Thứ Năm, 03/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Nâng cao giá trị thương hiệu gạo Đắk Lắk

Ngày đăng: 13/05/2020
Lượt xem: 1.236

Ngành sản xuất lúa gạo mặc dù không phải là một ngành kinh tế nông nghiệp mũi nhọn của tỉnh Đắk Lắk nhưng trong những năm gần đây, ngành lúa gạo đã có vai trò hết sức quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh. Đặc biệt, nhiều địa phương trong tỉnh đã bắt đầu thay đổi phương pháp sản xuất lúa gạo theo hướng VietGAP, hữu cơ để gia tăng giá trị cho hạt gạo và tăng thu nhập cho người nông dân.

Logo nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”  của huyện Krông Ana – Đắk Lắk

Diện tích trồng lúa của tỉnh Đắk Lắk hiện khoảng 90.000 ha, được phân bố rộng rãi trên tất cả các địa bàn. Trong đó, các huyện như Krông Ana, Lắk, Ea Súp, Ea Kar và Krông Pắc là những địa phương có diện tích canh tác lúa nước lớn và hình thành được các vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Đáng chú ý, nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Lắk đã bắt đầu thay đổi phương pháp sản xuất lúa gạo theo hướng VietGAP, hữu cơ để gia tăng giá trị cho hạt gạo và tăng thu nhập cho người nông dân. Trong đó:

Trên địa bàn huyện Lắk, với khoảng 13.000 ha lúa nước, với năng suất bình quân 7 tấn/ha. Huyện đã hình thành 2 hợp tác xã (HTX) sản xuất lúa, trong đó, có HTX Nông nghiệp Đồng Nhất (xã Buôn Triết) đã bắt đầu ứng dụng trồng thử lúa hữu cơ từ năm 2010. Đến tháng 8/2017, HTX đã chính thức cho ra thị trường thương hiệu Gạo sạch VietGAP Đồng Nhất và đã có mặt ở thị trường nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Hiện HTX có khoảng 20 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, đồng thời tập trung chuyển giao công nghệ cho người nông dân và các thành viên HTX ứng dụng sản xuất nông sản sạch, không ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng...

Tại huyện Ea Kar, năm 2015, Công ty TNHH MTV Cà phê 721 đã đưa ra thị trường thương hiệu “Gạo 721”. Để có được thương hiệu “Gạo 721”, Công ty đã xây dựng các giải pháp thực hiện trong chuỗi hoạt động từ Sản xuất - Chế biến - Bảo quản - Tiêu thụ sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP - HACCP - ISO 9001-2015... Từ năm 2015 đến nay, thương hiệu “Gạo 721” liên tục được các cơ quan chuyên môn đánh giá cao và vinh danh như: Được cấp văn bằng bảo hộ bởi Cục sở hữu trí tuệ; Đạt Tốp 100 thương hiệu bền vững năm 2015; Năm 2016, 2018 được bình chọn là Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017; Là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2017; cấp khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2018; Năm 2019, sản phẩm “Gạo 721” được vinh danh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia.

Tại huyện Krông Nô, huyện đang khuyến khích nông dân đầu tư thâm canh giống lúa ST24. Vụ Đông Xuân 2018-2019, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Krông Nô đã phối hợp với UBND xã Buôn Choáh triển khai trồng khảo nghiệm thành công giống lúa ST24, với diện tích 25 ha. Qua thời gian trồng thử nghiệm giống lúa ST24 tại huyện Krông Nô cho thấy kết quả tốt, cây sinh trưởng mạnh, đẻ nhánh tốt, cứng cây, bông dài, chịu thâm canh, không nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh đạo ôn và đạo ôn cổ bông, năng suất cao đạt 84 tạ/ha (trong khi năng suất trung bình toàn huyện là 72 tạ/ha). Nếu thâm canh tốt năng suất, giống lúa ST24 có thể đạt đến 90-95 tạ/ha. Thời gian sinh trưởng là 110 -120 ngày tương đương với giống lúa RVT. Đặc biệt, giống lúa ST24 khi trồng ở huyện Krông Nô còn có những phẩm chất vượt trội như cho hạt gạo dài, trắng đẹp, cơm thơm, mềm, ngọt, thích hợp với điều kiện thời tiết biến đổi...

“Gạo Krông Ana” – nâng tầm thương hiệu gạo Đắk Lắk

Krông Ana là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, với hơn 11.000 ha lúa nước, nằm trải rộng khắp vùng bồi đắp phù sa của hai con sông lớn Krông Nô và Krông Ana. Năng suất lúa trung bình toàn huyện đạt 7,6 tấn/ha, riêng các vùng chuyên canh sản xuất lúa như xã Quảng Điền đạt 8,5 tấn/ha; xã Bình Hòa và thị trấn Buôn Trấp đạt 8 tấn/ha; xã Dur Kmăl đạt 7,5 tấn/ha; các xã còn lại gồm: Băng Adrênh, Ea Na, Ea Bông và Dray Sáp năng suất từ 5,8 - 6 tấn/ha. Sản lượng lúa trung bình toàn huyện đạt 80.000 tấn/năm, cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Tại Krông Ana, giống lúa RVT được trồng phổ biến nhất, chiếm tới khoảng 40% tổng diện tích lúa nước toàn huyện, sau đó là các giống OM4900 (20%), giống OM6162 (10%) và các giống lúa khác. Gạo sản xuất tại Krông Ana có hàm lượng protein đạt từ 8-9,2%, cao hơn nhiều so với hàm lượng protein trung bình của gạo trắng, gạo lứt; hàm lượng amylose lại tương đối thấp (15,2-19,5%), cơm dẻo nhưng không dính, vị đậm, thơm ngon.

Mặc dù vậy, việc quản lý chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ để tạo thương hiệu cho sản phẩm gạo của huyện Krông Ana thời gian qua chưa thực sự được quản lý chặt chẽ, chưa tạo lập được vị thế, uy tín trên thị trường. Do đó, để sản phẩm gạo Krông Ana có tính cạnh tranh, phát huy lợi thế, tiềm năng hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh và thúc đẩy nền nông nghiệp của huyện phát triển, từ cuối năm 2017, UBND huyện Krông Ana đã tiến hành các bước xây dựng dự án Tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”. Ngày 01/10/2019, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”.

Trên cơ sở được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”, ngay từ đầu tháng 01/2020, UBND huyện Krông Ana đã tổ chức Hội thảo công bố, quảng bá nhãn hiệu Chứng nhận “Gạo Krông Ana”, với mục đích giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về phát triển lúa nước và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana” đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là bước khởi điểm để tạo lập thương hiệu “Gạo Krông Ana” trong tương lai, bởi một khi sản phẩm gạo Krông Ana có nhãn hiệu đồng nghĩa với việc hạt gạo nơi đây sẽ có mặt trên các thị trường mà không bị thương lái ép giá hoặc bị mang nhãn mác khác, đồng thời giá trị sản phẩm cũng được nâng lên.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Tin liên quan
Liên kết website