Vĩnh Long có đất đai khá màu mỡ, bằng phẳng, nước ngọt gần như quanh năm, khí hậu ôn hòa nên có thể sản xuất nhiều loại rau quả, trái cây có giá trị kinh tế cao. Thời gian gần đây, ngành nông nghiệp định hướng tập trung đầu tư cho “3 cây, 3 con”, trong đó cây ăn trái là nhóm cây chủ lực và đã hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung.
Các loại trái cây thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long
Nằm giữa khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên với các tỉnh trong khu vực, Vĩnh Long sở hữu mạng lưới sông ngòi rộng lớn và là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh thành và quốc tế thông qua các cửa biển. Xét về lợi thế phát triển nông nghiệp, Vĩnh Long có lợi thế riêng mà không phải tỉnh nào cũng có.
Hàng năm, Vĩnh Long sản xuất trên 1 triệu tấn lúa, 300 nghìn tấn khoai lang, nhiều loại cây ăn trái đặc sản, có giá trị kinh tế cao như bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn, chôm chôm… với năng suất trên 522 nghìn tấn. Một số loại nông sản đã được chứng nhận các tiêu chuẩn như GlobalGAP, VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nông sản chủ lực của tỉnh đã và đang tạo lập vị thế mới.
Trong năm 2019, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng định hướng phát triển diện tích cây ăn trái, trong đó đặc biệt tập trung vào nhóm cây chủ lực như cây có múi hoặc nhóm cây có giá trị kinh tế cao như nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long… Theo đó, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu chuyển đổi, phát triển diện tích cây ăn trái ở các vùng thích nghi, tránh làm nhỏ lẻ manh mún dẫn đến sản xuất không đạt hiệu quả.
Năm 2020, tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực như bưởi Năm Roi 2.500 ha, cam sành 7.000 ha, chôm chôm 1.000 ha, nhãn 9.000 ha. Ngành nông nghiệp đã vận động các doanh nghiệp tích cực hoạt động tiêu thụ nông sản, nhất là xuất khẩu, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và thương hiệu nông sản.
Trái cây Vĩnh Long như Chôm chôm, xoài, bưởi Năm Roi… vươn ra thế giới
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam xác định xây dựng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo cơ chế thị trường là xu hướng tất yếu. Vĩnh Long có lợi thế riêng thuận lợi cho nhiều loại cây ăn trái phát triển như bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm,…
Thời gian qua, diện tích cây ăn trái sản xuất theo hướng an toàn và VietGAP không ngừng tăng lên, góp phần đưa trái cây thâm nhập vào các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao của thế giới.
Vĩnh Long là tỉnh có những trái xoài đầu tiên được xuất khẩu sang Mỹ. Trước đó, chôm chôm Bình Hòa Phước đã được xuất khẩu sang một số nước châu Âu như Hà Lan, Pháp, Nga,... Theo Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ), nhờ đổi mới tư duy, bền bỉ thực hiện quy trình sản xuất an toàn để sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc trên bao bì, đây là cơ sở giúp hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh việc tận dụng các dự án hỗ trợ đầu tư của tỉnh, người dân đã có sự chuyển hướng tích cực nhằm nâng cao giá trị, chất lượng. Việc công bố bảo hộ chỉ dẫn địa lý được xem như bảo chứng giúp bưởi Năm Roi Bình Minh tạo niềm tin với người tiêu dùng, mở rộng thị trường xuất khẩu ra nước ngoài.
Định hướng phát triển thương hiệu trái cây của tỉnh để tạo bước tiến bền vững
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều thương hiệu nông sản của Vĩnh Long đã được thị trường biết đến, như: bưởi Năm Roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, chôm chôm Bình Hòa Phước, sầu riêng Ri 6, khoai lang Bình Tân, cánh đồng mẫu lớn với các giống lúa chất lượng cao và một số sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.
Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp rất được chú trọng, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng trồng bưởi Năm Roi, vùng trồng cam sành, vùng nhãn, chôm chôm,…
Phát triển các nông sản chủ lực là một trong những chương trình trọng tâm thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 6 sản phẩm chủ lực (3 cây: lúa, khoai lang, cây có múi; 3 con: heo, bò, cá) cơ bản phát triển ổn định.
Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản này chưa được đầu tư và phát triển đúng mức. Vì vậy, để đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu cần sự đầu tư, tính nhất quán, sự bền bỉ và lâu dài để kết nối được các doanh nghiệp, nhà đầu tư với nông dân; khuyến khích thành lập doanh nghiệp nông nghiệp, tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp.
Nguồn: VITIC tổng hợp