Những năm gần đây, nhiều sản phẩm làng nghề của An Giang đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến như: Bánh phồng Phú Mỹ, khô cá lóc Thoại Sơn, đường thốt nốt Bảy Núi, lụa Tân Châu, sản phẩm rèn Phú Mỹ, gạch ngói Chợ Mới... Nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các sản phẩm địa phương đã khẳng định được chất lượng, danh tiếng.
An Giang hiện có 34 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 26 làng nghề đã được hình thành từ 50 năm đến trên 100 năm, đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Các làng nghề đã sản xuất nhiều sản phẩm đặc trưng, không chỉ được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh mà còn được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
Một số làng nghề tiêu biểu:
Làng nghề Lụa Tân Châu
Hợp tác xã Làng nghề tơ lụa Tân Châu thành lập năm 2006 với 26 hộ thành viên. Khi mới thành lập chỉ có 10 chiếc máy dệt cũ, đến nay làng lụa Tân Châu đã có nhiều cải tiến kỹ thuật, nhiều công đoạn được thay thế bằng máy móc và hợp tác với nhiều hộ gia đình dệt lụa nhỏ lẻ trong vùng để có thể đem đến cho người tiêu dùng những thước lụa Tân Châu chất lượng tốt nhất.
Sản phẩm lụa của Làng nghề lụa Tân Châu
Làng nghề dệt tơ lụa Tân Châu nổi tiếng trong huyện, người dân nơi đây vẫn thường gọi với một cái tên là “Xứ lụa Tân Châu”. Hiện nay, lụa Tân Châu được biết đến là một sản phẩm thuần Việt, đậm đà tính dân tộc và là niềm tự hào của dân tộc. Các nghệ nhân làng nghề đã không ngừng học hỏi, đổi mới công nghệ, sáng tạo ra ý tưởng mới làm nên rất nhiều mẫu lụa độc đáo, đẹp đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Làng nghề gạch ngói
Huyện Chợ Mới được thiên nhiên ưu đãi, dải đất cù lao nằm giữa 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu. Ngoài khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, huyện còn có rất nhiều nguồn đất sét thích hợp với việc sản xuất gạch, ngói nên vùng đất cù lao này có hàng trăm lò gạch truyền thống hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Cơ sở sản xuất gạch tại huyện Chợ Mới
Huyện Chợ Mới đã chuyển đổi phương án sản xuất từ truyền thống sang phương pháp Hoffman của Đức, phương pháp này có nguồn gốc từ các nước châu Âu. Đây là kiểu lò nung theo công nghệ nung liên tục với buồng đốt di động.
Đến nay đã có trên 80% lò gạch đã chuyển đổi công nghệ sản xuất, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho người lao động địa phương.
Làng nghề rèn Phú Mỹ
Làng nghề rèn Phú Mỹ (ấp Trung 1, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân) tồn tại hơn 100 năm đang giúp người dân địa phương có thu nhập ổn định.
Để duy trì và phát triển nghề, địa phương cũng đã vận động các chủ lò rèn thành lập tổ hợp tác, tạo điều kiện cho người dân có nơi giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm bằng cách chủ động đầu tư, trang bị nhiều máy móc tiên tiến, cải tiến phương thức sản xuất, thay đổi mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất tìm kiếm đầu ra và bình ổn giá cho sản phẩm, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Các sản phẩm làng nghề rèn Phú Mỹ như: Dao, lưỡi hái, búa, cuốc… được người dân khắp nơi tin dùng, bởi độ bền, độ sắc bén độc đáo của sản phẩm. Hiện nay, làng nghề rèn Phú Mỹ có 66 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 260 lao động, trung bình hàng tháng sản xuất khoảng 85.000 sản phẩm rèn các loại cung cấp cho thị trường các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh miền Trung và nước bạn Campuchia.
Nguồn: VITIC tổng hợp