Thứ Hai, 21/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Giải pháp phát triển bền vững làng nghề mây tre đan Tăng Tiến (Việt Yên, Bắc Giang)

Ngày đăng: 10/09/2020
Lượt xem: 1.726

Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là nơi có nghề đan lát truyền thống nổi tiếng từ rất lâu đời. Sản phẩm mây tre đan có kiểu dáng, mẫu mã đẹp, chủng loại phong phú, được người tiêu dùng yêu thích và đã xuất khẩu được sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Tây Âu. Để duy trì ổn định và phát triển làng nghề, địa phương cần có các giải pháp đồng bộ, quy hoạch phát triển làng nghề, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tích cực quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sản phẩm mây tre đan Tăng Tiến

Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến có từ rất lâu đời. Trước kia, người dân khi nông nhàn tranh thủ đan lát để tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, có dư thì đem ra chợ bán. Đến nay, mây tre đan đã trở thành nghề chính của người dân trong làng với khoảng 70% số hộ tham gia, khoảng 6.000 lao động thành thục nghề.

Các sản phẩm của làng phong phú về chủng loại, hình dáng, chất lượng cũng ngày một ổn định hơn. Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm gia dụng, người dân Tăng Tiến còn sử dụng đôi bàn tay khéo léo thiết kế những mẫu túi xách, ví, gối..., đồ lưu niệm có giá trị và trở thành món quà mà khách du lịch nước ngoài rất ưa chuộng. Sản phẩm mây tre đan Tăng Tiến đã có tiếng trên thị trường trong nước và đến được nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Tây Âu…

Nghề mây tre đan tạo thu nhập chính cho người dân và chiếm 60 - 70% tổng thu nhập của xã. Đi đầu trong phát triển và nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề là HTX mây tre đan Tăng Tiến. Thành lập từ năm 1999, HTX đã thu hút và đào tạo hàng trăm lao động có tay nghề cao, làm ra những sản phẩm có độ khó, tinh xảo và giàu tính nghệ thuật. HTX mây tre Tăng Tiến cũng là cơ sở tiên phong đưa nghề tăm lụa về xã và tạo ra những sản phẩm xuất khẩu. Tăm lụa người dân làm ra được dệt thành những tấm mành tre đẹp tinh xảo, những đồ trang trí nội thất… được thị trường trong nước ưa chuộng và xuất khẩu. Sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường, cùng với những khó khăn về không gian sản xuất ngày càng bị thu hẹp, môi trường bị ô nhiễm do chưa có hệ thống xử lý chất thải từ sản xuất… đang khiến làng nghề gặp khó. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện tại vẫn là tạo không gian sản xuất cho các hộ làm nghề. Hiện tại, các hộ chủ yếu vẫn tận dụng không gian tại nhà để sản xuất, việc này gây ô nhiễm và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân.

Trước thực trạng trên địa phương cũng đang tích cực vận động các hộ sản xuất nhỏ lẻ vào HTX, đồng thời thành lập thêm nhiều HTX, tạo không gian làm việc thuận lợi cho người dân. Vấn đề khó khăn là hiện tại làng nghề vẫn chưa có hệ thống xử lý thải. Địa phương đang rất khó khăn và cần sự giúp đỡ từ các cấp trên để khắc phục tình trạng này.

Nghề mây tre đan, tăm lụa xuất khẩu ở Tăng Tiến đã có những thành tựu đáng kể. Nhưng để nghề phát triển được lâu bền, tiếp tục tạo việc làm ổn định cho người dân, cả chính quyền địa phương và người dân cần bắt tay để giải quyết những vấn đề khó khăn còn tồn tại.

Tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Quy hoạch phát triển làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, Bắc Giang khẳng định rõ quan điểm: Làng nghề truyền thống là những làng nghề tồn tại rất lâu đời, có làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm với tên tuổi, bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế, trước nguy cơ mai một cần phải khôi phục, một số làng bị suy giảm cần phải được hỗ trợ, bảo tồn. Đồng thời, quy hoạch cũng xác định sẽ phát triển một số làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm tạo thêm những điểm du lịch mới làm phong phú các tuyến du lịch của tỉnh.

Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu, dịch vụ theo quy định.

Ngành văn hóa, du lịch sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, du lịch làng nghề; cải tạo cảnh quan môi trường một số làng nghề kết hợp du lịch; xây dựng phát triển hàng lưu niệm, hợp đồng sản xuất các sản phẩm với các cơ sở làng nghề, tổ chức các điểm trưng bày và bán sản phẩm du lịch; phát triển văn hóa nghệ thuật gắn với các lễ hội làng nghề, nghệ thuật truyền thống dân gian nhằm phát triển du lịch làng nghề… UBND cấp huyện, xã sẽ tổ chức, hướng dẫn thủ tục đề nghị công nhận làng nghề truyền thống…

Mục tiêu chung về phát triển làng nghề của tỉnh Bắc Giang là nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn; phát triển làng nghề theo quy hoạch, bền vững, xóa đói giảm nghèo cho vùng sâu, vùng xa, xóa dần sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Tin liên quan
Liên kết website