Thứ Hai, 28/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Hiệu quả kinh tế cao, sản lượng xoài tại An Giang liên tục tăng 

Việc chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn đang được đẩy mạnh tại tỉnh An Giang, từng bước góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho sản phẩm nông sản, trong đó có xoài là sản phẩm chủ lực, sản lượng tăng qua từng năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, từ năm 2017 đến nay, có 21.613 ha tổng diện tích của tỉnh An Giang đã được thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn trái và rau màu. Trong đó, rau dưa các loại 7.948 ha; cây rau màu 8.016 ha và cây ăn trái 5.648,18 ha, đạt 69,41% so với Quyết định 3410 (diện tích 31.130 ha).

Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh An Giang đã trồng mới 284,37 ha cây ăn trái, nâng tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh hiện có khoảng 18.900 ha, tăng 1.600 ha so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích cho sản phẩm hơn 13.300 ha (chiếm 71,12% diện tích cây hiện có), tăng 1.000 ha so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tổng số diện tích cây ăn trái hiện nay, diện tích trồng xoài chiếm số lượng lớn, khoảng 11.241 ha. Trong đó diện tích cho trái là 8.081 ha (xoài tượng da xanh, tập trung tại huyện Chợ Mới) đạt khoảng 6.000 ha; xoài cát Hòa Lộc diện tích khoảng 2.000 ha (bao gồm: Tri Tôn, Tịnh Biên, TP. Long Xuyên và TX. Tân Châu);  xoài Keo với diện tích khoảng 900 ha (An Phú và TX. Tân Châu)…

Xoài keo An Giang

Tình hình dịch bệnh Covid-19 những tháng đầu năm 2020 đã khiến việc canh tác nông nghiệp của tỉnh An Giang gặp khá nhiều khó khăn, ngoài ra các yếu tố về khí hậu, thời tiết cũng là nguyên nhân gây khó khăn đến hoạt động sản xuất. Mặc dù vậy, các hoạt động sản xuất nông nghiệp được duy trì, phát triển khá tốt, vượt chỉ tiêu đề ra là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp.

Các mô hình mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp tỉnh An Giang được đẩy mạnh tuyên truyền, tiêu biểu là gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản theo chuỗi giá trị, hay nhân rộng mô hình kinh tế tập thể; tăng năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của cây trồng, vật nuôi để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, đối với cây trồng chuyển đổi trên đất lúa cần hạn chế đầu tư lớn, cần phát triển phù hợp với thủy lợi nội đồng của địa phương, hiện trạng giao thông và định hướng thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa.

Đầu tư sản xuất, tăng sản lượng theo từng năm

Diện tích đất trồng xoài trên địa bàn tỉnh An Giang đạt 11.241 ha tính đến cuối tháng 4/2020. Xoài tươi và các sản phẩm từ xoài đã được xuất khẩu trên 40 thị trường trên thế giới, sản lượng tăng gấp nhiều lần so với các năm trước. Có khoảng 105 nghìn tấn xoài đã được thu hoạch chính vụ trong năm 2020, diện tích trồng xoài của tỉnh hiện đạt khoảng 10.000 ha, tăng gấp đôi so với năm 2015.

Như vậy trong khoảng 5 năm, cả diện tích và sản lượng quả xoài đều tăng. Kết quả có được là nhờ vùng nguyên liệu được phát triển nhanh, người dân đã có kinh nghiệm xử lý cho xoài ra hoa trái vụ, quả cho quanh năm chứ không chỉ một vài tháng trong năm, từ đó sản lượng được nâng lên và quan trọng là thị trường tiêu thụ được mở rộng, xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng và mẫu mã sản phẩm.

Vùng nguyên liệu phát triển nhanh nhờ thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi sang trồng các loại cây trái thay cho vùng trồng lúa kém hiệu quả, trong đó có xoài với sản lượng tăng cao, chất lượng cũng tăng, là tiền đề để An Giang đẩy mạnh xuất khẩu xoài trong 6 tháng cuối năm 2020.

Xoài tượng da xanh, da vàng, da đỏ có chủ yếu ở huyện Chợ Mới và xoài cát Hòa Lộc, xoài Keo trồng ở TX. Tân Châu, An Phú; hay xoài cát Chu, xoài thanh ca được trồng nhiều ở vùng Tri Tôn, Tịnh Biên…

Vùng nguyên liệu phục vụ cho hoạt động xuất khẩu xoài hiện nay rất lớn với diện tích trồng xoài trên địa bàn tỉnh hơn 11.000 ha, sản lượng đạt trên 100.000 tấn/năm. Với thế mạnh này, cần có sự gắn kết hơn nữa giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ xoài theo chuỗi giá trị, hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu. Ngành đang tích cực phối hợp các doanh nghiệp như: Cát Tường, Kim Nhung (Đồng Tháp), Hoàng Phát Fruit (TP. Hồ Chí Minh), Chánh Thu (Bến Tre),… đẩy mạnh xuất khẩu xoài vào một số thị trường có yêu cầu khắt khe như: Châu Âu, Mỹ, Úc, Hàn Quốc…, đưa cây xoài vào danh sách những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Chất lượng xoài do người dân trong tỉnh An Giang trồng ngày càng nâng lên, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng là nhờ người dân đã được hướng dẫn trồng xoài xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như: phương pháp tưới phun, tưới nhỏ giọt…

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ là hướng đi được nhiều địa phương trong cả nước lựa chọn phát triển, trong đó có tỉnh An Giang. Với những hình thức, quy mô và kết quả hoạt động của tỉnh An Giang đạt được ở nhiều mức độ khác nhau nhờ vào việc đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều dự án tập trung vào công nghệ cao đã được triển khai tại tỉnh An Giang, nhờ đó, nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Năng suất, chất lượng sản phẩm đều có lợi thế phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, từ đó nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh An Giang. Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Tỉnh An Giang cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông sản để các sản phẩm chế biến từ nông sản của tỉnh, đảm bảo được các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì nhãn mác, giấy chứng nhận và chất lượng, từ đó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nhà phân phối...

Để tạo nguồn cung bền vững cho tiêu thụ và chế biến, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về quy trình sản xuất chung cho nông sản, trong đó có sản phẩm xoài. Sản phẩm khi được đưa vào lưu thông phân phối trên thị trường phải được xây dựng chuẩn VietGAP, chuẩn an toàn thực phẩm mới …

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website