Sâm Ngọc Linh là một sản phẩm đặc hữu, đặc biệt có giá trị và được xem là quốc bảo của ngành dược liệu Việt Nam, phân bổ tập trung chủ yếu trên dãy núi Ngọc Linh ở độ cao từ 1.200m - 2.500m thuộc địa phận giữa tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Ngoài Ngọc Linh, sâm còn phân bố tại núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và còn có thể có ở đỉnh Ngọc Am tỉnh Quảng Nam.
Củ sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My
Tính đến nay, sâm Ngọc Linh là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế Việt Nam, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin. Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, lên tổng cộng 52 loại. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới. Hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người khiến sâm Ngọc Linh hiện nay được bán trên thị trường với giá càng ngày càng cao.
Giá trị cây sâm Ngọc Linh liên tục tăng cao
Ngày 12/9/2015 Chính phủ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh- Sâm Việt Nam” đến năm 2030, với tổng mức đầu tư lên đến trên 9.000 tỷ đồng. Tháng 6/2017, Sâm Ngọc Linh chính thức được Chính phủ công nhận sản phẩm quốc gia. Từ ngày được Chính phủ thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, đồng thời công nhận Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia, thương hiệu và giá trị cây này tăng lên rất cao.Trong tháng 8/2019, giá sâm Ngọc Linh củ tươi có giá dao động 60 - 120 triệu đồng/kg; sâm giống bán ra hơn 300.000 đồng/cây.
Cùng với củ sâm, lá sâm Ngọc Linh cũng được coi là nguồn dược liệu quý với nhiều công dụng và được ưa chuộng không kém gì củ. Theo Đông y, lá sâm Ngọc Linh chứa 16 loại saponin dammaran, 17 acid min, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0,1 %, trong khi sâm Hàn Quốc chứa 24 loại. Vì thế, một vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành thu mua lá sâm Ngọc Linh để chế biến thành các sản phẩm trà túi, trà lọc hay rượu lá sâm...Đầu tháng 8 là thời điểm các thương lái và doanh nghiệp bắt đầu thu mua lá sâm Ngọc Linh. So với năm 2018, giá năm nay tăng gần gấp đôi. Hiện giá thu mua lá sâm Ngọc Linh tại vườn lên đến 9 - 10 triệu đồng/kg. Không chỉ ở Quảng Nam, tại Kon Tum - thủ phủ của sâm Ngọc Linh, nhiều thương lái cũng săn lùng mua lá. Với những vườn sâm lớn, một vụ thu được khoảng 20 kg, còn khu nhỏ người trồng thu tối thiểu khoảng 2 kg.
Theo công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum, thông thường sâm sau khi thu hoạch, người trồng cắt lá để nuôi củ cho chúng ngủ đông sớm. Một số vườn khác không cắt lá, sau khi thu hoạch củ, lá tự rụng. Do đó, để tận dụng lá, một số công ty chọn thu mua lá sâm tươi để làm túi lọc cung ứng ra thị trường. Hiện đang là thời điểm đầu mùa, nhu cầu lớn nên giá bị đẩy lên cao. Dự báo, đầu tháng 9/2019 giá sẽ ổn định khi mùa cắt lá nở rộ.
Cây sâm Ngọc Linh được trồng chủ yếu tại Kon Tum và Quảng Nam
Tại Kon Tum, hiện chỉ có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Đắk Tô và Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum tham gia trồng sâm với diện tích khoảng 500 ha. Theo quy hoạch đến năm 2030, diện tích này sẽ tăng lên 10.000 ha cùng với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra, tỉnh Kon Tum cũng đã trao quyết định đầu tư, chủ trương khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư cho nhiều dự án với tổng vốn đăng ký trên 12.000 tỷ đồng. Đã có 17 dự án đăng ký khảo sát đầu tư phát triển dược liệu với tổng vốn đầu tư 11.229 tỷ đồng trên quy mô 7.800 ha.
Tại Quảng Nam, sâm Ngọc Linh được trồng chủ yếu tại Nam Trà My – vốn được coi là thủ phủ của loại sâm này. Trên địa bàn huyện hiện có 1.300 ha sâm Ngọc Linh; ngoài ra hơn 1.500 hộ dân thuộc 7 xã đang đăng ký trồng 2.500 ha, bảy doanh nghiệp đăng ký trồng gần 300 ha. Trong đó, tính đến nay, đã có 4 tổ chức thuê dịch vụ môi trường rừng thuộc lâm phận của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (gồm Công ty Cổ phần Thương mại Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam, Công ty TNHH Sâm Sâm, Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoa Thiên Phú, Công ty Cổ phần Nguyên liệu giấy miền Trung) để trồng sâm Ngọc Linh (diện tích 44,47ha) với hơn 1,1 triệu cây giống; tổng vốn đầu tư gần 133 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 2 đơn vị sự nghiệp sử dụng dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh là Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam (thuộc Sở NN-PTNT) và Trung tâm Sâm Ngọc Linh của huyện Nam Trà My, diện tích gần 11ha với 247.000 cây giống.
Bên cạnh đó, một số huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam có khí hậu tương đồng như Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My… cũng đã và đang nghiên cứu di thực sâm Ngọc Linh về trồng ở địa phương mình.
Tuy nhiên, việc tinh chế, chiết xuất từ dược liệu sâm Ngọc Linh nhìn chung vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, rào cản lớn, trước hết vẫn là nguồn sâm giống đạt chuẩn. Điều này đặt ra thách thức trong việc tìm nhà đầu tư chiến lược, áp dụng ra thị trường, làm thế nào để đại trà nhân dân được sử dụng, trở thành quốc kế cho người dân…
Phát triển bền vững sâm Ngọc Linh
Nhằm đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh, trong tháng 6/2019, tỉnh Kon Tum đã chính thức phê duyệt Chương trình phát triển thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum, bao gồm 05 nội dung và 03 giải pháp cụ thể được xác định, tập trung thực hiện. Theo Chương trình, bên cạnh nội dung trọng tâm xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”và nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh ra nước ngoài cho các sản phẩm sâm Ngọc Linh xuất khẩu, cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh Kon Tum. Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện các công cụ, biện pháp quản lý sản xuất, kinh doanh; sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh, nhãn hiệu chứng nhận Sâm Ngọc Linh; đồng thời đẩy mạnh quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum trong và ngoài nước; gắn với tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và phát huy vai trò của Hội Sâm Ngọc Linh tỉnh và các doanh nghiệp, người sản xuất – kinh doanh sâm Ngọc Linh trong việc quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận Sâm Ngọc Linh; giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu Sâm Ngọc Linh cũng được chú trọng tăng cường, phù hợp với thực tế địa phương.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, để phát triển bền vững sâm Ngọc Linh, mỗi năm, cứ đến tháng 8, UBND tỉnh Quảng Nam lại tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh. Đây là năm thứ 3 hoạt động này diễn ra trong 3 ngày (1-3/8). Theo UBND tỉnh Quảng Nam, không chỉ đơn thuần một lễ hội giới thiệu về sâm Ngọc Linh, hoạt động còn bảo tồn nguồn giống, tri ân và tái hiện lễ cúng nàng sâm của đồng bào Xê Đăng, với vũ điệu cồng chiêng kết hợp đàn đá theo phong tục truyền thống.
Lễ hội năm 2019 đã thu hút hơn 16.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm và tham gia các hoạt động tại không gian lễ hội; trong đó có khoảng 6.000 lượt khách ngoại tỉnh và khách quốc tế. Đồng thời có hơn 50 đoàn khách du lịch, với ước tính khoảng 2.000 lượt khách đến tham quan vườn sâm giống Tắc Ngo và các điểm du lịch khác của địa phương như: suối Đôi, thác 5 tầng, thác Tây Du Ký, vườn tre khổng lồ, vườn quế cổ thụ, thác Trà Vân...
Bên cạnh các hoạt động trình diễn văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian và trưng bày triển lãm hình ảnh về sâm Ngọc Linh, tại lễ hội lần này UBND huyện Nam Trà My cũng đã tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 23, với số lượng hơn 60 gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các sản phẩm làm ra từ các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, không gian phiên chợ còn trưng bày, quảng bá, mua bán các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đến từ các địa phương Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My. Theo thống kê, trong những ngày diễn ra phiên chợ có hơn 2.500 lượt người đến tham quan, mua sắm, với doanh thu khoảng 10,5 tỷ đồng. Riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 110kg, thu về gần 10 tỷ đồng; trong đó có 1 cây sâm nặng 0,7kg được bán với giá 530 triệu đồng và 10 củ sâm có giá 200 - 300 triệu đồng.
Tại Triển lãm "Di sản Văn hóa - Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn" diễn ra vào đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kỳ vọng sâm Ngọc Linh sẽ làm nên dấu ấn lịch sử mới cho ngành dược liệu, ngành thực phẩm chức năng của Việt Nam. Để làm được điều này, Thủ tướng nhấn mạnh, cần xây dựng chiến lược tổng thể, làm tốt ở tất cả các khía cạnh, thông tin truyền thông, nghiên cứu phát triển, thu hút khởi nghiệp và phát huy vai trò nòng cốt của các doanh nghiệp.
Nguồn: VITIC tổng hợp