Thứ Ba, 06/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu chè Phú Thọ

Được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Phú Thọ, thời gian gần đây, tỉnh Phú Thọ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về giống thay thế, áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè, thực hiện xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chè Phú Thọ... Các giải pháp này đã khiến năng suất, chất lượng, đầu ra của sản phẩm chè được cải thiện.

Phú Thọ chú trọng phát triển bền vững cây chè

Tính đến cuối năm 2019, diện tích trồng chè của tỉnh Phú Thọ đạt khoảng 16 nghìn ha, năng suất chè đạt 117,6 tạ/ha; sản lượng 184,5 nghìn tấn/năm. Cây chè được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Yên Lập, Phù Ninh... Sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ không chỉ được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước mà đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan…

Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ rất tích cực trong việc cải thiện các giống chè cũ năng suất, chất lượng thấp bằng các giống mới có năng suất chất lượng cao hơn như: LDP1, LDP2, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên... từ đó, tỷ lệ diện tích các giống chè mới đã tăng từ 50% năm 2016 lên 75,3% hiện nay, trong đó cơ cấu giống phục vụ chế biến chè xanh khoảng 30%.

Tỉnh Phú Thọ đã chú trọng ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chè, quy hoạch, xây dựng vùng chè an toàn. Hiện toàn tỉnh có 3,98 nghìn ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn; 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày; 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 8 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè.

Ngoài việc tuyên truyền cho người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất thì các lớp tập huấn cũng thường xuyên được tổ chức để hướng dẫn người trồng chè tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật trồng mới. Một số sản phẩm chè đã được truy xuất nguồn gốc như: Chè Bảo Long, chè Hà Trang, chè Phú Hộ, chè Chùa Tà, chè Yên Kỳ, chè Phú Thịnh, chè Hoàng Văn, chè Long Cốc…

Phú Thọ chú trọng phát triển bền vững cây chè

Mặc dù năng suất, chất lượng chè Phú Thọ đã tăng lên đáng kể, tuy vậy, giá trị đem lại từ cây chè tại Phú Thọ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng bởi giá trị gia tăng mang lại từ cây chè chưa cao; nhiều hộ trồng chè còn mang nặng tập quán, tâm lý sản xuất nhỏ lẻ; việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, chỉ sản xuất bán thành phẩm hoặc xuất khẩu dưới dạng thô, không có bao bì, nhãn mác nên giá bán thấp; trên 60% cơ sở chế biến không có vùng nguyên liệu hoặc có nhưng không đủ sản xuất; trên 45% cơ sở chế biến với thiết bị, công nghệ lạc hậu, dây chuyền thiếu đồng bộ....

Trước thực trạng trên, nhằm góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm chè, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều hướng dẫn, hỗ trợ đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu chè Phú Thọ. Tỉnh Phú Thọ đã đề ra mục tiêu năm 2020 đạt 16,5 nghìn ha, sản lượng đạt 176 nghìn tấn/năm, tỷ lệ chè giống mới trên 80%; phát triển chè chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu, diện tích được chứng nhận theo quy trình sản xuất an toàn đạt trên 6,5 nghìn ha.

Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ hỗ trợ triển khai thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” cho các sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020. Dự án được thực hiện trong 2 năm 2019 và 2020.

Sau hơn một năm thực hiện, dự án đã cho thấy sự phù hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và vùng. Dự án đã phân được vùng nguyên liệu gắn trách nhiệm của các cơ sở chế biến với việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc ký kết hợp đồng, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa cơ sở, doanh nghiệp chế biến và người trồng chè trên địa bàn (sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm); nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí chất lượng đặc trưng của nguyên liệu chế biến chè Phú Thọ; xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm chè với các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, dấu hiệu nhận biết, chất lượng rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn để sản xuất và phát triển thị trường; giải quyết đồng bộ các vấn đề tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu chè Phú Thọ gắn với phát triển sản xuất, vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, tỉnh cũng đã xây dựng được hệ thống các văn bản, tài liệu liên quan đến quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận như các quy trình kỹ thuật về lựa chọn, bình tuyển, bảo tồn giống, chăm sóc, thu hái chè; quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm; bộ tiêu chuẩn chè Phú Thọ làm cơ sở cho việc chứng nhận; hệ thống tem nhãn, bao bì sản phẩm; phương tiện, tài liệu quảng bá, tuyên truyền về nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ...

Bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng cây chè, hướng đến xây dựng thương nhiệu chè Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ cũng đang chú trọng đưa cây chè vào phát triển du lịch của tỉnh như tạo ra các tuyến du lịch, các điểm dừng chân thăm quan đồi chè. Đồng thời, thông qua các Hội chợ, Triển lãm khu vực, ngành du lịch đã quảng bá rộng rãi sản phẩm chè Phú Thọ.

Với những cách làm trên, hy vọng cây chè Phú Thọ sẽ ngày càng khẳng định được giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân Phú Thọ nâng cao thu nhập từ cây chè và vươn lên làm giàu.

                                                                                                Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website