Chủ Nhật, 11/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Đưa cây vải trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk

Cây vải đã và đang được tỉnh Đắk Lắk lựa chọn là cây trồng chủ lực thay thế các cây công nghiệp như cà phê, hạt tiêu nhờ hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có 706 ha vải, trong đó 635 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 3.630 tấn, gồm các giống vải U Hồng, Phúc Hòa, Hồng Quyết, Bình Khê… Nhiều huyện trên địa bàn tỉnh đã hình thành lối sản xuất an toàn, hiệu quả thông qua việc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ, thành lập tổ hợp tác...

Cây vải trở thành một trong những cây trồng chủ lực của người dân tỉnh Đắk Lắk

Cây vải được trồng chủ yếu tại các huyện Ea Kar, Krông Pắc, Krông Năng, M’Đrắc, thị xã Buôn Hồ…của tỉnh Đắk Lắk. Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có 706 ha vải, trong đó 635 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 3.630 tấn, gồm các giống vải U Hồng, Phúc Hòa, Hồng Quyết, Bình Khê… Khoảng 80% sản lượng vải Đắk Lắk được tiêu thụ ở thị trường nội địa, còn lại được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Vụ vải năm 2020, mặc dù giá bán vải của tỉnh Đắk Lắk thấp hơn thời điểm này năm ngoái từ 10.000 - 20.000 đồng/kg do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nhờ lợi thế cây vải ở đây chín sớm hơn vải ở các tỉnh phía Bắc chừng 1 tháng nên bán được giá cao hơn, giá vải được thương lái mua tận vườn với giá 30.000 đồng/kg.

Đắk Lắk hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng, ổn định đầu ra cho quả vải

Mặc dù vậy, hiện việc trồng và phát triển cây vải trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn có nhiều khó khăn và hạn chế như chưa có những công trình nghiên cứu về sinh trưởng và dinh dưỡng cho cây vải để người dân có thể ứng dụng trong việc trồng loại cây này; chưa có nguồn giống ổn định và chất lượng; Cây vải được đưa về trồng tại Đắk Lắk chủ yếu là tự phát, chưa có nhiều sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, do đó đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái; ngoài ra, chất lượng vải Đắk Lắk chưa cao do cây vải tại đây vẫn được sản xuất theo kiểu truyền thống, chưa được áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; chưa có hợp tác xã đứng ra để hỗ trợ trong việc tiêu thụ, sản xuất vải; vải Đắk Lắk chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước, chưa được xuất khẩu nhiều, dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao...

Trước những khó khăn, hạn chế trên, để nâng cao chất lượng vải Đắk Lắk, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu, các ngành chức năng cần hỗ trợ người trồng xây dựng thương hiệu vải riêng cho địa phương, nâng cao chất lượng trái cây bằng cách chuyển đổi mô hình hộ cá thể sang hợp tác xã; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP; xúc tiến thương mại, tìm đầu ra xuất khẩu cho sản phẩm...

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có Công ty Cổ phần sản xuất dịch vụ Hương Cao Nguyên chuyên thu mua các loại trái cây để xuất bán cho hệ thống siêu thị trên cả nước. Hiện công ty đang kết nối với nông dân đặt hàng tại các vườn vải của tỉnh Đắk Lắk để phân phối cho thị trường trong nước. Công ty cũng đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành xây dựng mã vùng trồng cho cây vải Đắk Lắk, tạo điều kiện cho quả vải Đắk Lắk có đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Với mong muốn mở rộng đầu ra cho quả vải, tỉnh Đắk Lắk đang hướng dẫn các huyện trồng vải trọng điểm của tỉnh rà soát, thống kê diện tích cây vải trên địa bàn, để có cơ sở đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét cấp mã vùng trồng cho quả vải Đắk Lắk hướng đến xuất khẩu.

Đưa cây vải thành cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk

Với những ưu điểm đem lại từ quả vải trồng trên đất Đắk Lắk, đặc biệt là giá trị kinh tế đem lại từ quả vải tương đối lớn, quả vải đã và đang được nhiều huyện trên địa bàn tỉnh chọn làm cây trồng chủ lực của địa phương. Đặc biệt, nhiều huyện đã và đang hình thành lối sản xuất an toàn, hiệu quả thông qua việc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ; thành lập tổ hợp tác.

Huyện Ea Kar là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk và đây cũng là huyện đi đầu trong công tác nâng cao chất lượng cũng như mở rộng tiêu thụ quả vải của tỉnh. Để phát triển cây vải ổn định và bền vững, huyện Ea Kar đã và đang hỗ trợ nông dân thành lập các hợp tác xã sản xuất vải sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và đã có hàng trăm hộ đăng ký tham gia với diện tích lên tới trên 100 ha. Đồng thời, huyện tiến hành áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu cho nông dân phát triển cây vải. Bên cạnh đó, huyện có đề xuất với ngân hàng tạo điều kiện vay vốn, các chính sách hỗ trợ khác giúp vùng nguyên liệu phát triển bền vững. Huyện cũng đã tổ chức một số hội thảo kết nối thương mại giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với những vùng trồng vải trên địa bàn. Đã có nhiều doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm vải cho người dân, trong đó, năm 2020 Công ty Cổ phần Sản xuất dịch vụ Nông nghiệp Hương Cao Nguyên đã kết nối với nông dân huyện Ea Kar đặt mua vải ngay tại các vườn, số lượng trên 500 tấn.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website