

Mặc dù xác định cây ăn quả có múi là cây trồng chủ lực và hiệu quả thu được khá lớn,  được tỉnh tập trung phát triển gần 10 năm gần đây, nhưng trong thực tế, nhiều hộ trồng cây ăn quả có múi đang sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, đầu tư thấp dẫn đến phát sinh sâu bệnh, sản phẩm không đạt tiêu chuẩn hàng hóa, nhất là tiêu chuẩn về ATTP,... Trong khi đó, công tác quản lý chất lượng giống và quy trình sản xuất tại một số địa phương của Hà Tĩnh vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều diện tích cam, bưởi suy thoái trước tuổi, sâu bệnh hoành hành, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, tính đến giữa năm 2018, toàn tỉnh có 13 cơ sở lớn sản xuất giống cây ăn quả có múi đặt tại 4 huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và Can Lộc. Tuy nhiên, chỉ có 4 cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống chất lượng cao gồm: Trại bảo tồn và nhân giống bưởi Phúc Trạch (trại giống Phúc Trạch); Khu bảo tồn, nhân giống và phát triển cam Bù (trại giống Hương Sơn); DNTN Tân Thanh Phong và Trại thực nghiệm, nhân giống cây ăn quả có múi, cây lâm nghiệp Truông Bát (trại giống Truông Bát). Bình quân mỗi năm nhu cầu sản xuất của người dân Hà Tĩnh cần khoảng 7 vạn cây giống bưởi và 15 vạn cây giống cam. Tuy nhiên, số lượng cây giống 4 cơ sở trên chỉ đủ đáp ứng 35 - 45% nhu cầu; số còn lại do 9 cơ sở khác trên địa bàn sản xuất, cung ứng và mua từ các tỉnh khác về hoặc các hộ sản xuất tự chiết, ghép cây giống để phục vụ nhu cầu nông hộ, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro về tỷ lệ cây sống, sâu bệnh hại, đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ và chất lượng sản phẩm.

Trước thực trạng phát triển ồ ạt diện tích cây ăn quả có múi, ngành nông nghiệp tỉnh đã cảnh báo các địa phương cần quy hoạch để ổn định diện tích; có hướng phát triển gắn với liên kết trong sản xuất và quan tâm hơn đến khâu chế biến, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh) đã triển khai xây dựng mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” trên quy mô gần 4 ha với 5 hộ tham gia tại vùng Trà Sơn (xã Mỹ Lộc và xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc). Nhờ được hướng dẫn chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cam được đầu tư bài bản, hệ thống tưới tiêu, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… đồng bộ, đúng quy định, cây trĩu quả, quả to đều, hình thức đẹp. Kết thúc mô hình, cả 5 vườn cam của 5 hộ dân tham gia đều được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2017, Hà Tĩnh tiếp tục nhân rộng mô hình trên quy mô 30 ha tại các xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang), Hương Đô (huyện Hương Khê), Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà), với 24 hộ tham gia. Sau 1 năm được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, kết quả tại xã Đức Lĩnh, năng suất đạt trung bình 26,3 tấn/ha; xã Hương Đô 23,23 tấn/ha; xã Ngọc Sơn 20,12 tấn/ha. Trong khi sản xuất đại trà của các hộ dân khác trong vùng chỉ đạt 8 - 10 tấn/ha.

Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật thâm canh sản xuất cam; được hướng dẫn, tổ chức sản xuất cam theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh ATTP, điều kiện sản xuất từ khi trồng, chăm sóc, chế biến và đóng gói sản phẩm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh, tính đến nay Hà Tĩnh đã có hơn 70 ha cam đạt chuẩn VietGAP. Việc áp dụng thâm canh theo quy trình sản xuất VietGAP không chỉ thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất cũ của người nông dân, mà điều quan trọng hơn là góp phần hướng tới nền sản xuất sạch, giúp cam Hà Tĩnh mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, từ năm 2000, Hà Tĩnh đã có chính sách hỗ trợ những cây đầu dòng cam, bưởi của hộ dân được bình tuyển định kỳ để bảo tồn nguồn gen. Hiện Hà Tĩnh có 38 cây bưởi Phúc Trạch, 44 cây cam chanh đầu dòng vừa được bình tuyển, công nhận lại, tập trung ở các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Vũ Quang, Hương Sơn; 34 cây cam Bù ở các huyện Hương Sơn, Vũ Quang đã được công nhận là cây đầu dòng. Các địa phương, cơ sở đang tiếp tục đề xuất công nhận 15 cây đầu dòng cam Khe Mây và 15 cây quýt Kỳ Anh.

Tại địa phương có nhiều diện tích đất đồi núi lớn, nghèo chất dinh dưỡng và thường xuyên phải đối mặt với thời tiết bất thuận như Hà Tĩnh thì việc phát triển cây ăn quả có múi theo hướng VietGAP là một hướng đi đúng đắn, đem lại  hiệu quả kinh tế hơn nhiều lần so với trồng cây lâm nghiệp và các cây trồng khác. Trong thời gian tới, để cây ăn quả có múi ở Hà Tĩnh có bước đi vững chắc, vai trò liên kết “4 nhà” (nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) cần được quan tâm nhiều hơn nữa, tạo thế đứng vững chắc trên thị trường.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Tin liên quan
Liên kết website