Nhận thấy tiềm năng phát triển cây ăn trái đặc sản rất lớn, huyện Chợ Lách đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Diện tích cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, chôm chôm, xoài, măng cụt sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, hữu cơ được mở rộng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, huyện Chợ Lách đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho trái chôm chôm, măng cụt Chợ Lách và sầu riêng “Cái Mơn” đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tạo tiền đề và cơ hội cho sự phát triển ổn định, bền vững cho trái cây ăn quả đặc sản của huyện Chợ Lách.
Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, nguồn nước đã giúp cho nền nông nghiệp huyện Chợ Lách phát triển nhiều loại cây ăn trái đặc sản như cam, quýt, chuối, sầu riêng, chôm chôm, bưởi, bòn bon, măng cụt, mận, xoài, nhãn, mãng cầu xiêm, cóc, ổi với số lượng lớn, chủng loại đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước.
Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, hướng tới phát triển ổn định và bền vững sản phẩm trái cây đặc sản, huyện Chợ Lách đã tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện chuỗi giá trị nông sản. Huyện Chợ Lách khuyến khích, tạo điều kiện và hướng dẫn người dân mở rộng diện tích sản xuất trái cây đặc sản theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap nhằm đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Người dân huyện Chợ Lách cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, theo hướng hữu cơ.
UBND huyện Chợ Lách đã khuyến khích, tư vấn và hướng dẫn người dân tham gia chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) với hơn 600 ha, trong đó có 144 ha bưởi da xanh, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng với 238 hộ đạt chứng nhận GAP và GlobalGAP. Nhờ vậy, các doanh nghiệp nước ngoài đã xác lập mã vùng sản xuất trái chôm chôm tham gia thị trường xuất khẩu. Trái chôm chôm của xã Vĩnh Bình, Sơn Định được cấp mã vùng sản xuất chôm chôm cho thị trường xuất khẩu Trung Quốc. Bên cạnh đó, huyện Chợ Lách đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho trái chôm chôm, măng cụt Chợ Lách và sầu riêng “Cái Mơn” đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tạo tiền đề và cơ hội cho sự phát triển ổn định, bền vững cho trái cây ăn quả đặc sản của huyện Chợ Lách.
Sầu riêng “Cái Mơn” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã Cái Mơn phù hợp để phát triển nông nghiệp. Cái Mơn được tổ chức Kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là “Nơi cung cấp giống cây ăn quả do người dân tự lai tạo lớn nhất Việt Nam”. Trong đó, trái sầu riêng “Cái Mơn” là một trong những sản phẩm đặc trưng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Trái sầu riêng Cái Mơn có chất lượng vượt trội về vị ngọt, hương thơm cũng như số lượng múi của trái.
Ngày 11/5/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sầu riêng Cái Mơn. Việc cấp chỉ dẫn địa lý cho trái sầu riêng Cái Mơn mở ra cơ hội cho loại trái cây đặc sản này.
Sầu riêng Cái Mơn được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Việc được chứng nhận chỉ dẫn địa lý sẽ mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu sầu riêng Cái Mơn sang các thị trường tiêu thụ có giá trị gia tăng cao, có tính ổn định và bền vững hơn.
Giống chôm chôm Tiến Cường huyện Chợ Lách cho chất lượng vượt trội
Tại huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre, chôm chôm là loại cây ăn trái được trồng khá phổ biến. Ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa, trái chôm chôm của huyện Chợ Lách còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia, châu Âu và Mỹ. Hiệu quả kinh tế mà trái chôm chôm mang lại cao, đặc biệt nông dân đã thành công trong kỹ thuật xử lý cây ra hoa rải vụ. Xử lý chôm chôm vụ nghịch giá có thể cao gấp nhiều lần giá trong vụ thuận.
Ngoài giống chôm chôm truyền thống là chôm chôm java, chôm chôm đường và chôm chôm Thái, huyện Chợ Lách phát triển thêm giống chôm chôm mới Tiến Cường. Trải qua 8 năm trồng thử nghiệm, giống chôm chôm mới Tiến Cường cho trái ăn rất ngon và có nhiều ưu điểm vượt trội. Giống chôm chôm mới cho trái sai, to, có râu ngắn, màu sắc đẹp, cơm dày, dễ tróc, hạt nhỏ, ngọt và giòn. Đặc biệt, giống chôm chôm mới này dù trái còn xanh nhưng ăn vẫn rất ngọt, ngon và chưa có hiện tượng nứt trái.
Nhìn chung, sản xuất và tiêu thụ trái cây ở Chợ Lách đã có những bước đi khá thành công, các loại trái cây đặc sản được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Để phát triển bền vững trái cây đặc sản Chợ Lách cần quy hoạch vùng cây ăn trái gắn với yếu tố biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, huyện cũng cần bố trí lại cơ cấu giống cây trồng phù hợp cho từng vùng và nhu cầu của thị trường. Huyện cần tổ chức tuyển chọn và nhân giống có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Thị hiếu tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ, do đó huyện Chợ Lách cần tiếp tục duy trì áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác trong sản xuất đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường; Tăng cường công tác chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất.
Nguồn: VITIC tổng hợp