Thứ Năm, 24/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Hướng đi mới cho táo Ninh Thuận

Táo là một trong những cây ăn quả dễ trồng, cây có thể cho quả quanh năm, kỹ thuật trồng táo đơn giản, thích hợp cho mọi loại đất, năng suất cao và mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Cây táo thích hợp với khí hậu nhiệt đới nước ta nói chung và Ninh Thuận nói riêng; riêng tại Ninh Thuận diện tích trồng táo ước khoảng 1.000 ha. Năm 2013 sản phẩm táo Ninh Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "táo Ninh Thuận".

Ninh Thuận là vùng đất của nắng và gió. Lượng mưa ít nhất cả nước, trung bình 700 - 800mm. Dưới tác động của sự biến đổi khí hậu toàn cầu thì điều kiện thời tiết càng có nhiều chuyển biến bất lợi. Tuy nhiên, hoạt động nông nghiệp của Ninh Thuận vẫn không ngừng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhiều người từng biết đến các sản phẩm nho, hành, tỏi… của Ninh Thuận thì nay táo cũng đang là một mặt hàng rất được ưa chuộng.

Cũng như nho, các vườn táo được trồng trên những vùng đất nghèo, độ chua của phèn cao nhưng cũng đầy độ ngọt của kali. Hầu như các loại cây ăn quả được trồng đều đạt độ ngọt rất cao. Táo được trồng khá nhiều ở Ninh Thuận, trên các địa bàn huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải và quanh Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm..

Ninh Thuận mở rộng nhiều mô hình trồng táo, điển hình trồng táo trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao

Sản phẩm táo trồng trong nhà lưới đang được các thương lái ưu tiên thu mua với giá cao. Trước tình trạng các loại côn trùng phá hoại cây trồng có dấu hiệu gia tăng, thời gian gần đây, một số hộ trồng táo ở tỉnh Ninh Thuận bắt đầu áp dụng phương pháp trùm lưới cho giàn táo. Phương pháp mới này vừa giúp phòng ngừa các đối tượng dịch hại nguy hiểm vừa giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.

Theo người dân, trong những năm trước, tình trạng côn trùng phá hoại khiến sản lượng táo thu hoạch thấp, có thời điểm thu hoạch 1 tấn táo có khi phải bỏ từ 3 đến 4 tạ vì trái bị hư. Sau khi áp dụng phương pháp bao lưới cho toàn bộ giàn táo, nhờ đó tỷ lệ cây táo ra hoa, đậu quả cao hơn, tỷ lệ ruồi vàng đục quả giảm đi rất nhiều, tỷ lệ táo phải loại thải không đáng kể.

Táo hiện là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có trên 1.000 ha táo được trồng chủ yếu tại các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

Hiện nay có khoảng trên 10ha táo đang được áp dụng phương pháp bao lưới trùm tại Ninh Thuận. Táo Ninh Thuận khi chín vỏ táo ngả dần sang màu phớt vàng, ăn giòn, ngọt mát, có hương vị đặc trưng.

Diện tích trồng táo tăng, nâng cao thu nhập cho người dân

Theo UBND tỉnh, Ninh Thuận là vùng đất khô hạn, nhưng có một số cây trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, cho ra những sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương như nho, táo, hành, tỏi… Riêng tại huyện Ninh Phước, đây là địa phương có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển cây trồng nông nghiệp. Phát huy lợi thế này, vài năm trở lại đây, ngoài việc quy hoạch các vùng chuyên canh trồng lúa giống, bắp lai, rau an toàn…, huyện Ninh Phước còn vận động người dân tập trung phát triển táo. Hiện Ninh Phước được biết đến là địa phương có diện tích trồng táo lớn nhất của tỉnh.

Từ năm 2016 đến nay, Ninh Phước tập trung chuyển đổi từ ruộng gò trồng lúa kém hiệu quả sang trồng táo. Đến nay, tổng diện tích đất trồng táo trên địa bàn huyện 703 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Phước Sơn 225 ha, Phước Hậu 140 ha, Phước Thuận 115 ha, An Hải 67 ha… Cây táo từ khi trồng được đầu tư chăm sóc chu đáo sau 12 tháng bắt đầu cho thu hoạch lứa trái đầu tiên. Đến năm thứ 4-5 trở đi là giai đoạn cây táo phát triển mạnh mẽ cho năng suất trung bình 60 tấn trái/ha/năm.

Theo người dân huyện Ninh Phước, hiện toàn huyện cung cấp cho thị trường trên 40.000 tấn táo trái. Nếu giá bán trung bình 6.000-8.000 đồng/kg, người trồng táo có thu nhập 350-400 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt có những hộ đầu tư thâm canh tốt, thu hoạch gặp thời điểm giá táo 10.000 đồng/kg, cho thu nhập 600 triệu đồng/ha.

Theo UBND huyện Ninh Phước, thời gian tới Ninh Phước tiếp tục quy hoạch các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nho, táo, măng tây xanh. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ cao và đưa giống mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cây táo xanh cũng như các loại cây trồng đặc thù khác. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển đường giao thông, điện lưới, hệ thống thủy lợi phục vụ đắc lực chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện.

Giải pháp đưa giống táo mới kết hợp lưới che chắn để phát triển ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, mô hình trồng giống táo mới (Táo bom TN05) kết hợp với  sử dụng lưới che chắn côn trùng được Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố chuyển giao và nhân rộng trong sản xuất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, mô hình được thực hiện trên chân đất lúa kém hiệu quả với diện tích 1.700 m2.

Qua đó, mô hình trồng giống táo mới (Táo bom TN05) kết hợp với sử dụng lưới che chắn côn trùng, canh tác theo hướng hữu cơ đã cho năng suất ổn định và nâng cao được chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng các giống táo đang trồng đại trà và canh tác theo truyền thống. Giống táo mới (Táo bom TN05) khi thu hoạch có những tính năng vượt trội như: trái to gấp 2 đến 3 lần so với giống táo thường, ăn ít nhớt, giòn, trái khi chín vẫn giữ màu xanh không ngả sang màu vàng.

Định hướng phát triển mới cho táo Ninh Thuận

Trong quy hoạch phát triển đến năm 2020 của địa phương, huyện Ninh Phước đã xác định đưa loại cây trồng này trở thành một trong 5 loại cây trồng chính để đầu tư mở rộng vùng chuyên canh. Để thực hiện có hiệu quả hướng đi này, huyện tiếp tục nhân rộng diện tích sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Đẩy mạnh liên kết “4 nhà” để thực hiện tốt từ khâu sản xuất, đăng ký thương hiệu, cho đến tìm kiếm đầu ra sản phẩm.

Cùng với đó, huyện tập trung kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, để chuyển dần từ sản xuất táo tươi sang chế biến táo khô…, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phối hợp với Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố để chuyển giao quy trình kỹ thuật và vận động người dân chuyển dần sang trồng cây táo, hướng tới xây dựng ngành Nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website