Sản phẩm cam sành Hàm Yên xây dựng được thương hiệu từ năm 2007, đến năm 2019, người dân Hàm Yên tiếp tục nhận danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019”. Cây cam đã trở thành cây đặc sản có ưu thế và ưu tiên trồng tập trung. Hiện, giá trị cam sành Hàm Yên được nâng lên bởi quả cam đã được dán tem truy xuất nguồn gốc. Sản lượng cam thu hoạch niên vụ 2019/2020 ước đạt 100.000 tấn quả/năm (tương đương với sản lượng thu hoạch niên vụ 2018/2019).
Cam sành Hàm Yên - “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019”
Thị trường tiêu thụ cam sành Hàm Yên ngày càng mở rộng, phân bố rộng khắp trên cả nước thông qua các chợ đầu mối hoa quả và các chợ trung tâm của các tỉnh miền Bắc; Sản phẩm cũng đã được liên kết tiêu thụ các các chuỗi siêu thị lớn và nhiều cửa hàng nông sản sạch tại các tỉnh miền Bắc.
Có thể thấy, trong bối cảnh nhiều địa phương, vùng trên cả nước tăng diện tích trồng cây có múi, đặc biệt là cây cam đã khiến nguồn cung cam tăng, dẫn đến hiện tượng dư thừa và giá cam giảm mạnh, tuy vậy, lượng tiêu thụ cam sành Hàm Yên vẫn tăng và thị trường vẫn được mở rộng. Có được kết quả trên là do thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cam sành như định hướng trồng cam sành theo hướng hữu cơ. Hiện, huyện Hàm Yên có 24 nhóm hộ được công nhận sản xuất VietGAP với 413 hộ, diện tích xấp xỉ 860 ha chiếm 11,8% tổng diện tích cam toàn huyện; gần 25 ha sản xuất hướng hữu cơ; 204 trang trại trồng cam, tổng doanh thu hàng năm của các trang trại doanh thu bình quân đạt 700 triệu đến 1,0 tỷ đồng/trang trại.
Nhờ thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng cam, năm 2019, giá bán cam sành Hàm Yên đã cao hơn so với phương thức trồng cam thông thường, trong đó, cam sành trồng theo hướng hữu cơ có giá 25.000 đồng/kg, cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có giá trên 10.000 đồng/kg, trong khi giá bán cam bình thường chỉ đạt 7.000-8.000 đồng/kg. Từ mô hình ban đầu, quy trình sản xuất cam hữu cơ, VietGAP đang được người trồng cam ở Hàm Yên quan tâm, áp dụng vào sản xuất để nâng cao thu nhập cũng như bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang cũng đã thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam sành. Công ty Cổ phần Cam sành Hàm Yên được thành lập và tập trung xây dựng chiến lược phát triển dựa trên 03 nền tảng: Máy móc công nghệ hiện đại - Quản trị doanh nghiệp tiên tiến - Marketing chuyên nghiệp. Với mục tiêu phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cam sành trên địa bàn huyện Hàm Yên để hướng tới xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với Hợp tác xã và hộ gia đình trồng cam và thực hiện hoàn thành tiêu chí Tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, Công ty đã tập trung thực hiện quyết liệt công tác bảo vệ thương hiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, Công ty đã xây dựng Website với địa chỉ truy cập camsanhhamyen.net để quảng bá và bán hàng trực tiếp sản phẩm Cam Sành Hàm Yên. Đồng thời hoàn thiện nhận diện Thương hiệu Cam sành Hàm Yên (Cataloge, Logo, bao bì nhãn mác, khẩu hiệu, băng rôn...) giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và phân biệt Cam sành Hàm Yên với các sản phẩm cam khác. Đồng thời chú trọng phát triển kênh tiêu thụ tại một số tỉnh trên địa bàn cả nước, gắn với đó là việc mở một số đại lý, trung tâm giới thiệu sản phẩm tại các thành phố trong và ngoài tỉnh: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Ninh… Nhờ đó, Công ty đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với nhiều công ty, hệ thống phân phối lớn như: Công ty VinEco của Tập đoàn VinGroup, Siêu thị Big C, hệ thống Siêu thị Saigoncoop tại Quảng Ngãi, hệ thống Nông nghiệp xanh, cửa hàng thực phẩm sạch… Thời gian tới, công ty Cổ phần Cam sành Hàm Yên dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong xu thế hội nhập, thống nhất và chú ý đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất đến người tiêu dùng.
Giải pháp phát triển bền vững cây cam sành Hàm Yên thời gian tới
Thời gian qua, mặc dù đạt được nhiều kết quả trong sản xuất cũng như tiêu thụ, tuy vậy, trên thực tế, việc phát triển cây cam sành hiện nay còn một số tồn tại, như: Diện tích trồng mới không theo quy hoạch; chất lượng cây giống chưa đảm bảo; nhiều nơi việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng theo hướng dẫn, khuyến cáo; diện tích cam sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, cam hữu cơ chuyển đổi chưa nhiều; việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế… Do đó, để duy trì và phát triển bền vững cây cam nói chung và cây cam sành Hàm Yên nói riêng, huyện Hàm Yên đã xác định nhiều giải pháp cụ thể về đất đai; về nguồn giống; về chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến sản phẩm;… trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì các hoạt động quảng bá sản phẩm thường niên (hội chợ, lễ hội, hội nghị, hội thảo…); xây dựng thêm nhiều kênh bán hàng tại các Trung tâm thương mại, chợ đầu mối hoa quả; đẩy mạnh liên kết phát triển thị trường tại các tỉnh phía Nam; sản phẩm cam sành Hàm Yên được định hướng sẽ tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài. Đây là cơ hội lớn để thương hiệu cam sành Hàm Yên đến được với những thị trường tiềm năng, góp phần quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Trước mắt, huyện Hàm Yên sẽ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành của huyện, song song với đó, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam sành theo hướng hữu cơ, VietGAP. Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục tổ chức các Hội chợ cam sành thường niên mỗi năm để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm...
Với các giải pháp đưa ra, sản phẩm cam sành Hàm Yên sẽ ngày càng khẳng định được thương hiệu và vị thế trên thị trường, không những tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu thời gian tới.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây”