Chủ Nhật, 04/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Huyện Thuận Châu - tỉnh Sơn La tăng diện tích thanh long đủ tiêu chuẩn để tăng cường xuất khẩu

Sau hơn 3 năm trồng trên đất Thuận Châu, cây thanh long ruột đỏ đã cho thấy khả năng thích nghi, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở đây và trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Thanh long của tỉnh Sơn La có hương vị đặc biệt và được những thị trường khó tính như Nhật Bản, Nga… đánh giá rất cao những lô thanh long chào hàng đầu tiên. Đây là động lực khích lệ đồng bào vùng cao tuân thủ quy trình sản xuất, quyết tâm vươn ra thị trường thế giới.

Cây thanh long ruột đỏ chính thức được đưa vào trồng thử nghiệm trên vùng đất Thuận Châu năm 2018 theo chương trình Dự án phát triển sản xuất sản phẩm thanh long liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2018- 2020 tại các xã: Chiềng Pha, Phổng Lái, Chiềng Ly của huyện Thuận Châu. Cây thanh long ruột đỏ đã cho thấy khả năng thích nghi, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở đây và trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Thấy được thu nhập cao từ cây thanh long ruột đỏ, nhiều hộ nông dân đã đưa loại cây này vào trồng để thay thế những diện tích trồng ngô, trồng sắn kém hiệu quả.

Hiện nay thanh long là 1 trong 6 chuỗi liên kết sản xuất về phát triển cây ăn quả bền vững của huyện. Toàn huyện hiện có 26 ha, phấn đấu hết năm 2020 mở rộng thêm 7 ha. Dự kiến giai đoạn 2020- 2025 đạt 200 ha.

Điều kiện thổ nhưỡng ở Sơn La đã tạo cho quả thanh long có hương vị đặc biệt. Thực tế là những thị trường như Nhật Bản, Nga đã đánh giá rất cao những lô thanh long chào hàng đầu tiên. Đây là động lực khích lệ đồng bào vùng cao tuân thủ quy trình sản xuất, quyết tâm vươn ra thị trường lớn

Thanh long ruột đỏ là giống cây chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, cho thu hoạch quanh năm mà không tốn nhiều công chăm sóc, thời gian thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 12, cứ sau 15 ngày lại thu hoạch một đợt, tương đương với thu hoạch từ 9 - 11 lần/năm. Thanh long ruột đỏ còn có tên gọi là thanh long Nữ Hoàng (tên khoa học là Hylocereus) thuộc dòng H14 có xuất xứ từ Colombia. Giống ruột đỏ có chứa Lycopene, là một chất chống ôxy hoá thiên nhiên, có thể chống ung thư, bệnh tim và làm giảm huyết áp. Đây là loại trái cây rất đẹp mắt và có lợi cho sức khoẻ. 

Để phát triển và mở rộng diện tích cây thanh long ruột đỏ, huyện Thuận Châu đã quy hoạch vùng trồng thuộc khu vực các xã Phổng Lái, Chiềng Pha, khu vực đèo Pha Đin; tập trung tuyên truyền hướng dẫn người nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và nghiêm túc thực hiện liên kết chuỗi theo thỏa thuận.

Đối với việc phát triển cây thanh long, huyện Thuận Châu đã phối hợp với các phòng ban chức năng tổ chức tuyên truyền để cây thanh long phát triển theo đúng định hướng chung của huyện cũng như của tỉnh và hỗ trợ bà con nhân dân các tiêu chuẩn về VietGAP,  đồng thời tuyên truyền cho bà con phát triển cây thanh long theo hướng hữu cơ.

Điều đặc biệt là người nông dân ở đây không sử dụng thuốc để diệt cỏ mà dùng bằng phương pháp thủ công. Đối với những cây cỏ sát gốc thì sẽ được người dân nhổ trực tiếp bằng tay. Trong quy trình chăm sóc cây thanh long, cứ mỗi một năm sẽ có 4 lần bón phân. Mỗi lần sẽ cách nhau khoảng 3 tháng. Sau khi bón phân xong thì thời gian tiếp theo, cây thanh long sẽ cho ra nụ và hoa.

Trong khoảng thời gian 45 ngày kể từ khi ra hoa thì người dân hoàn toàn không cần phải chăm sóc mà cây sẽ tự cho ra những quả màu đỏ, đẹp và đủ điều kiện thu hoạch. Sản lượng đạt hơn 103 tấn/năm, thanh long Sơn La tiêu thụ chủ yếu ở trong tỉnh và một số tỉnh lân cận khác.

Thanh long được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Theo kinh nghiệm của những người dân trồng thanh long ruột đỏ ở Thuận Châu, để trồng cây thanh long ruột đỏ cần sử dụng trụ bê tông cao từ 1,8 - 2 m, cạnh vuông 12 cm, trụ được chôn sâu 40 - 60 cm, phần nổi trên mặt đất cao khoảng 1,4 m cho cây mọc, tỏa nhánh xuống xung quanh; khoảng cách giữa các trụ từ 2,5 m - 3 m.

Sau khi thu hoạch sẽ thực hiện cắt bỏ những cành già không còn khả năng mọc mầm và ra quả, mỗi cành chỉ để 1 - 3 quả để quả to và bảo đảm chất lượng. Phân bón sử dụng chủ yếu là phân hữu cơ, một năm bón từ 3 - 4 lần; có thể tận dụng rơm, rạ phủ lên phần gốc để giữ ẩm cho cây sau khi trồng. Từ năm thứ 3 trở đi, cây cho năng suất cao, ổn định, trọng lượng mỗi quả thanh long từ 0,3 - 0,5 kg; có thể áp dụng biện pháp xử lý cho cây ra quả trái vụ bằng cách thắp đèn điện vào ban đêm để kích thích hoa nở, quả nhanh chín, giúp tăng năng suất, chất lượng.

Với chủ trương đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Những năm gần đây, thanh long ruột đỏ của huyện Thuận Châu liên tiếp xuất khẩu thành công sang thị trường các nước Nga, Nhật Bản, Trung Quốc… Điều này đã cho thấy chủ trương đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu của tỉnh Sơn La đã phát huy hiệu quả.

Thanh long ruột đỏ của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La

Huyện Thuận Châu phấn đấu xuất khẩu 20 tấn thanh long ruột đỏ theo đường chính ngạch sang thị trường Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản trong năm 2020. Hiện cây thanh long là 1 trong 6 chuỗi liên kết sản xuất về phát triển cây ăn quả bền vững của huyện. Dự kiến giai đoạn 2020 - 2025, huyện Thuận Châu sẽ phát triển chuỗi thanh long ruột đỏ lên 150 - 200 ha. Thanh long ruột đỏ trồng trên địa bàn huyện Thuận Châu có trọng lượng từ 500-800g/quả, mẫu mã đẹp, chất lượng an toàn và được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong điều kiện khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Sơn La đã chuyển hướng thị trường, coi thị trường trong nước là chủ đạo trong tiêu thụ. Đồng thời, tỉnh đã đẩy mạnh thương mại điện tử để kết nối với các đối tác để đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website