Thứ Năm, 01/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Cam sành - cây kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương các tỉnh miền Bắc

Được xác định là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương, cam sành đã và đang trở thành cây trồng làm giàu của nhiều tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn... Vì vậy, trong những năm qua, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã đề ra nhiều chính sách nhằm ưu tiên mở rộng diện tích và không ngừng nâng cao giá trị của sản phẩm cam sành.

Tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, trong niên vụ 2018, toàn huyện Hàm Yên có 7.175 ha cam, trong đó diện tích cho thu hoạch 4.557 ha, năng suất bình quân ước đạt 180 tấn/ha, sản lượng ước đạt 82.000 - 85.000 tấn quả, tăng so với năm 2017 khoảng 15.000 tấn quả. 

Năm 2018 là năm thành công trong chiến lược phát triển cam sạch của huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Trong năm 2018, huyện đã vận động nhân dân xây dựng được gần 300 ha cam tham gia mô hình VietGAP, nâng tổng diện tích cam VietGAP của huyện lên gần 500 ha.

Đến thời điểm này, cây cam sành ở huyện Hàm Yên đã vào vụ thu hoạch. So với mô hình trồng cam thông thường, quả cam ở những mô hình trồng theo chuẩn VietGAP có giá chênh lệch từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Không những thế, đến vụ thu hoạch, những doanh nghiệp và thương lái luôn ưu tiên thu mua tại các nhà vườn trồng cam sạch.

Thôn 5 Thuốc Hạ, xã Tân Thành là địa phương trồng cam sạch nổi bật của huyện Hàm Yên. Toàn thôn có 50 hộ trồng cam thì có 20 hộ tham gia mô hình trồng cam VietGAP với tổng diện tích 35 ha. Tham gia mô hình người nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách.

Một số hộ gia đình có 5 ha cam, thì có 2 ha tham gia mô hình VietGAP. Từ trồng cam sạch, trung bình mỗi năm các hộ gia đình thu lãi hơn 300 triệu đồng. Trồng cam VietGAP vừa đảm bảo sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Vụ năm 2019, một số hộ gia đình dự kiến cho thu hoạch hơn 60 tấn cam. Với giá từ 10.000 - 15.000/kg, trừ chi phí sẽ thu lãi gần 500 triệu/hộ.

Khi thị trường cây có múi đang phát triển ồ ạt dẫn đến cây cam mất dần giá trị tại nhiều địa phương thì việc mở rộng diện tích trồng cam sạch đang là hướng đi được tỉnh Tuyên Quang lựa chọn để phát triển bền vững.

Trong năm 2018, Chi cục tỉnh Tuyên Quang đã mở 5 tập huấn quy trình sản xuất sạch cho khoảng 200 nông dân huyện Hàm Yên. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khoảng 10.000 tem truy xuất nguồn gốc cho quả cam. Cam có nguồn gốc sản xuất, khách hàng sử dụng sẽ yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần nâng cao thương hiệu và giá trị của cây cam.

Với tổng diện tích hơn 7.100 ha, vụ năm 2019, cây cam ở Hàm Yên dự kiến cho tổng sản lượng 80.000 tấn. Nếu cam trồng thông thường có giá từ 6.000 - 7.000 đồng/kg thì cam VietGAP có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Điều này cho thấy, việc sử dụng sản phẩm sạch đang là xu hướng được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn.

Để phát triển bền vững, không chỉ tỉnh Tuyên Quang mà còn nhiều tỉnh khác của khu vực miền núi phía Bắc cũng hướng đến việc trồng cam sành VietGap.

Tại huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang, dự kiến sản lượng cam sành niên vụ 2018 - 2019 đạt trên 50.000 tấn. Diện tích cây cam sành toàn tỉnh trong niên vụ 2018-2019 đã đạt trên 9.000ha. Dự kiến sản lượng cam sành năm nay có thể lên đến trên 50.000 tấn. Cam sành, một trong những cây chủ lực trong chiến lược tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh đã và đang có những bước đi vững chắc. Tuy vậy, khi sản lượng cam sành dự kiến tăng cao so với mọi năm đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong công tác quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm trong niên vụ 2018 - 2019.

Nhận thức của người dân về khôi phục trồng cây cam sành, cũng như ứng dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP trên cây cam sành cho đến nay thực sự có bước chuyển biến tích cực.

Tại tỉnh Hà Giang, niên vụ 2018 - 2019, huyện Bắc Quang (Hà Giang) có 5.593ha cam, sản lượng ước đạt 39.736 tấn. Trong đó, có 2.291ha cam trồng theo quy trình VietGAP. So với sản xuất truyền thống, năng suất cam VietGAP cao hơn 20-40 tạ/ha, giá trị cao hơn 30-40%. Đặc biệt, cam trồng theo hướng thâm canh đã và đang trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của Bắc Quang.

Tại một số hộ gia đình ở thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo, có 8ha cam (5,5ha cho thu hoạch, 2,5 ha trồng mới) thì có 4ha được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng thu hoạch bình quân 4 năm trở lại đây đạt 120 tấn/năm. Thu nhập bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, các hộ gia đình thu lãi 800 triệu đồng/hộ. Trồng cam theo quy trình VietGAP, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, quả to, đẹp, khá đồng đều, kéo theo đó giá bán cũng tăng lên.

Tại xã Vĩnh Hảo hiện có 960ha cam, năng suất ước đạt 130 tạ/ha, sản lượng khoảng 9.000 tấn. Cam hiện là cây trồng mũi nhọn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xã đã có nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững, hướng tới sản xuất cam sạch thông qua xây dựng các tổ, hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện 100% số hộ trồng cam trong xã cam kết sản suất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ trồng cam, hàng trăm hộ dân có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, hàng chục hộ có thu trên 1 tỷ đồng/năm, cá biệt có hộ thu nhập đến 3 - 4 tỷ đồng/năm. Đến nay, Vĩnh Hảo đã đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Tại huyện Bạch Thông tỉnh Bắc Kạn cũng đã có dự án "Ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển cây cam sành Bắc Kạn" trong đó có Tổ hợp tác Đồng Tiến (xã Dương Phong) hiện đã thâm canh được 10 ha cây cam theo hướng VietGAP, sản phẩm có tem truy suất nguồn gốc và đóng hộp rất tiện lợi cho người mua. Giá thành của sản phẩm cam VietGAP cũng không quá cao so với thị trường, khoảng 20.000 đồng - 25.000 đồng/kg, hiện tại sản phẩm đã và đang tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.

Diện tích cây cam sành trên địa bàn Bạch Thông tỉnh Bắc Kạn hiện có khoảng 200ha, tập trung chính ở 3 xã Quang Thuận, Dương Phong và Đông Phong, sản lượng mỗi năm đạt trên 1.000 tấn, giá trị thu về gần 20 tỷ đồng. So với quýt, giống cam sành có ưu điểm là để được lâu và có thể vận chuyển xa, là sản phẩm rất tốt cho sức khỏe.

Tại tỉnh Bắc Kạn, việc tiêu thụ sản phẩm trước và sau Tết Nguyên đán khá thuận lợi. Giá cam sành trong các ngày lễ Tết, Rằm tháng Giêng khá cao so với ngày thường, bình quân 1kg quả đẹp là 20.000 đồng, loại trung bình 10.000-15.000 đồng/kg, còn loại cam bi (loại bé) giá chỉ 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá cam đầu năm 2019 thấp hơn vì thị trường không chỉ riêng có cam trong tỉnh mà còn có cả cam Tuyên Quang, Hà Giang.

Cùng thời điểm này năm 2018, cam của một số hộ gia đình bán ra loại quả to được 30.000 đồng/kg nhưng hiện tại chỉ bán được 20.000 đồng/kg, quả nhỏ còn có 10.000 đồng/kg, tốc độ bán cũng chậm hơn.

Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam sành

Để quản lý tốt công tác sản xuất cam, các tỉnh đã có nhiều biện pháp triển khai đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang đã phối hợp với các đơn vị, huyện, thành phố thành lập Hiệp hội Cam sành và chỉ đạo thành lập 69 tổ sản xuất, HTX sản xuất cam VietGAP tại mỗi vùng chứng nhận, quản lý và xây dựng chỉ dẫn địa lý, đồng thời quản lý tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên thị trường.

Bên cạnh đó, Hà Giang tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, đốn tỉa tạo tán, cải tạo vườn già cỗi, sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón,...

Vụ thu hoạch cam 2018 - 2019, UBND huyện Bắc Quang đã chỉ đạo Phòng Công Thương, Hội Người trồng cam của huyện tăng cường quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để tiêu thụ cam cho nhà vườn.

Huyện Bắc Quang đã và sẽ có nhiều hoạt động để quảng bá như: Thi người trồng cam giỏi, Thi hái cam nhanh, Thi cách trồng cam cho hiệu quả kinh tế cao, Hội chợ cam Sành... Thời gian tới, huyện sẽ mời các thương nhân, doanh nghiệp, đại diện các siêu thị trong nước tham dự để ký kết hợp đồng tiêu thụ cam cho nông dân. Đặc biệt, huyện sẽ dành một phần kinh phí để hỗ trợ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ cam trong mùa thu hoạch tới đây.

Huyện Bắc Quang đã xác định phát triển cây cam Sành là giải pháp quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và là cây kinh tế “mũi nhọn” của địa phương nên đã quan tâm chỉ đạo đầu tư đưa cam Sành trở thành cây thế mạnh chủ lực của huyện. Cùng với việc phát triển diện tích cam theo hướng hàng hóa, huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động người trồng cam tuyệt đối tuân thủ các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; đảm bảo sản phẩm sạch, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Vĩnh Hảo là xã có diện tích cam Sành lớn của huyện Bắc Quang, trong đó có gần 400 ha và được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Qua thực tế cho thấy, hiệu quả từ các mô hình trồng cam VietGap bước đầu đã thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất cũ của nông dân; giúp cho cây cam phát triển bền vững trên vùng đất Vĩnh Hảo. Ở đây, quy trình chăm sóc cam được tuân thủ nghiêm ngặt, có kiểm soát đối với vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn cho môi trường cũng như nâng cao chất lượng, sản lượng của loại cây này. Từ đó, năng suất, sản lượng cam cũng tăng dần lên, chất lượng mẫu mã đồng đều. Đến nay, xã Vĩnh Hảo thành lập được Chi hội trồng cam, 100% số thôn trong xã đều thành lập Tổ trồng cam và xã có 1 HTX sản xuất cam VietGap (đây là một trong những HTX lớn nhất đưa cam Sành Hà Giang ra thị trường…).

Không riêng Vĩnh Hảo, mà hiện nay các xã: Việt Hồng, Tiên Kiều, Vĩnh Phúc, Đông Thành... đều là những vùng sản xuất cam Sành hàng hóa của huyện Bắc Quang đã thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Diện tích cam toàn huyện được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap đạt hơn 1.500 ha; hiện huyện tiếp tục tuyên truyền và chỉ đạo bà con chăm sóc đúng theo quy trình VietGap, đồng thời phối hợp với UBND các xã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản cam cho nông dân. Đồng thời tổ chức các hội thảo về hợp tác đầu tư và kỹ thuật nhằm giúp người nông dân từng bước thay đổi nhận thức, hành động trong áp dụng các phương thức sản xuất mới, đặc biệt đối với cây cam Sành.

Hiện nay, định hướng chung của tỉnh Hà Giang là ổn định và bảo vệ diện tích cam hiện có; tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất, đi sâu vào chất lượng, giữ vững thương hiệu. Đồng thời, xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để cam Hà Giang có thể mở rộng thị trường tiêu thụ trong cả nước và hướng tới xuất khẩu; xây dựng chính sách hỗ trợ tiêu thụ cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất cam.

Năm 2019, Hà Giang sẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam tại thị trường lớn như Hà Nội, nhằm giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng Thủ đô đặc sản cam sành Bắc Quang. Các ngành của tỉnh đang phối hợp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết đưa sản phẩm cam Hà Giang tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm ở các tỉnh, thành trong thời gian tới…

Hà Giang hiện có trên 8.700ha cam (6.729 ha cam sành, 1.988ha cam Vinh và số giống cam khác), trong đó có 5.189ha cam cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 63.000 tấn. 2.776ha cam được cấp chứng nhận VietGAP. Sản lượng cam VietGAP ước khoảng 35.000 tấn.

Giải quyết khó khăn từ việc tiêu thụ cam sành Hàm Yên

Tại tỉnh Tuyên Quang, để giữ vững thương hiệu Cam sành Hàm Yên, trong năm 2018, huyện Hàm Yên đã triển khai mở rộng 296 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với 142 hộ tham gia tại xã Yên Phú, Tân Thành, Phù Lưu, Minh Khương.

Cái khó của việc tiêu thụ cam sành Hàm Yên là hầu hết sản phẩm chủ yếu tiêu thụ thông qua trung gian các thương lái đến thu mua, chưa hình thành kênh phân phối bền vững thông qua các hợp đồng dài hạn. Việc liên kết tiêu thụ còn yếu, tổ nhóm, HTX chưa phát triển, lượng cam tiêu thụ thông qua ký kết hợp đồng mới chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng sản lượng cam. Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát ban đầu tại thị trường miền Nam, cam sành hiện tại có giá từ 5.000 đồng - 6.000 đồng/kg, thấp hơn so với năm 2017 là 3.000 đồng/kg, do diện tích và sản lượng cam của cả nước, nhất là vùng trung du miền núi phía Bắc ngày càng tăng đã khiến giá cam ngày càng hạ và dự báo sẽ không tăng trong thời gian tới.

Để giải quyết những khó khăn, trăn trở của người trồng cam từ nhiều năm trở lại đây, năm 2018 đánh dấu sự vào cuộc quyết liệt của huyện trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đưa ra các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch về việc tiêu thụ cam sành năm 2018. Cụ thể, đối với cam xanh đầu vụ sẽ được tiêu thụ vào thị trường miền Trung và một số tỉnh miền Bắc để làm nước giải khát, chủ yếu thu hoạch từ tháng 10 - 12 tập trung ở các xã Phù Lưu, Minh Khương, Minh Dân, một phần diện tích ở xã Tân Thành, Minh Hương do đây là diện tích cam trên núi cao nên thời gian bảo quản ngắn.

Đối với diện tích cam chính vụ có mẫu mã đẹp, thời gian bảo quản dài, tập trung thu hoạch ở tất cả các xã và thị trấn từ tháng 12/2018 đến tháng 2/2019 để phục vụ dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân. Đối với cam cuối vụ tiêu thụ chủ yếu tại thị trường các tỉnh miền Bắc và một số thị trường miền Trung, cam còn ít, độ ngọt cao, giá bán cao, sẽ thu từ tháng 2 đến tháng 3 sau Tết Nguyên đán tại các vườn cam loại 2, loại 3 còn lại của các xã, thị trấn.

Cùng với đó, Trung tâm Cây ăn quả huyện phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn vùng cam, các chủ hàng miền Trung, miền Nam nắm bắt thông tin thị trường về số lượng hàng, loại sản phẩm cần tiêu thụ từng thời điểm tại các tỉnh thành phố để tư vấn giúp đỡ hộ nông dân, các cơ sở kinh doanh cam đưa sản phẩm đến các điểm theo yêu cầu.

Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên, Hội Cam sành Hàm Yên, HTX Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu đẩy mạnh mở rộng hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ cam theo chuỗi giá trị, thông qua hoạt động tổ chức các chương trình kết nối giao thương, kết nối cung cầu giữa các tổ chức sản xuất với các khách hàng. Hiện một số công ty đã tiến hành lập danh sách, cung cấp thông tin các tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ nông dân tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đến hệ thống siêu thị, các hệ thống phân phối để quảng bá, tiêu thụ cam Hàm Yên. 

Cam sành là một trong 4 sản phẩm nông nghiệp được xác định là chủ lực của huyện Hàm Yên. Việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ và giải pháp tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng cao đến được với nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng trong cả nước góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng cam.    

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website