Do có lợi thế về địa hình với diện tích rừng lớn, nghề nuôi ong lấy mật đã trở thành một nghề phát triển bền vững. Sản phẩm mật ong của huyện Điện Biên đã được chứng nhận OCOP 4 sao, góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên.
Nhờ có điều kiện về khí hậu, hai xã Sam Mứn và Núa Ngam đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Người nuôi ong ở huyện Điện Biên thường thuần hóa ong rừng rồi sau đó nhân đàn để nuôi. Vì vậy, sản phẩm mật ong của huyện luôn được người tiêu dùng ưa chuộng vì chất lượng của mật ong nuôi ở đây không kém gì mật ong rừng tự nhiên.
Ngoài những vụ mật chính kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, những người thợ nuôi ong lành nghề của huyện Điện Biên còn tìm ra phương pháp để ong làm mật từ nguồn hoa rừng nở vào mùa Đông nhằm tăng sản lượng mật ong. Hai loài hoa chính để giúp ong làm mật vào mùa Đông ở huyện Điện Biên là hoa chó đẻ và hoa ngũ gia bì. Hai loài hoa này còn có tác dụng như một vị thuốc nam, từ đó khiến mật ong được làm từ hai loài hoa này càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mật ong Điện Biên bao gồm bốn sản phẩm chủ lực: Mật ong các loài hoa rừng; mật ong bánh tổ; phấn hoa và sữa ong chúa. Trước đây, người dân huyện Điện Biên thường chỉ nuôi ong theo hướng tự phát để phục vụ nhu cầu của chính hộ gia đình hay cho tặng nên năng suất không cao. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền huyện Điện Biên, hợp tác xã nuôi ong đã được hình thành với mục tiêu tạo dựng thương hiệu và nâng cao giá trị mật ong Điện Biên.
Hiện nay, nhiều hộ nuôi ong có từ vài chục đến vài trăm đàn ong, đem lại thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng cho người dân. Nhờ có kinh nghiệm nuôi ong lâu năm, sản lượng mật ong của năm sau cao hơn năm trước. Các sản phẩm mật ong của huyện Điện Biên đã có mặt ở nhiều siêu thị tại các thành phố lớn và được người tiêu dùng chấp nhận.
Hình ảnh: Mật ong Điện Biên
Trước đây khi thị phần sản phẩm trên thị trường còn hạn chế, người dân thường bán mật ong thô cho thương lái ở các tỉnh dưới xuôi với giá thành bằng một nửa giá trị của sản phẩm mật ong thành phẩm. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ đem sản phẩm mật ong đến các hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá hình ảnh mật ong Điện Biên. Hiệu quả từ hoạt động này rất lớn, giúp mật ong có nhiều cơ hội tiếp xúc với khách hàng, từ đó nguồn thu nhập của người dân nuôi ong cũng được nâng cao.
Sau khi dùng sản phẩm mật ong của Điện Biên, đã có nhiều khách hàng liên hệ lại và đặt hàng các sản phẩm mật ong. Từ đó cho thấy hiệu quả từ các phương pháp xúc tiến, quảng bá sản phẩm mật ong của chính quyền cũng như người dân Điện Biên. Sản phẩm mật ong Điện Biên hiện nay không chỉ được bán qua các kênh truyền thống mà đã được quảng bá và bán qua các kênh bán hàng trực tuyến, đưa sản phẩm mật ong đến gần với người tiêu dùng hơn, góp phần mở rộng thị trường sản phẩm.
Hợp tác xã nuôi ong trong vùng cũng góp phần hết sức quan trọng vào việc phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật. Ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác xã luôn hợp tác cùng chính quyền huyện Điện Biên quảng bá hình ảnh, thu hút khách hàng cho sản phẩm mật ong. Ngoài ra, hợp tác xã cũng thường xuyên tổ chức tập huấn cho người dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn ong.
Các hợp tác xã nuôi ong cũng tích cực vận động các hộ nuôi ong tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Việc xây dựng thành công chuỗi liên kết sẽ giúp nâng cao giá trị mật ong, tạo thêm cơ hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mật ong cho tất cả các hộ trên địa bàn huyện.
Đình Thuận
Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây”