Chủ Nhật, 04/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Mở rộng thị trường tiêu thụ nước mắm Đề Gi - Bình Định

Nước mắm truyền thống Đề Gi của huyện Phù Cát có từ lâu đời. Nhờ mùi vị nước mắm thơm ngon, rất đặc biệt nên sản phẩm dần dần được tiêu thụ rộng rãi tới hầu hết các hộ dân trong xã, huyện, tỉnh. Để nâng cao sức cạnh tranh, cần tạo đà để thương hiệu nước mắm Đề Gi đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nước mắm truyền thống Đề Gi có nhiều chủng loại và độ đạm khác nhau, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng

Phù Cát là một huyện miền biển của tỉnh Bình Định. Nhờ nỗ lực tạo cơ chế thông thoáng, khuyến khích ngư dân đầu tư đánh bắt xa bờ, huyện Phù Cát có nguồn nguyên liệu dồi dào, điều kiện thuận lợi để phát triển làng nghề nước mắm truyền thống.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của làng nghề nước mắm truyền thống, UBND huyện Phù Cát đã đẩy mạnh xúc tiến xây dựng thương hiệu từ năm 2015.  

Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Nước mắm Đề Gi” của làng nghề nước mắm truyền thống Đề Gi huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Nhãn hiệu được cấp cho chủ sở hữu là UBND huyện Phù Cát, cụ thể là các hộ gia đình sản xuất và kinh doanh nước mắm có nguồn gốc từ hai xã Cát Khánh và Cát Minh.

Việc thương hiệu “nước mắm Đề Gi” được bảo hộ độc quyền giúp cho người dân sản xuất, kinh doanh làng nghề nước mắm truyền thống Phù Cát có thêm điều kiện thúc đẩy, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, việc thương hiệu nước mắm truyền thống Đề Gi được công nhận còn là sự khẳng định chất lượng sản phẩm, tạo dựng lòng tin, uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Do đó, sản phẩm nước mắm Đề Gi có cơ sở để nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao được giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế, giúp đời sống của người dân tốt hơn.

Nước mắm Đề Gi có mùi vị thơm ngon, tinh khiết

Hiện toàn huyện có 323 hộ làm nghề sản xuất nước mắm tại huyện Phù Cát, tập trung ở hai xã là Cát Khánh và Cát Minh. Sản phẩm nước mắm truyền thống Đề Gi khá phong phú, có nhiều chủng loại và độ đạm khác nhau, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng.

Để tạo ra sự khác biệt, thương hiệu “Nước mắm Đề Gi” được sản xuất từ nguồn cá cơm, cá nục, cá sơn, cá thu kết hợp với muối của vùng biển Đề Gi và nước đầm Đạm Thủy. Đặc biệt, muối ở Đề Gi dùng muối cá mới tạo ra sản phẩm nước mắm Đề Gi thơm ngơn, đặc trưng, vị mặn mà không chát. Nhờ vậy đã tạo nên mùi vị nước mắm đặc trưng của thương hiệu “Nước mắm Đề Gi” là thơm ngon, tinh khiết được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh đều phải tuân thủ quy trình kỹ thuật chế biến và thực hiện đầy đủ các yêu cầu về điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định. UBND huyện Phù Cát sẽ thường xuyên kiểm tra sản phẩm của những cá nhân, tổ chức được cấp giấy chứng nhận. Theo đó, các sản phẩm nước mắm Đề Gi phải đáp ứng đúng quy định về tiêu chuẩn, chất lượng và mẫu mã.

Thị trường tiêu thụ nước mắm Đề Gi của huyện Phù Cát là trong huyện, tỉnh và khu vực miền Trung Tây Nguyên. Nước mắm Đề Gi được chia làm 4 loại: Đặc biệt, thượng hạng, hạng 1, hạng 2 với giá từ 50.000 đồng - 100.000 đồng/lít. Với mức giá bán này, nước mắm truyền thống Đề Gi có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Nhìn chung, tình hình tiêu thụ nước mắm Đề Gi khá ổn định, góp phần giải quyết công ăn việc làm, giúp người dân trong làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống của huyện Phù Cát có được thu nhập ổn định. Ngoài ra, việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nước mắm Đề Gi còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm từ nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản của huyện Phù Cát.

Nhờ nguồn chính sách tín dụng từ Ngân hàng Chính sách, nhiều cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Đề Gi của huyện Phù Cát có thể mua sắm dụng cụ mở rộng quy mô sản phẩm. Hiện trên địa bàn huyện Phù Cát có 9 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống.

UBND huyện Phù Cát đã tiến hành cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các hộ sản xuất. Bên cạnh đó, xây dựng khu chế biến nước mắm tập trung, không gian trưng bày sản phẩm, tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và du lịch làng nghề.

Tạo đà để sản phẩm nước mắm truyền thống Đề Gi mở rộng thị trường tiêu thụ

Để nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng tiêu thụ, cơ quan quan lý các xã có làng nghề nước mắm truyền thống trên địa bàn huyện Phù Cát sẽ nghiên cứu chính sách, cơ chế hỗ trợ người dân làng nghề. Hình thức hỗ trợ sẽ là tổ chức các lớp đào tạo, làm cầu nối để người dân tiếp cận với vốn vay ngân hàng mở rộng sản xuất; tuyên truyền, quảng bá rộng rãi sản phẩm làng nghề.

Ngoài ra, UBND xã có làng nghề nước mắm truyền thống cũng đã có kế hoạch quy hoạch khu đất đầu tư xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nước mắm để quảng bá sản phẩm. UBND huyện Phù Cát đã cải tạo, nâng cấp khu chợ Phù Cát để thiết kế gian hàng giới thiệu và tiêu thụ nước mắm Đề Gi.

Để hoạt động xúc tiến thương mại có hiệu quả, định hướng phát triển của làng nghề nước mắm truyền thống huyện Phù Cát là sẽ đầu tư trang thiết bị nhằm đổi mới quy trình công nghệ, nhưng phải giữ được chất lượng thơm ngon đặc trưng của nước mắm Đề Gi.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Định, làng nghề nước mắm Đề Gi là 1 trong 2 làng nghề đầu tiên của tỉnh được công nhận theo tiêu chí mới. Chính vì vậy, các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh của làng nghề cần liên kết hợp tác với nhau để cùng phát triển. Trong quá trình sản xuất chế biến, cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cạnh tranh về giá cả.

Nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ nước mắm truyền thống Đề Gi, Sở Công Thương tỉnh Bình Định phối hợp với UBND huyện Phù Cát đã bổ sung làng nghề nước mắm Đề Gi vào quy hoạch phát triển làng nghề của tỉnh. Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Định sẽ tạo điều kiện cho làng nghề được phát triển toàn diện, thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan đến phát triển làng nghề, như đầu tư cơ sở hạ tầng, chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website