Vùng đất Bình Định nổi tiếng với nhiều loại xoài khác nhau, có hương vị riêng như xoài thanh ca, xoài mật, xoài xẻ…, nhưng trong đó ngon nhất và nổi bật nhất vẫn là xoài tượng. Trong những năm gần đây, giống xoài này được chính quyền địa phương quan tâm và tạo điều kiện phát triển, hướng tới xuất khẩu đến các thị trường lớn.
Xoài tượng là loại to nhất trong tất cả các loại xoài ở Việt Nam, mỗi quả nặng từ 0,5 – 1 kg, nhiều thịt và khá chắc. Quả xoài có hình thuôn dài, lớp vỏ màu xanh bóng mịn, khi chín ngả sang vàng nhạt. Xoài có vị hơi chua nhưng khi chín sẽ rất ngọt. Giống xoài này ít xơ nên người tiêu dùng rất yêu thích. Xoài tượng thường được trồng vào mùa mưa, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Khi thu hoạch xoài cần chú ý chọn thời điểm xoài hơi ngả vàng vì như vậy sẽ giúp xoài để được lâu.
Xoài tượng được xếp trong top 5 các loại trái cây giàu chất dinh dưỡng, giúp chống lại bệnh tim cũng như tăng cường trí nhớ và giúp não hoạt động hiệu quả. Hiện nay, mức giá bán xoài tượng trên thị trường dao động từ 30.000 – 50.000 VNĐ/kg. Nhờ có khoa học kỹ thuật mà trong những năm gần đây, chất lượng xoài ngày càng tăng, giúp người trồng cải thiện được chất lượng và tăng thêm thu nhập so với trước đây.
Tại Bình Định, xã Cát Nhờn, huyện Phù Cát được xem là quê hương sản sinh ra giống xoài tượng. Sau một quá trình phát triển, hiện nay vùng đất Đại An được xem là nơi trồng nhiều xoài tượng với chất lượng cao nhất tỉnh. Theo chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh Bình Định, định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung vào các cây trồng chủ lực như xoài, chuối, cây có múi. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ có các vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh đạt chất lượng cao, trong đó có 1.500 ha xoài. Tỉnh Bình Định có khí hậu thoáng mát, thổ nhưỡng tốt và hệ thống thủy lợi được đầu tư nên rất thuân lợi cho việc phát triển các loại cây ăn quả.
Soài tượng Bình Định
Để tiếp tục phát huy thế mạnh của cây xoài tượng cũng như tạo cơ hội để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn, trong thời gian tới, tỉnh Bình Định cần tập trung vào các nhóm giải pháp chính như sau:
- Chính quyền địa phương triển khai các chiến dịch truyền thông để giới thiệu và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng một cách bài bản và hệ thống hơn. Mở rộng mạng lưới khách hàng ngoại tỉnh, giúp sản phẩm thâm nhập vào nhiều tỉnh, thành phố khác để nâng cao độ nhận diện thương hiệu.
- Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng xoài của tỉnh theo hướng bền vững, chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, sáng tạo thêm nhiều món ăn vặt từ xoài tượng để thu hút thêm các đơn hàng mới.
- Tăng cường công tác kiểm chất lượng giống, kỹ thuật canh tác, quá trình thu hoạch, bảo quản và sơ chế sản phẩm xoài tượng, nhằm giúp hạn chế tối đa những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc sử dụng chất bảo quản hay thuốc bảo vệ thực vật vượt định mức cho phép.
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trồng và chăm bón xoài tượng theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, giúp xoài tượng tăng thêm cơ hội xuất khẩu ra các thị trường lớn.
Đình Thuận