Thứ Sáu, 09/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Măng cụt Cầu Kè khẳng định thương hiệu

Trái măng cụt Cầu Kè đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, gia tăng cả về sản lượng và giá trị sản phẩm, đặc biệt giá trị tăng từ 20-30%. Tỉnh Trà Vinh đang có chủ trương khuyến khích các hộ giữ vững tiêu chuẩn trồng VietGAP, tạo nền tảng hình thành vùng chuyên canh và nâng tầm thương hiệu măng cụt địa phương.

Cầu Kè hiện là địa phương có diện tích vườn cây ăn quả lớn nhất tỉnh Trà Vinh, với hơn 9.100 ha, chiếm khoảng 50% diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh. Mỗi năm, sản lượng các loại như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn, cam sành, dừa sáp, bưởi năm roi, bưởi da xanh, xoài… đạt khoảng 150.000 tấn. 

Toàn huyện Cầu Kè có gần 500 ha măng cụt cho trái ở độ tuổi từ 8 đến trên 15 năm. Đặc điểm của măng cụt Cầu Kè là trái to, vỏ mỏng, da bóng, hột nhỏ, cơm dày và ngọt. Măng cụt cho trái từ tháng 4 - 6 âm lịch, năng suất bình quân 11 tấn/ha. Bình quân 1 ha măng cụt trồng từ 20 -25 cây và ở độ tuổi từ 10 -15 năm. Cây măng cụt có lợi thế là không sợ ngập nước, ưa bóng râm nên nhà vườn dễ trồng xen dưới tán vườn cây ăn trái. Từ năm thứ 8 đến thứ 12, cây măng cụt dần ổn định, ra trái theo từng năm, giá bán thường cao hơn một số loại quả khác.

Với giá trị kinh tế cao, cây măng cụt không dừng lại diện tích như hiện nay mà còn phát triển hơn. Ngoài cù lao Tân Quy, ở các ấp ven sông Hậu như Vĩnh An, An Trại, An Hòa, người dân cũng trồng xen cây măng cụt trong vườn cây ăn trái. Cây măng cụt càng già càng sai trái, cho tới 400 - 500 kg/cây/năm. Ở cù lao Tân Quy, huyện Cầu Kè hiện có khoảng 15 cây măng cụt cổ thụ gần 100 tuổi.

Quả măng cụt huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh

Mùa vụ năm 2022, các vườn măng cụt gặp thời tiết thuận lợi nên chất lượng trái ngon và năng suất tăng rất cao so với vụ mùa năm 2021. Hiện nay, cây ăn trái như măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, ổi và nhãn ở Cầu Kè vẫn đang thu hoạch, tập trung nhiều ở các xã An Phú Tân, Hòa Tân, Ninh Thới và Tam Ngãi. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng trái cây thu hoạch của huyện trên 109.789 tấn, đạt 66,54% kế hoạch năm, tăng 47.416 tấn so cùng kỳ năm 2021.

Các nhà vườn ở huyện Cầu Kè đang từng bước nâng cao chất lượng và sản lượng của măng cụt để loại trái này trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương. Cây măng cụt đã có nhiều địa phương ở các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trồng, nhưng măng cụt Cầu Kè vẫn được các thương lái ưu tiên thu mua vì chất lượng trái bóng đẹp, vỏ mỏng, cơm dầy và rất ngọt.

Nâng tầm thương hiệu hướng đến thị trường xuất khẩu

Măng cụt là loại cây ăn trái đặc sản ở vùng nhiệt đới, được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á, có chất lượng ngon, được nhiều người ưa chuộng và có tiềm năng xuất khẩu lớn ở Việt Nam. Các mô hình sản xuất măng cụt tại Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh được thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, đây là tiền đề để các địa phương tiến tới nhân rộng, đưa loại cây trồng này tiếp tục phát triển, tạo nên sự liên kết trong sản xuất từ các hộ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí đầu vào và  gia tăng giá trị trên đơn vị sản xuất. 

Trong kế hoạch phát triển diện tích 20.000 ha vườn cây ăn trái giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đã quy hoạch vùng cây ăn trái đặc sản tại huyện Cầu Kè khoảng 4.000 ha và gắn với du lịch. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để nâng cao chuỗi giá trị cây ăn quả đặc sản của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, địa phương quy hoạch lại sản xuất, cải tạo vườn kém hiệu quả, phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, từng bước xây dựng thương hiệu các loại trái cây đặc sản để thu hút doanh nghiệp đầu tư du lịch sinh thái miệt vườn. Huyện xác định, phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Huyện đang tập trung nhiều nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nâng cấp các công trình giao thông trên địa bàn, đầu tư phát triển các cây ăn quả chất lượng để cung cấp cho các địa phương, sản xuất các mặt hàng nông nghiệp phục vụ cho du lịch – dịch vụ.

Thu Thủy

Liên kết website