Chủ Nhật, 04/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Nhiều trái cây của tỉnh Sơn La đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới

Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sơn La được đẩy mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, chú trọng xây dựng thương hiệu và đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhờ đó, đến nay nhiều loại trái cây của tỉnh Sơn La đã được xuất khẩu tới các thị trường lớn trên thế giới. Trong thời gian qua tỉnh đã xuất khẩu 30 tấn xoài sang thị trường Mỹ, 12 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Nga.

Sơn La hiện đang là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn thứ hai của cả nước, sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, chú trọng xây dựng thương hiệu và đảm bảo an toàn thực phẩm. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 72.000 ha cây ăn quả; trong đó 10.000 ha được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, cấp mã vùng trồng với các loại trái cây như xoài, nhãn, bơ, thanh long, chanh leo… Năm 2020, dự kiến toàn tỉnh thu hoạch khoảng 350.000 tấn trái cây. Đến nay, tỉnh đang duy trì và phát triển 144 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, năm 2020, tỉnh Sơn La có thêm 03 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận bao gồm: Chanh leo Sơn La, Rau an toàn Sơn La, Mận Sơn La; Nâng tổng số sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ của tỉnh lên 21 sản phẩm, trong đó có 03 chỉ dẫn địa lý, 15 sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, 03 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể. Riêng đối với sản phẩm chè Shan Tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh đăng ký bảo hộ thành công tại nước ngoài. Sau khi hiệp định Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, tỉnh Sơn La sẽ có thêm 02 sản phẩm “chè Shan Tuyết Mộc Châu” và “xoài tròn Yên Châu” được bảo hộ tại thị trường Châu Âu.

Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La dự kiến tiếp tục xây dựng và phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm Thanh long, gạo Phù Yên, rượu Hang Chú, quả Xoài tròn của huyện Yên Châu; Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tại Trung Quốc cho sản phẩm Nhãn và Xoài của tỉnh Sơn La.

Trái cây Sơn La được xuất khẩu sang nhiều thị trường

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các yếu tố thời tiết không thuận lợi, tỉnh Sơn La đã tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thương mại điện tử và kết nối tiêu thụ trong nước các sản phẩm mận, xoài, bơ, thanh long, chanh leo… và cho kết quả khả quan. Nhờ đó tổng trị giá nông sản, thực phẩm xuất khẩu của toàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 61 triệu USD, bằng 72,4% so với cùng kỳ năm 2019; đạt 40,23% so với kế hoạch xuất khẩu năm 2020. Tính đến giữa tháng 8/2020, Sơn La đã chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu 77.335 tấn nhãn, bằng 81,53% sản lượng nhãn năm 2020.

Đáng chú ý, không chỉ tiêu thụ trong nước, đến nay nhiều loại trái cây của tỉnh Sơn La đã được xuất khẩu tới các thị trường lớn trên thế giới. Trong thời gian qua tỉnh đã xuất khẩu 30 tấn xoài sang thị trường Mỹ, 12 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Nga. Điều này cho thấy, chủ trương đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu của tỉnh Sơn La đã phát huy hiệu quả.

Để làm được điều này, tỉnh Sơn La xác định xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn ứng dụng công nghệ cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường là yếu tố quan trọng nhất trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Trong năm 2020, diện tích nhãn toàn tỉnh Sơn La đạt khoảng 17.292 ha nhãn, sản lượng ước đạt 70.412 tấn. Trong đó, diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhãn an toàn... đang không ngừng tăng lên; nhãn được cấp mã số vùng trồng cũng ngày càng mở rộng. Tới nay, có 207,6 ha được cấp 34 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ, Australia; 2.415 ha được cấp 58 mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cùng với nhãn, xoài cũng là loại trái cây có sản lượng xuất khẩu lớn của tỉnh Sơn La. Tổng diện tích cây xoài toàn tỉnh vào khoảng 15.177 ha, diện tích cho thu hoạch 9.868 ha, sản lượng ước đạt 47.502 tấn. Hiện diện tích xoài trên địa bàn tỉnh đã được cấp 59 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích 1.377 ha, sản lượng đủ điều kiện xuất khẩu ước đạt 16.230 tấn, trong đó: 14 mã số vùng trồng xoài để xuất khẩu sang thị trường Australia, Mỹ và các nước khó tính với diện tích 111 ha, sản lượng ước đạt 1.223 tấn; 45 mã số vùng trồng xoài để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 1.266 ha, sản lượng ước đạt 15.000 tấn. Đầu tháng 6/2020, hơn 30 tấn xoài chất lượng cao của nông dân huyện Mai Sơn (Sơn La) đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Lô xoài xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã khẳng định thương hiệu sản phẩm cây ăn quả chất lượng cao của tỉnh Sơn La, đồng thời góp phần quảng bá, đẩy mạnh kích cầu tiêu thụ nông sản. Ngoài xuất khẩu sang Mỹ, xoài của Sơn La cũng được xuất khẩu sang thị trường Australia.

Tiếp sau 30 tấn xoài xuất khẩu sang Mỹ, ngày 10/7/2020, 20 tấn thanh long ruột đỏ của nông dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, được xuất khẩu sang Nhật Bản. Toàn bộ số thanh long này được sản xuất theo hướng hữu cơ, cấp chứng nhận VietGAP và được cấp mã vùng trồng. Với hơn 80 ha hiện có, huyện Mai Sơn đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con sản xuất chủ yếu theo hướng hữu cơ, theo đó cây thanh long ruột đỏ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh lô hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, ngày 23/7/2020, huyện Thuận Châu - Tỉnh Sơn La đã xuất khẩu 10 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Nga. Trước đó, huyện Thuận Châu đã xuất khẩu thử nghiệm 2 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường này và nhận được phản hồi tích cực của thị trường.

Trái thanh long ruột đỏ

Triển khai nhiều giải pháp mở rộng thị trường

Với việc liên tiếp xuất khẩu một lượng lớn trái xây như xoài, nhãn, thanh long… sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga đã giúp nông sản của tỉnh Sơn La tránh được nguy cơ được mùa, mất giá, thúc đẩy phát triển nông sản ở địa phương.

Tỉnh Sơn La hướng tới tiêu thụ 100% sản phẩm trái cây của toàn tỉnh trong thời gian tới. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục kết nối tiêu thụ với thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ các nhà máy chế biến đang xây dựng trên địa bàn; Có các giải pháp để sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm phù hợp như sấy khô, đông lạnh; Đồng thời, đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến các sản phẩm nông sản thông qua thương mại điện tử.

Mới đây, để đẩy mạnh tiêu thụ nhãn, ngày 13/8/2020, Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh Hưng Yên, Sơn La tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể ra nước ngoài giới thiệu sản phẩm, những thương nhân, nhà nhập khẩu nước ngoài cũng không thể sang Việt Nam trực tiếp giao dịch với các nhà vườn trồng nhãn, vì vậy hội nghị giúp hỗ trợ các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nhãn Việt Nam tăng cường tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, xuất khẩu nhãn và sản phẩm nhãn ra thị trường quốc tế.

Hội nghị kết nối trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với từng nhà nhập khẩu nhãn tiềm năng. Các nhà vườn, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tốt để quảng bá, giới thiệu và chào bán tới các nhà nhập khẩu, phân phối từ nhiều nước tham gia hội nghị đa dạng các sản phẩm nhãn, bao gồm trái nhãn tươi, nhãn sấy khô, long nhãn…

Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử, qua tác động của dịch Covid-19, một lần nữa càng khẳng định vai trò quan trọng của thị trường trong nước đối với sản phẩm nông sản. Tại Sơn La, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các kênh tiêu thụ nội địa, đặc biệt là tổ chức chế biến long nhãn. Tại huyện Sông Mã - khu vực có diện tích nhãn lớn nhất của tỉnh Sơn La, do giá nhãn xuống thấp, các hộ dân và hợp tác xã đã chuyển sang chế biến long nhãn, đây là biện pháp khắc phục tình thế nhằm giữ cho giá nhãn không xuống quá thấp và ổn định thị trường.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website