Chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, nghiên cứu công nghệ sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm từ cây thạch đen, huyện Thạch An từng bước thay đổi hợp lý cơ cấu cây trồng, mở rộng thị trường tạo hướng phát triển bền vững cây thạch đen, đẩy mạnh phát triển kinh tế của huyện.
Thạch đen đang được coi là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Năm 2021, tổng diện tích cây thạch đen của huyện Thạch An khoảng 428 ha, tăng 114 ha so với năm 2017, tập trung nhiều ở các xã Đức Thông, Trọng Con, Thái Cường, Quang Trọng, Canh Tân, Minh Khai, Thụy Hùng Kim Đồng, với tổng sản lượng đạt hơn 2.000 tấn.
Cây thạch đen huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng
Diện tích trồng thạch đen ở hai xã Trọng Con và xã Đức Thông chiếm 42% tổng diện tích trồng thạch đen của huyện Thạch An. Nhằm tăng diện tích trồng, tăng năng suất, năm 2021, một số xã trong huyện Thạch An đã tạo thành vùng trồng cây thạch đen tập trung, mỗi hộ đăng ký trồng từ 500 m2 trở lên. Mỗi ha thạch đen thu được khoảng 5,5 - 6 tấn.
Người dân tích cực trồng, chăm bón, nâng cao chất lượng, năng suất cây thạch đen. Giá cây thạch đen luôn ở mức cao, dao động từ 40 - 45 nghìn đồng/kg. Với giá trị kinh tế từ cây thạch đen cao, phát huy tốt thế mạnh trồng, kinh tế nhiều hộ gia đình khá lên nhờ trồng thạch đen.
Sản phẩm thạch đen được đóng hộp sau chế biến tại các cơ sở sản xuất hiện nay. Mỗi hộp có đầy đủ nhãn mác, giá bán trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng/hộp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh cũng như các tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều hộ sản xuất lớn mỗi ngày làm ra từ vài trăm đến hơn 1.000 hộp thạch đen.
Để đảm bảo sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030. Đây là điều kiện thuận lợi để các sản phẩm thạch đen Thạch An Cao Bằng phát triển thương hiệu trên thị trường.
Đặc sản thạch Cao Bằng
Tạo thị trường tiêu thụ ổn định các sản phẩm từ cây thạch đen
Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Thạch An tiếp tục xác định cây thạch đen là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của huyện. Để phát triển và nâng cao giá trị sản xuất cho cây thạch đen, yếu tố quan trọng nhất là khâu tìm đầu ra tiêu thụ ổn định cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích trồng cây thạch đen. Để tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định thì định hướng xuất khẩu chính ngạch đối với các sản phẩm từ cây thạch đen là cần thiết.
Huyện mong muốn và kêu gọi nhà đầu tư, các doanh nghiệp hỗ trợ huyện quảng bá cây thạch đen, hỗ trợ sản xuất, chế biến sản phẩm thạch đen. Đặc biệt có thể xây dựng nhà máy chế biến sâu sản phẩm thạch đen trên địa bàn huyện.
Cây thạch đen đã và đang trở thành cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Cây thạch đen được xuất khẩu đi nhiều nước; sản phẩm thạch đen chế biến từ cây thạch có vị ngọt mát, thanh đạm, giải nhiệt được thị trường trong nước ưa chuộng, đầu ra ổn định, tạo triển vọng lớn cho cây thạch đen. Tuy nhiên các thị trường nước ngoài đang ngày càng thắt chặt đối với sản phẩm nông sản Việt Nam. Do đó cần chú trọng đến công tác tuyên truyền cho các hộ sản xuất kinh doanh thạch về chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó giúp nâng cao vị thế và uy tín của sản phẩm thạch đen.
Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số sản phẩm từ cây thạch đen thành hàng hoá, phát triển nguồn gen cây thạch đen sẽ mở ra cơ hội giúp thạch đen Thạch An thâm nhập được vào các thị trường mới và tạo hướng phát triển bền vững, từng bước thay đổi hợp lý cơ cấu cây trồng.
Trong đó xúc tiến thương mại thông qua các kênh thông tin, chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm, tuyến siêu thị để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Từ đó nâng cao được đời sống cho nhân dân giúp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện một cách bền vững.
Quy mô trồng thạch đen của huyện theo quy hoạch, vùng nguyên liệu sẽ tăng lên 500 ha vào năm 2022. Sản phẩm được giá, đầu ra được mở rộng thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn, chính quyền địa phương trong nghiên cứu và phát triển cây thạch đen, cũng như sản phẩm thạch đen của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.
Với việc trồng có quy mô sẽ khai thác giá trị thương mại của nhãn hiệu chứng nhận Thạch Đen. Để khẳng định giá trị của sản phẩm trên thị trường, cần phát triển sản phẩm ở quy mô sản xuất hàng hóa, đầu tư một cách hợp lý theo quy trình kỹ thuật và có chiến lược thị trường phù hợp, cung cấp nguồn thực phẩm sạch và bổ dưỡng cho trị trường.
Thúy Hà