Với hương vị cay nồng, chua giòn, sản phẩm măng ớt đã trở thành một đặc sản đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn. Măng ớt Bắc Kạn đã được chứng nhận OCOP 4 sao và có mặt tại các siêu thị và chuỗi thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.
Người dân tại khu vực Đèo Gió huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn có nhiều cách khác nhau để tạo ra sản phẩm măng ớt với hương vị đặc trưng, để lâu măng vẫn trắng giòn. Điều đặc biệt khiến sản phẩm măng ớt Đèo Gió chiếm được lòng tin của người tiêu dùng là nguyên liệu sạch từ núi rừng, không chứa hóa chất độc hại. Nguyên liệu chính để làm măng ớt gồm măng củ tươi, ớt thái nhỏ hoặc xay, tỏi, quả mắc mật.
Măng ớt không phải là một món chính mà là một món gia vị ăn kèm. Mặc dù vậy, măng ớt là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của nhiều gia đình. Măng ớt được dùng để ăn cùng lẩu, bún, phở hoặc các món canh. Người dân nơi đây đã có nhiều năm kinh nghiệm gắn bó với nghề làm măng ớt.
Nhiều khách hàng tham quan mua về làm quà tặng gia đình, người thân, đặc biệt là đối với những sản phẩm măng ớt được đóng trong lọ thủy tinh, có đầy đủ tem truy xuất về nguồn gốc, xuất xứ. Các cơ sở sản xuất măng ớt trên địa bàn huyện Ngân Sơn có thương hiệu sản xuất không đủ sản lượng cung cấp theo yêu cầu. Các cơ sở sản xuất măng ớt đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn.
Sản phẩm măng ớt đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường và đã tạo ra mức thu nhập ổn định cho cả người sản xuất măng ớt và người dân trồng măng. Nhận thấy giá trị kinh tế của cây măng, nhiều người dân địa phương đã mở rộng diện tích trồng tre, mai, luồng, cũng như chăm sóc kỹ hơn cho các loại cây này nhằm mục đích thu hoạch được những cây măng có chất lượng tốt.
Hiện nay, đã có nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện có diện tích trồng măng tập trung. Sau khi trồng khoảng hai năm có thể bắt đầu thu hoạch những lứa măng đầu tiên, từ năm thứ ba trở đi, củ măng sẽ to và mọc nhiều hơn. Người dân tại đây cho biết, đến vụ thu hoạch cứ 3 - 5 ngày sẽ được thu một lứa măng. Vì măng mang lại giá trị kinh tế nên nhiều gia đình đã chú trọng chăm sóc để kích thích măng mọc tốt hơn trong những vụ sau.
Hình ảnh: Măng ớt Đèo Gió
Điểm dừng chân tại khu vực đèo Gió giúp các hộ kinh doanh măng có thêm khách hàng và là điều kiện thuận lợi để quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương. Những hộp măng ớt được xếp thành hàng, bày bán trên các khu vực đường đèo không chỉ tạo ra giá trị kinh tế cho người dân sản xuất măng mà còn mang lại một hình ảnh đẹp, góp phần phát triển du lịch khu vực đèo Gió của tỉnh.
Sản phẩm măng ớt đèo Gió của Bắc Kạn đã có thương hiệu trên thị trường. Để phát triển sản phẩm tốt hơn, chính quyền nên hướng đến thành lập các làng nghề sản xuất măng, giúp sản phẩm tăng cả về chất lượng và giá thành, mở ra hướng phát triển ổn định cho cây măng, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Đình Thuận