Với tâm huyết giữ “lửa” nghề, nghề gốm ở Phổ Khánh được người thợ duy trì, sáng tạo nên các sản phẩm độc đáo, đa dạng, lan tỏa lối sống “xanh” từ những sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ, từ đó góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của địa phương.
Tại hai làng Trung Sơn và Vĩnh An, thuộc xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi nổi tiếng với gốm Phổ Khánh, là nơi có làng gốm mộc với truyền thống hàng trăm năm.
Từng là làng nghề phát triển, là niềm tự hào của người dân xứ Quảng, làng gốm Phổ Khánh - nơi người dân đang gìn giữ di sản văn hóa gốm tiền sử Sa Huỳnh, là một trong những giá trị văn hóa quan trọng nằm trong không gian văn hóa Sa Huỳnh.
Với sự đa dạng của thị trường gốm hiện nay khi các loại gốm bắt mắt với màu sắc sặc sỡ, mẫu mã và hoa văn đa dạng, chất men láng men thì gốm Phổ Khánh lại có nét đặc trưng riêng là làng chỉ làm gốm mộc, đều là đất sét nung.
Làng gốm Phổ Khánh, xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi
Làng nghề gốm mộc Phổ Khánh bắt nhịp thị trường với phong cách chế tác đồ gốm độc đáo, thể hiện tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc của người dân vùng duyên hải Việt Nam.
Ấn tượng trong nghệ thuật truyền thống của làng gốm Phổ Khánh tất cả vẫn là gốm mộc, không láng men như các loại gốm ở nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng khác.
Người thợ gốm chủ yếu làm các công đoạn bằng thủ công, lấy đất, nhào nặn, nung bằng củi trong lò truyền thống tại nhà để tạo ra sản phẩm hoàn hảo. Tất cả công đoạn này đã tạo nên một chất màu rất riêng, một màu gốm mộc “vùi mình” trong củi lửa. Làng nghề đã được tỉnh công nhận là làng gốm truyền thống, hiện nay làng chủ yếu sản xuất các loại gốm gia dụng như: nồi niêu, trách, trả rang, ấm nước…
Người thợ mất khá nhiều công đoạn cũng như sự công phu, đúng kỹ thuật để hoàn thành một sản phẩm gốm mộc như ý. Để có được sản phẩm vừa thanh và chín đều, vừa đẹp lại vừa bền, người thợ phải thận trọng trong từng công đoạn. Trong đó việc chọn nguyên liệu rất quan trọng là đất sét vàng, đất sét xanh đem phơi thật khô rồi đập, sàng lấy đất mịn, nhào nặn, tạo hình, chuốt, phơi khô rồi đem nung. Tiếp đó người thợ phải biết cách xem lửa và dừng đúng lúc để có mẻ gốm đạt chất lượng.
Sản xuất sản phẩm gốm Phổ Khánh, một người thợ thủ công làm một tháng khoảng 3.000 sản phẩm, đủ để đưa vào nung một lò. Nung sau 24 giờ là mở lò, sản phẩm có thể mang đi tiêu thụ. Để giảm thời gian sản xuất ra sản phẩm, tăng năng suất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, người thợ còn sử dụng nguyên lý quay của chiếc bàn xoay, dùng khuôn thạch cao để tạo hình sản phẩm. Nhờ cải tiến ở khâu tạo hình sản phẩm có khuôn, có máy, mỗi ngày người thợ có thể làm được 200 sản phẩm với chất lượng vẫn được đảm bảo, cao gấp hai, gấp ba lần so với trước.
Trước đây, sản phẩm gốm Phổ Khánh chiếm lĩnh thị trường nội tỉnh và các tỉnh lân cận. Nhưng với sự phát triển của các vật liệu khác cùng với sự khan hiếm của nguồn nguyên liệu đất sét nên làng nghề gặp nhiều khó khăn, tưởng chừng bị mai một. Với tâm huyết giữ “lửa” nghề truyền thống, một số hộ đầu tư mua máy móc cải tiến khâu nhồi đất và khuôn đúc để tạo hình sản phẩm, liên hệ với những nơi cải tạo đồng ruộng để mua nguồn đất sét về làm nghề.
Để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống này, bên cạnh sản xuất truyền thống, nhiều người thợ đã áp dụng khoa học để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, đảm bảo về chất lượng. Nghề gốm ở Phổ Khánh được duy trì và những lao động có tay nghề mới không chỉ tiếp tục gắn bó với nghề truyền thống, còn sáng tạo nên các sản phẩm độc đáo, đa dạng, góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống.
Trong xu thế sống “xanh”, gốm Phổ Khánh bắt đầu có nhiều đơn đặt hàng hơn trước. Những sản phẩm thủ công đang được nhiều người ưa chuộng hơn, lan tỏa lối sống “xanh” từ những sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ.
Phát huy giá trị du lịch làng nghề gốm sứ Phổ Khánh đang được chú trọng, theo đó các tuyến du lịch kết nối với không gian văn hóa Sa Huỳnh sẽ sớm được khai thác, qua đó địa phương đã tiến hành xây dựng mạng lưới hợp tác xã để kết nối làng gốm Phổ Khánh với các không gian văn hóa Sa Huỳnh, nhằm kết nối nguồn cung sản phẩm phong phú và thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sự phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống, để phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả.
Đình Thuận