Quỳnh Lưu nổi tiếng cả nước bởi nguồn lợi thủy hải sản đa dạng, tươi ngon, đúng chuẩn vị miền biển. Trong những năm qua, huyện Quỳnh Lưu luôn tập trung phát triển lĩnh vực ngư nghiệp, đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng thủy sản và khai thác hải sản xa bờ, nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế toàn tỉnh.
Quỳnh Lưu là một huyện ven biển của tỉnh Nghệ An, có chiều dài 19.5 km và hai cửa lạch. Hiện nay, huyện Quỳnh Lưu có 10 xã tập trung vào nghề đánh bắt thủy hải sản và 4 hội nghề cá tại các xã gồm Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy và Sơn Hải. Huyện cũng có 3 vùng nuôi trồng thủy sản (trong số 5 vùng của tỉnh) với diện tích 106 ha là xã Quỳnh Long, Quỳnh Bảng và Quỳnh Lương, cả ba xã đã được công nhận đủ điều kiện nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Huyện đã có 8 cơ sở sản xuất tôm sú kết hợp với cua giống, 1 cơ sở sản xuất ngao giống và 1 cơ sở sản xuất cá giống. Tính đến cuối tháng 4/2022, số lượng tàu cá đạt 862 tàu, trong đó có trên 700 tàu đạt công suất 90 CV, đảm bảo nhu cầu đánh bắt xa bờ của ngư dân. Cụ thể, có 424 tàu (dài 15m) chuyên nghề vây, chụp 4 sào tại các xã như Quỳnh Nghĩa, Sơn Hải, 13 tàu (dài 12m) chuyên chụp 2 sào tại các xã Tiến Thủy, còn lại là trên 300 tàu (dài dưới 6m) chuyên nghề rê, câu tại Quỳnh Lương, Quỳnh Long …
Người dân thu hoạch tôm
Trong thời gian qua, huyện Quỳnh Lưu đã thực hiện một số giải pháp để phát triển ngư nghiệp, điển hình như: Đảm bảo an toàn lao động khi ra khơi (trang bị đầy đủ các loại thiết bị để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá như bình chữa cháy, phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc…); Đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng, huyện Quỳnh Lưu đã và đang được đánh giá là trung tâm sản xuất giống thủy sản trên toàn tỉnh. Nhiều kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao được đưa vào quá trình sản xuất, tạo ra những giống mới đạt chất lượng; Đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng hàng hóa.
Định hướng phát triển thủy hải sản của huyện Quỳnh Lưu trong thời gian tới:
- Một là: bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái.
- Hai là: duy trì hoạt động đánh bắt xa bờ nhưng tuân thủ theo quy định về an toàn lao động và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tăng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện. Đào tạo nghề cho người dân theo hướng liên kết, hợp tác thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để nuôi trồng và khai thác hải sản theo đúng quy trình.
- Bà là: Đa dạng hóa sản phẩm để thu hút thêm người tiêu dùng. Tập trung vào các hoạt động chế biến thủy hải sản để tạo ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đình Thuận